Trải qua một năm đầy khó khăn và thử thách, cùng với những thăng trầm của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2011 đã vấp phải khá nhiều áp lực như lạm phát tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều bất lợi…
Trước bối cảnh khó khăn đó, năm 2011 vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã nếm trải khá nhiều cú sốc, khi các chỉ số trên cả hai sàn không ngừng rơi thảm hại. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường đã xuất hiện cổ phiếu có mệnh giá chỉ vài trăm đồng.
Theo dõi thị trường chứng khoán suốt năm qua có thể thấy, trong cả năm 2011, thị trường chỉ có được hai đợt phục hồi ngắn ngủi, hiếm hoi là vào cuối tháng 5 và khoảng giữa tháng 8. Còn toàn bộ khoảng thời gian còn lại thị trường chủ yếu giao dịch trong xu hướng đi xuống, trước những chán nản và mệt mỏi của các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa
Các nhà đầu tư vẫn nên chọn những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt
Khép lại những phiên giao dịch của năm 2011, chỉ số Vn-Index và HNX-Index lần lượt đóng cửa ở mức thấp đáng buồn là 351,55 điểm và 58,74 điểm. Như vậy, so với đầu năm 2011 sàn TP.HCM đã giảm mạnh 27,46%, còn sàn Hà Nội thì để mất đến hơn 48%. Đây là một con số khá bất ngờ.
Không chỉ chịu áp lực giảm về mặt điểm số, diễn biến giao dịch trên thị trường trong năm qua cùng diễn biến theo hướng trầm lắng và ảm đạm. Điều này thể hiện qua sự khô kiệt của thanh khoản, so với con số của năm 2010 thì giá trị trung bình mỗi phiên giao dịch của sàn TP.HCM và Hà Nội đều sụt giảm mạnh, ước tính xấp xỉ khoảng 60%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này được nhiều chuyên gia nhận định là do chịu tác động trực tiếp từ các vấn đề tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Trong đó, nổi bật là những áp lực về tỷ giá, lạm phát và lãi suất, giá cả…
Ngoài những lý do trên, trong năm qua thị trường chứng khoán trong nước còn chịu ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên thị trường thế giới, điểm nhấn ở đây là vấn đề nợ công ở Châu Âu vẫn chưa được giải quyết và khả năng suy thoái kép của nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng như vậy, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, bước sang năm 2012 xu hướng thiếu khả quan có thể sẽ tiếp tục hiện hữu. Cùng với đó, dòng vốn tín dụng của chứng khoán trong năm 2012 sẽ khó có khả năng mở rộng, khi mà chính sách tiền tệ và tài chính vẫn theo hướng chặt chẽ.
Trao đổi với PV VnMedia, ông Giang Trung Kiên - Giám đốc Phân tích và Đầu tư - Công ty cổ phần chứng khoán FPT cho biết, lâu nay thị trường chứng khoán luôn được coi là kênh thu hút vốn rất hiệu quả. Vì vậy, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì ngay lập tức kênh thu hút vốn này cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu cũng không nằm ngoài khó khăn này.
Trong bối cảnh đó, theo ông Kiên, để có thể hạn chế được những thua lỗ thì nhà đầu tư nên có chiến lược cụ thể và cân nhắc cẩn thận. Về chiến lược đầu tư năm 2012 thì các nhà đầu tư vẫn nên chọn những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, hay ít nhất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đều trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Cũng theo ông Kiên, năm nay nhóm xuất nhập khẩu và nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, khoáng sản vẫn có những lợi thế là nhóm cổ phiếu phòng thủ khi kinh tế khó khăn. Còn đối với nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản khả năng khó có đột biến ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012, nhưng có lợi thế giá thấp và thích hợp đầu tư dài hạn.
Còn theo nhận định Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam- VCBS, năm 2012 là thời điểm tương đối thích hợp cho nhà đầu tư dài hạn và cơ bản, khi mà mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức thấp kỷ lục.
Sau khi cân nhắc các chi phí cơ hội, nhà đầu tư theo trường phái này nên lựa chọn các cổ phiếu có cơ bản tốt, thuộc nhóm có tiềm năng tăng trưởng cao, không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế. Đặc biệt, khuyến nghị ở nhóm cổ phiếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn do nhiều khả năng sẽ tiếp tục đem lại lợi suất cao hơn hai nhóm cổ phiếu còn lại.
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng, nhà đầu tư nên giữ sự thận trọng và tỉnh táo. Thời điểm thích hợp có lẽ là thời điểm thị trường chuẩn bị hoặc bắt đầu có thông tin hỗ trợ mạnh, đặc biệt là những tín hiệu rõ ràng về lạm phát và lãi suất, mà kèm theo đó cần phải có sự cải thiện cả về điểm số lẫn tính thanh khoản.