Thậm chí, có người còn trở nên lo lắng, điên dại khi hình ảnh người mà mình yêu thương chợt mờ đi trong tâm trí…
Áp lực từ công việc
Bác sĩ Dũng cho biết, sống trong một xã hội nhiều áp lực, bản thân mỗi người không biết tự cân bằng cuộc sống nên dẫn đến những căng thẳng về tâm lý. Sẵn đó, khi gặp biến cố người ta dễ sốc, sang chấn tâm lý nặng nề vì những điều hết sức đơn giản. Vì thế, phải có tâm lý vững vàng mới dễ vượt qua được sự thay đổi, thậm chí những "khúc sông quanh co" trong cuộc sống.
Bằng giọng đầy cảm thông, bác sĩ Dũng cho hay, có những bệnh nhân khi bị chuyển công tác-nhất là ở vị trí cao, đã trở nên buồn chán, lo âu và một mình ngẩn ngơ sống trong ánh hào quang của danh vọng. Mọi người ai cũng nghĩ người làm trong ngành công an thì phải có "thần kinh thép", có thể vượt qua được mọi thử thách, ấy vậy mà gần đây, chúng tôi đã điều trị cho một cảnh sát giao thông bị rối loạn tâm thần chỉ vì được điều chuyển công tác. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, trước đó anh này có thời gian dài làm nhiệm vụ kiểm tra tại các chốt giao thông. Với tính tình nghiêm khắc, anh không bao giờ chấp nhận việc người đi đường vi phạm luật có hành vi "hối lộ" tiền để được bỏ qua mà anh đều thẳng thắn lập biên bản, viết biên lai xử phạt… Anh làm việc nghiêm túc, cống hiến hết mình và luôn tự hào về những gì mình đã làm.
Tuy nhiên, theo quy chế của ngành anh được chuyển công tác về bộ phận khác. Lúc này anh thực sự sốc và mất ngủ triền miên vì cho rằng mình làm việc hết sức nhưng có người hãm hại. Gia đình thấy anh cứ ngồi trong phòng một mình, không trò chuyện với ai. Có những lúc anh lại đứng dậy tuýt còi và giơ tay chào rồi ghi ghi, chép chép vào một mẩu giấy rồi nói: Đề nghị anh ký vào biên bản và ra kho bạc nộp phạt! Lúc đó anh mới được đưa đến bệnh viện điều trị…
Trường hợp khác là một cô giáo 53 tuổi ở Hà Nội, tên Mai, vốn giữ chức Hiệu trưởng một trường tiểu học nhiều năm và được mọi người nể vì công tác có thâm niên. Thế rồi khi bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường nhiệm kỳ mới cô Mai thấy mình không có trong danh sách nên vô cùng hụt hẫng, bất mãn. Cô buồn bã, ngồi khóc một mình hàng giờ ở nhà và cũng bỏ bê việc dạy học ở trường. Nghĩ rằng mình đang được tín nhiệm bỗng dưng mất chức, lại đi làm cấp dưới của một giáo viên trẻ hơn nên cô Mai trở nên ngẩn ngơ, ngây dại. Ngay cả khi vào bệnh viện điều trị, cô vẫn điều hành công việc như khi đương chức: Yêu cầu mọi người báo cáo công việc trong tuần và phân công giáo viên đứng lớp.
Khi thấy nam, nữ tình cảm với nhau, chị Xuân đã phát cuồng (ảnh minh họa).
Phát cuồng vì người khác tình tứ với nhau
Đồng tiền, danh vọng có thể làm người ta phát điên nếu như mất mát quá nhiều, thậm chí cả khi có được quá nhiều. Thế nhưng ở một góc độ khác, lại có những người phát điên vì một thứ tưởng như khó cân, đong, đo, đếm được, đó là tình yêu-mà điên ở dạng này thường được gọi là "điên tình". Tuy nhiên, ở đây không đề cập đến những người bị người yêu ruồng bỏ, chia tay… nên thất tình, buồn chán mà là những người bất chợt lo lắng, buồn phiền đến phát điên khi hình bóng người mình yêu thương bỗng nhiên bị che mờ đi trong ý nghĩ-bác sĩ Dũng cho biết.
Anh Vương, 34 tuổi ở Phú Thọ được biết đến là một người rất chung tình. Chia tay mối tình đầu đã 10 năm mà anh không thể yêu được người con gái khác. Mặc dù anh được bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu rất nhiều cô gái trẻ, hình thức ưa nhìn, công việc ổn định nhưng anh không hề rung động. Trong tâm trí anh lúc nào cũng chỉ có hình bóng người yêu cũ là tốt đẹp nhất, đáng yêu nhất và anh luôn sống cùng những kỷ niệm của thời xa lắc ấy. Nhưng cùng với thời gian, những ký ức, kỷ niệm không đủ mạnh để giữ những hình ảnh đậm nét của người yêu cũ trong tâm trí anh mà dần phai nhạt đi. Mọi người thấy anh có những biểu hiện bồn chồn, lo lắng và buồn chán. Rồi sau một thời gian, anh lang thang đi "tìm kiếm lại hình bóng người yêu" đến quên cả công việc, cuộc sống thực tại. Khi vào bệnh viện, anh vẫn luôn mồm nói sắp tìm được lại bóng người yêu sao mọi người không cho anh tiếp tục đi tìm?...
Một trường hợp khác có thể được coi là "điên tình" thực sự mà khởi nguồn thuộc về cả vấn đề tâm lẫn sinh lý. Bác sĩ Dũng kể, anh nhớ mãi trường hợp chị Xuân, 36 tuổi ở Hà Nội bị "điên tình" khi thấy đồng nghiệp xung quanh tỏ ra quan tâm đến nhau chỉ bằng lời nói. Chị Xuân vốn là một người xinh đẹp, tài giỏi lại thêm là con nhà giàu nên khi tốt nghiệp đại học, du học rồi đi làm chị vẫn không thấy ai đáp ứng được những yêu cầu của mình. "Cái tuổi cứ đuổi xuân đi", đến khi chị bước sang tuổi 36 mà vẫn chưa tìm được "ý trung nhân". Không hẳn vì mọi chàng trai chê chị già, chị vẫn rất đẹp nhưng họ e ngại vì không "với tới". Vì thế, khi đã có trong tay mọi thứ, chị vẫn đi, về lẻ bóng. Cô đơn, buồn chán, mất cân bằng với cuộc sống không tình yêu, chị trở nên cáu gắt và hay "nóng mắt" khi đàn em tỏ ra quan tâm đến nhau, dành cho nhau những câu nói tình tứ, dù chỉ là nói đùa.
Một hôm, cuối giờ làm buổi chiều chị ngồi nán lại thì nghe cậu nhân viên kinh doanh trêu đùa cô bé lễ tân: Tối đi xem phim nhé…, rồi anh đền cho một cái "hun" vào má!. Chỉ vì câu nói này mà cả đêm hôm ấy chị mất ngủ. Sáng ra vừa đến chỗ làm, chị đã quát tháo ầm ĩ khi có gì "ngứa mắt", rồi sau đó chị lăn lộn trên nền nhà, mồm rên rỉ, chân tay mò mẫm trên mặt đất đầy điên dại. Chị em cùng cơ quan vội đưa chị Xuân đi khám thì bị chị quay ra cào cấu, cắn xé. Khi đến bệnh viện, mọi người kể tình trạng bệnh với bác sĩ xong thì lạ thay, chị Xuân đột nhiên thay đổi thái độ.
"Khi tôi bước vào phòng thì thấy cô ấy thỏ thẻ, ngọt ngào bảo: Anh à, em không sao đâu mà, mọi người cứ đưa em đi đến đây, lại làm phiền anh lo lắng…". Tuy nhiên, khi tôi đi khỏi, chỉ còn lại những người đồng nghiệp nữ và mấy y tá thì bệnh cô ấy tái phát y như lúc trước. Những trường hợp này dù điều trị có hết triệu chứng nhưng nếu không lấy chồng thì tái phát vì trong lòng họ rất khó chịu khi chứng kiến cảnh nam, nữ xung quanh tình cảm, ngọt ngào với nhau-bác sĩ Dũng cho biết.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)