Những đại gia "ngã ngựa" xôn xao dư luận

Năm 2012 được xem là năm “đen đủi” đối với nhiều doanh nhân Việt Nam. Cùng điểm lại những vụ bắt giam, khởi tố các đại gia “sừng sỏi” trong năm nay.

Từ nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình ngồi tù

Ông Phạm Thanh Bình được biết đến là một nhà lãnh đạo chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong vụ khủng hoảng của Tập đoàn Kinh tế Vinashin tại Việt Nam năm 2010. Trước khi bị đình chức theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 13/7/2010, ông Bình là cá nhân giữ cùng lúc ba chức vụ quan trọng nhất ở Tập đoàn Vinashin là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn.

Sau khi bị bắt giữ vào tháng 8/2010 về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cuối  tháng 3/2012, vụ án đã được đưa ra xét xử. Bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin) lĩnh 20 năm tù giam. Cùng với 8 bị cáo khác là các “đại gia” trong các lĩnh vực kinh tế khác cũng vướng vào vòng lao lý.

Khi được nói lời cuối cùng trước vành móng ngựa, Nguyên chủ tịchVinashin Phạm Thanh Bình đã thẳng thắn thừa nhận, thực hiện sai chỉ đạo của Chính phủ. “Bị cáo có những lúc nôn nóng, thậm chí có lúc “xé rào” làm sai quy định. Việc làm bị cáo không mang lợi ích cá nhân nên mong HĐXX xem xét giảm tội cho tôi” - Phạm Thanh Bình nói.

Đến “đại gia thủy sản”, “ông trùm” thép “chết” vì nợ nần….

Đại gia thủy sản Diệu Hiền với số nợ lên tới hàng nghìn tỷ

Đầu năm, vụ việc hàng trăm nông dân đến đòi nợ tại nhà riêng của đại gia thủy sản Diệu Hiền đã gây bất ngờ cho dư luận. Khi cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc phát hiện công ty CP thủy sản Bình An và riêng bản thân bà Diệu Hiền đã nợ ngân hàng và không có khả năng thanh toán với số tiền lên đến cả nghìn tỷ.

Khởi nghiệp cách đây 16 năm tại Sóc Trăng với nghề kinh doanh gỗ, bà Diệu Hiền nhanh chóng trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám độc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bình Dương). Ngay sau đó, bà được biết đến là một trong những “đại gia hàng đầu ở ĐBSCL và gây “sốt” khi tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai khi dùng một dàn siêu xe diễu hành khắp Sài Gòn và trước đó từng tuyên bố có thể mượn máy bay của bầu Đức để rước dâu. Chẳng thế ngờ, sau sự kiện hot đó, người ta thấy bà xuất hiện dày đặc trên các mặt báo nhưng với vai trò mới là con nợ lớn.

Đến khi khả năng thanh toán không còn, bị đòi nợ ráo riết, bà Diệu Hiền đã lẳng lặng sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền và là người được bà trao quyền tổng giám đốc Bianfishco, đã liên tục vòng vo, hứa hẹn trả nợ, công bố các biện pháp cứu Bianfishco như bán nợ cho DATC, bán nhà máy cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, ngày qua ngày, số tiền trả nợ không là bao trong khi số nợ phải trả ngày càng phình to, bộc lộ những “mánh lới” mà bà Diệu Hiền đã sử dụng để vay nợ khắp các cá nhân và ngân hàng.

Khi vụ việc đại gia thủy sản còn chưa ngã ngũ, đầu tháng 8 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao trong giới làm ăn bởi lâu nay, đại gia này có tiếng là “làm ăn đàng hoàng”.

Năm 2011, Công ty Thái Sơn từng lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng. Không may, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, ngân hàng thắt chặt tín dụng, cùng với việc giá sắt thép giảm mạnh, lượng hàng tồn lớn, công ty bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Kể từ đó, số nợ của công ty Thái Sơn không ngừng tăng lên. Tính đến trước khi bị bắt, tổng số nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng.

....Đại gia chứng khoán vướng vào lao lý

Ông Phan Huy Chí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME bị bắt giữ

Năm 2012 còn chứng kiến một loạt lãnh đạo doanh nghiệp, công ty chứng khoán vướng vào vòng pháp luật.

Đầu tháng 8, ông Phan Minh Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC) đã bị bắt tạm giam vì hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Tổng giám đốc RFC.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2012, ông Hoàng Xuân Quyến (cựu Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt) cũng bị bắt, khởi tố điều tra về hành vi Lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ với số tiền sai phạm gây ra khoảng 30 tỉ đồng.

Không lâu sau, việc khởi tố và bắt giam ông Phan Huy Chí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME - về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cũng khiến không ít người “ngã ngửa”. Cùng bị điều tra trong vụ này còn có Phó Chủ tịch HĐQT SME Phạm Minh Tuấn.

Tuy nhiên, vận đen dường như không chừa bất cứ ai, vẫn đeo đẳng, ám ảnh các đại gia trên cuộc chiến thương trường đầy cam go và khốc liệt. Sự kiện bầu Kiên bị bắt giữ khiến nhiều người không chỉ lao đao, choáng vàng mà còn xót xa.

Rúng động sự kiện bầu Kiên bị bắt giữ vì kinh doanh trái phép

Bầu Kiên bị bắt giữ. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Ngày 21/8 là một ngày đen tối với một đại gia kinh tế tầm cỡ, một ông bầu bóng đá nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên).

Theo đó, Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên, về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10). Quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Kiên - Chủ tịch HĐQT của 3 công ty: Công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - căn cứ theo đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty này.

Theo bà Yến, tổ trưởng tổ dân phố, ông Kiên bị cơ quan công an đọc lệnh bắt vào hơn 19h tối qua 20/8 trước sự chứng kiến của các cán bộ phường Quảng An cùng tổ dân phố. Vào thời điểm ông Kiên bị bắt, bà Yến cho biết, trong nhà có vợ và một mẹ già.

Bầu Kiên là một đại gia ngân hàng, không sai, nhưng ông còn là một trong những doanh nhân tiên phong khi đầu tư vào bóng đá. Trước khi bị bắt, ông đang giữ chức chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB, tuy nhiên đội bóng chưa gặt hái được thành tích nào đáng kể. Ông cũng là người khởi xướng thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và hiện đang là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Thời điểm cuối năm 2011, bầu Kiên đã có hàng loạt những phát biểu và hành động gây ra một cuộc "cách mạng" cho bóng đá Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc... Ông Kiên từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam. Trong lĩnh vực du lịch, bầu Kiên có "ghế" trong hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và CTCP Du lịch Thiên Minh.

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng những vụ bắt giữ, khởi tố trên đã chỉ rõ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều rối ren, không phải đại gia nào cũng có thể đứng vững.