Những câu chuyện ở bệnh viện tâm thần - Kỳ cuối: "Mù mờ" về bệnh

Thế nhưng, chuyện không hay đã xảy ra khi gia đình người phụ nữ kia thấy số khách cứ thưa thớt dần liền kéo đến nhà ông đe dọa sẽ cúng làm cho vợ con ông ốm "liệt giường liệt chiếu" và làm cho cả nhà ông tan cửa nát nhà…

Ngoài yếu tố nội sinh gây nên rối loạn tâm thần thì có rất nhiều rối loạn tâm thần do lối sống, sinh hoạt gây nên. Vì thế, nếu không có lối sống khoa học, không chủ động trước mọi tình huồng thì mỗi chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh tâm thần…

"Gậy ông đập lưng ông"

Vẫn kể tiếp câu chuyện về những trường hợp chỉ chịu tìm đến thầy thuốc khi thầy cúng, thầy mo đều bó tay, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần nhớ lại: Bệnh nhân Huynh, 47 tuổi ở Thái Bình vốn là cựu chiến binh nên rất kị những chuyện mê tín dị đoan. Có thời gian ông Huynh tham gia vào đội giữ trật tự an ninh của xóm nên thấy trong làng có một phụ nữ bỗng dưng được "ăn lộc" thánh với tài xem tướng, số, cúng lễ giải hạn… Khách các nơi tìm đến rất đông khiến thôn xóm vốn yên bình của ông trở nên hỗn loạn. Người dân xung quanh tỏ ra bất bình nhưng không ai tiện phản ứng. Trong trọng trách của mình, ông Huynh đến nhắc nhở và hễ có đoàn khách nào đến đầu làng ông đều chỉ huy anh em chặn lại để giải thích rằng đây chỉ là trò… lừa bịp. Nhờ thế cuộc sống yên bình của làng quê ông dần trở lại.

Thế nhưng, chuyện không hay đã xảy ra khi gia đình người phụ nữ kia thấy số khách cứ thưa thớt dần liền kéo đến nhà ông đe dọa sẽ cúng làm cho vợ con ông ốm "liệt giường liệt chiếu" và làm cho cả nhà ông tan cửa nát nhà… Đã vậy, mỗi khi ông đi làm về lại bị nhóm thanh niên cầm gậy gộc đánh và gí dao vào cổ dọa sẽ "xin tí tiết" nếu cố tình ngăn cản hoạt động "tâm linh". Kể từ đó trở đi, ông Huynh sợ hãi đến mất ăn mất ngủ và không dám đi ra khỏi nhà. Suốt ngày ông ngồi trong bếp, chỉ cần nghe tiếng chó sủa ông lại giật mình bỏ trốn. Mọi người xung quanh ác mồm thì nói rằng do ông phạm đến các ngài nên phải lãnh hậu quả, bị "thánh vật".

Thấy chồng thay đổi, vợ ông không nghĩ đến việc đưa đi bệnh viện khám mà cũng tin vào thế lực mơ hồ kia. Bà mang lễ lạt đến nhà "thầy" để xin "chuộc lỗi" cho chồng và được bày làm thủ tục đội bát nhang để chữa bệnh. Thế nhưng cả năm trời tinh thần ông vẫn không tỉnh táo trở lại mà luôn sống trong sợ hãi, lo âu. Gia đình ông lúc ấy mới đưa ông đến bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết do ông bị đe dọa trở nên hoảng sợ, rối loạn tinh thần chứ không phải vì ma làm hay thánh phạt. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của ông biến chuyển tốt, tinh thần khỏe mạnh trở lại…

Từ những trường hợp đó để thấy, trong cộng đồng đa số vẫn không nghĩ đến tình huống người thân của mình bị rối loạn tâm thần. Khi không hiểu biết thì họ chỉ còn lý giải bằng những thế lực siêu nhiên. Nguyên nhân cũng do cộng đồng không có kiến thức về sức khỏe tâm thần. Đây là một thực tế đáng buồn-bác sĩ Dũng thở dài.

Cùng chung tâm sự này, TS. Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho rằng hiện nay việc phát hiện các rối loạn tâm thần đặc biệt rối loạn tâm thần phân liệt mới tái phát còn hạn chế tại cộng đồng. Bởi vậy, nhiệm vụ cần thiết của ngành tâm thần học là truyền thông, giáo dục, đào tạo tại cộng đồng về kiến thức tâm thần, nếu không sẽ xảy ra hàng loạt hệ quả nghiêm trọng trong cộng đồng.

Mỗi người cần lập kế hoạch cho cuộc sống của mình để luôn luôn chủ động. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Một số dấu hiệu điển hình 

Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thì độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh tâm thần trải suốt từ lứa tuổi 22-60. Ở giai đoạn từ 22-35 tuổi, độ tuổi tập và đúc kết kinh nghiệm nên dễ xảy ra đổ vỡ kinh tế gây sang chấn tâm lý (chiếm 7,9%), chủ yếu là rối loạn tâm thần cấp; độ tuổi 36-45 thường bị rối loạn tâm thần do lạm dụng chất kích thích như rượu, bia khiến sang chấn tâm lý, rối loạn cảm xúc. Đến độ tuổi 45-60, những sang chấn tâm lý thường là do gia đình (con cái không thành đạt, công việc không như mong muốn, sắp về hưu…), bệnh thương tổn rối loạn cảm xúc liên quan đến mãn kinh hoặc rối loạn trầm cảm.

Căn cứ vào những đặc điểm đó, mỗi người cần có kế hoạch để phòng ngừa cũng như phát hiện sớm những triệu chứng rối loạn tâm thần. Theo bác sĩ Dũng, trong cuộc sống mỗi chúng ta cần lập cho mình kế hoạch hợp lý, khoa học để tránh được những cú sốc, sang chấn tâm lý tương tự. Đặc biệt, phải rèn luyện tính kiên nhẫn để xử lý công việc và sẵn sàng đối mặt với những biến cố trong cuộc sống, những thất bại trên đường đời. Không được lạm dụng chất (rượu, bia...). Cần khám sức khỏe định kỳ và nắm được  thông tin về y học.

Với những người mắc bệnh rối loạn tâm thần do ảnh hưởng của đời sống xã hội như nghiện game, nghiện sex… muốn tránh tái phát cần tách họ ra khỏi môi trường "gây nghiện" là chiếc máy tính. Bên cạnh đó, gia đình cần cần quan tâm trò chuyện, giải thích để bệnh nhân có nhận thức đúng và đưa ra quyết định cho hành vi của mình-TS. Bình cho biết.

Mặc dù mỗi loại rối loạn tâm thần có những dấu hiệu khác nhau nhưng mọi người cần căn cứ vào những đặc điểm cơ bản như: Sinh hoạt khác thường, bị đảo lộn; rối loạn về cảm xúc (hưng cảm hoặc trầm cảm), rối loạn lo âu quá mức làm gián đoạn công việc hàng ngày; vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, sợ hãi… để tìm đến các bác sĩ. Khi mọi người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ăn uống, kết quả học tập, công việc đình trệ, tính tình thay đổi thì nên đến với bác sĩ chứ không nên nghĩ đó là ma làm hoặc thế lực nào đó áp đặt. Với những trường hợp nặng, bệnh nhân sinh ra hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi, trí nhớ thì nên đến với bác sĩ chuyên khoa tâm thần chứ không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc gì khi chưa có lời khuyên của chuyên gia-bác sĩ Dũng cảnh báo.

Qua những câu chuyện, những mảnh đời đáng thương của bệnh nhân tâm thần, trước khi khép lại chuyên đề này, người viết muốn nhắn nhủ rằng: Trong cuộc sống, mỗi chúng ta nên chú trọng đến sự cân bằng giữa tiền bạc, sự nghiệp với sức khỏe thể chất, tinh thần. Mỗi ngày sống chúng ta cảm nhận được rằng mình đang sống thì những giá trị của cải, công danh mới trở nên đáng quý. Bằng không, tất cả những điều đó sẽ trở nên vô nghĩa khi những tiếng khóc, nụ cười trở nên ngây dại, lạc lõng trong khuôn viên của bệnh viện tâm thần.