Vì cái chất trắng đầy ma lực đó, các bị cáo quên rằng mình là cha, là mẹ, thậm chí lãng quên luôn tư cách con người. Những cuộc đời hoang dại vì ma túy liệu còn có thể giáo dục, cải tạo? Rất nhiều tâm tư đọng lại trong lòng người dự khán khi chứng kiến “cặp đôi ma túy” Trần Thị Huyền và Nguyễn Văn Hải trong một phiên tòa nhiều nước mắt buồn….
Trần Thị Huyền và Nguyễn Văn Hải tuy là hai thân phận, hai cuộc đời khác nhau nhưng có một đặc điểm chung là sa vào vòng lao lý vì ma túy. Từ chỗ con nghiện quen biết, làm “đối tác” của nhau và rồi cùng trở thành “đồng phạm”. Hải, người đàn ông đã ngoại ngũ tuần, có lý lịch dày đặc những lần vào tù ra tội. Sinh ra trong gia đình nghèo, Hải không có điều kiện đi học nên sớm trở thành du đãng đường phố. Mới ngoài 20 tuổi, Hải trở thành một tên cướp khét tiếng máu lạnh. Trong một phi vụ, Hải dùng dao giết người và bị tóm gọn. Y bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh kết án tù chung thân về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Nhờ cải tạo tốt, qua vài lần ân xá, Hải được ra tù trước thời hạn vào năm 2002.
Dù bị pháp luật nghiêm trị nhưng Hải không hề cải tà quy chính, trái lại, cuộc sống với những cám dỗ vật chất, khiến Hải sớm tha hóa. Hải trở thành kẻ “đầu bò”, chuyên dọa nạt, dùng uy của đại ca vừa ra tù để đi đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Năm 2003, Hải lại tiếp tục xộ khám về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với mức án 4 năm tù. Sau khi ra tù lần thứ hai, Hải bập vào ma túy, trở thành một con nghiện. Khi không còn đủ sức khỏe để đi đâm chém, trộm cướp, Hải chọn con đường mua bán chất ma túy để vừa có tiền nhàn nhã, vừa được đắm chìm trong làn khói mê hoặc. Trong số “bạn hít”, Hải quen thân với Huyền, người đàn bà có số phận đầy éo le trắc trở. Huyền làm quen với khói ma túy sau khi lấy chồng. Chồng Huyền vốn là một con nghiện nên thường mua ma túy về nhà sử dụng. Trong một lần tình cờ, Huyền bắt gặp cảnh người chồng đang hít heroin. Lẽ ra phải khuyên can chồng đoạn tuyệt với ma túy, người đàn bà lại bị chồng thuyết phục cùng sử dụng và làm giàu bằng buôn bán ma túy. Huyền cung cúc nghe theo, dễ dãi chấp nhận. Trong một lần đi giao “hàng”, chồng Huyền bị bắt quả tang và ra tòa lãnh án 2 năm tù giam. Huyền vẫn không tỉnh ngộ, tiếp tục trượt dài bất chấp mình đang có trách nhiệm nuôi hai con nhỏ.
Sự cấu kết phạm tội giữa Hải và Huyền được hai bị cáo khai nhận tại phiên tòa: Cuối năm 2012, Hải nhiều lần mua heroin của đối tượng chưa xác định được lai lịch với giá 2 triệu đồng/cục. Hải phân nhỏ ra để sử dụng và đem bán cho các đối tượng nghiện ma túy để kiếm lời. Trong đó, số ma túy trên được Hải bán cho Huyền tổng cộng 4 lần, giá từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/cục. Huyền đem ma túy về nhà cất giữ, phân ra thành từng tép nhỏ bán lại cho các con nghiện. Đầu tháng 11/2012, khi Hải và Huyền đang mua bán ma túy thì bị công an phát hiện, bắt giữ, kết thúc những chuỗi ngày gieo rắc cái chết trắng ra xã hội của “cặp đôi” này.
Nghe bị cáo Huyền nghẹn ngào trình bày hoàn cảnh để xin tòa khoan hồng cho mức án nhẹ, sớm về lo cho hai con nhỏ, vị thẩm phán hỏi: “Bị cáo khai rõ mỗi ngày sử dụng bao nhiêu ma túy?” Huyền lí nhí: “Bị cáo như mất trí vì ma túy. Dù biết con cái đói khổ mà mỗi ngày bị cáo vẫn hít 3-4 tép heroin, tiêu tốn hết 400.000 đồng”. Vị thẩm phán lắc đầu: “Lẽ ra trong điều kiện gia đình như vậy, bị cáo phải biết thương yêu các con. Các cháu phải được chăm sóc tốt để trở thành những người con ngoan, lớn lên thành người tốt. Nhìn vào vợ chồng bị cáo, thử hỏi làm sao các cháu có tuổi thơ? Ai sẽ nuôi dạy các cháu khi bị cáo phải thi hành án? Hai bị cáo đều vì ma túy, không còn nhận ra đâu là lương thiện, tội lỗi, bất chấp pháp luật, cần phải xử phạt nghiêm khắc”. Huyền cúi đầu ân hận, nước mắt lã chã tuôn rơi. Có lẽ hình phạt bao nhiêu năm tù sẽ không nặng nề bằng sự dằn vặt từ bản án lương tâm. Phiên tòa kết thúc với mức án 3 năm tù dành cho Huyền; 9 năm tù dành cho Hải. Nhìn Hải ra xe bịt bùng với thái độ dửng dưng, nhiều người băn khoăn tự hỏi liệu 9 năm tù có đủ dài để bị cáo hối cải trở thành người lương thiện hay sẽ càng thêm lưu manh, biến chất?...