Chúng tôi về thăm xã Lãng Công (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) khi vụ gặt gần kết thúc. Khắp những con đường dẫn vào xã, bà con ai ai cũng rạo rực niềm vui được mùa. Trên mảnh đất trù phú này, từ lâu bà con các dân tộc Dao, Kinh, Tày… sống hòa thuận bên nhau, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.
Mỗi khi nhắc đến Lãng Công, không thể không nhắc đến nghề làm thuốc Nam gia truyền từ lâu đời của các gia đình người Dao trong xã. Trải qua bao năm tháng, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nghề, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.
Nhiều người trong vùng không biết nghề thuốc có từ bao giờ, nhưng có những cao niên năm nay đã gần 100 tuổi nhưng cũng từng đi hái thuốc, bốc thuốc và bán thuốc. Tuy nhiên, đây vẫn là nghề tay trái, nghề chính của bà con dân tộc Dao ở Lãng Công vẫn là làm ruộng, trồng trọt.
Tới thăm nhà bà Phùng Thị Kiều ở thôn Thành Công, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là những mẻ thuốc được phơi rất kỳ công và cẩn thận.
Bà Kiều năm nay tuổi đã cao, song từng có nhiều năm đi bán thuốc khắp nơi, bây giờ, sức khỏe không cho phép bà đi bán xa, nhưng vẫn có nhiều khách hàng gọi điện đặt mua thuốc.
Bà Kiều cho biết: “Nghề thuốc có từ ngày xửa ngày xưa, phải hơn 100 năm rồi. Ông bà truyền cho bố mẹ, bố mẹ lại truyền cho các con, cứ thể để nghề thuốc phát triển”.
Trên địa bàn thôn Thành Công có rất nhiều gia đình người Dao giữ nghề làm thuốc Nam, chữa bệnh. Qua lời ông Phùng Thế Vỵ - chồng bà Kiều, chúng tôi được biết, để tìm được các loại thuốc phải lên tận núi cao, công việc hết sức vất vả.
“Đi cả ngày trời về mới được một nắm thuốc, chứ không phải dễ dàng. Chúng tôi cũng không thể có đất mà trồng xuể được. Một bài thuốc chữa bệnh có rất nhiều vị khác nhau”, ông Vỵ nói thêm.
Công việc tìm thuốc trên núi cũng hết sức vất vả (Ảnh: Anh Minh)
Sau khi hái trên núi về, thuốc được băm, phơi khô và phân loại thành từng loại chữa các căn bệnh khác nhau.
Theo ông Vỵ, sự khác biệt giữa thuốc Nam và thuốc Bắc thể hiện ở việc sao tẩm. Đa số các loại thuốc Nam không cần sao tẩm và chỉ cần phơi khô.
Ông Vỵ cho hay: “Có những vị thuốc Nam cần sao, nhưng cũng có những vị thuốc không cần sao. Thuốc cần sao như chữa bệnh đại tràng, sỏi thận. Còn thuốc Bắc vị nào cũng cần phải sao tẩm”.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ có nhiều người đã tìm đến bốc thuốc mà nhân dân trong xã thường xuyên sử dụng và nhận thấy được hiệu quả tốt của các vị thuốc.
Chị Lê Thị Minh Hằng (thôn Thống Nhất, xã Lãng Công) cho biết: “Ở địa phương, chị thường sử dụng thuốc mát gan, mát thận, sỏi thận… của bà con người Dao trong xã. Hiệu quả thuốc rất tốt, chị hết sức yên tâm với thuốc của bà con. Thuốc Tây Y có thể gây ra những mặt trái khi uống, còn thuốc Nam ở đây giúp chữa bệnh mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Bên cạnh chữa bệnh cứu người, nghề thuốc Nam gia truyền cũng đã góp phần phát triển kinh tế các hộ gia đình người Dao. Nhờ nghề thuốc mà kinh tế được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống.
Ông Dương Quỳnh Hương - Bí thư chi bộ thôn Thành Công cho biết: Nghề thuốc Nam vừa mang bản sắc, vừa là nghề truyền thống. Có nhiều gia đình đi lên từ nghề thuốc Nam, dạy con học hành thành đạt. Nhiều gia đình chữa bệnh, được bệnh nhận cám ơn đến nhận làm bố nuôi, mẹ nuôi”.
Người trẻ tiếp tục giữ nghề
Hiện nay, nhiều người trẻ đang tiếp tục giữ lửa cho nghề thuốc Nam gia truyền. Đặc biệt, các bạn trẻ là con cháu trong xã theo học các trường y vẫn hào hứng với việc học tập kinh nghiệm của thế hệ đi trước.
Chị Dương Thị Thủy (thôn Thành Công) đã đi hái thuốc trên núi từ lúc còn rất nhỏ, đến năm 14 tuổi chị theo mẹ đi bán thuốc ở Thái Bình. Năm nay, chị đã 42 tuổi nhưng vân chuyên tâm với công việc bốc thuốc cứu người. Điều vui mừng là hai con của chị đang theo học Đại học Y Thái Nguyên và Học Viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam, các cháu rất hào hứng với việc học tập để giữ nghề truyền thống này.
Chị Dương Thị Minh tiếp tục giữ nghề của thế hệ trước và sẽ tiếp tục truyền nghề cho các con (Ảnh: Anh Minh)
"Tôi sẽ truyền lại cho các con. Công việc vất vả, nhưng đây là nghề được ông bà truyền lại và cũng có nhiều người cần được chữa bệnh. Bốc thuốc giúp một người khỏi bệnh là tôi vui lắm, tiền chỉ là một phần thôi”, chị Thủy cho biết.
Còn chị Đặng Thị Kim Liên cũng là người được truyền nghề thuốc từ mẹ cũng đang tiếp tục bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Theo lời chị Liên, nghề thuốc vất vả và khó, do phải nhớ từng triệu chứng bệnh, vị thuốc và lên núi để tìm thuốc. Mỗi tuần, chị lên núi hái thuốc 1 lần, dậy từ sáng sớm, nắm cơm để ăn và tối mới trở về nhà.
Chị Liên cho biết: “Nghề thuốc gia truyền trước hết là làm phúc giúp người chữa bệnh, ngoài ra lấy chút công làm thuốc vất vả cũng góp phần cải thiện đời sống gia đình. Con gái tôi cũng đam mê học nghề bốc thuốc và cháu cũng tuyên truyền cho bạn bè cùng biết”.
Trao đổi với PV VTC News, ông Vũ Kim Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công - cho biết: “Chúng tôi có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của bà con dân tộc Dao, từng bước tạo được thương hiệu thuốc Nam. Chúng tôi hỗ trợ duy trì và ghi lại các bài thuốc Nam, lấy dược liệu trên núi để áp dụng khoa học kỹ thuật trồng ngay tại vườn nhà do dược liệu trên núi ngày càng hiếm. Đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng nghề thuốc cũng hỗ trợ một phần trong phát triển kinh tế của gia đình và của xã”.