Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin; Trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc xin trước đây.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh sởi là do cha mẹ không tiêm phòng đầy đủ khi trẻ được 9 tháng tuổi và không tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đặc biệt, do thời gian gần đây, các bậc phụ huynh lo sợ những rủi ro trong tiêm phòng nên không cho trẻ đi tiêm.
Sởi có thể gây những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản... hoặc mù do khô loét giác mạc vì thiếu vitamin A. Thậm chí bệnh có thể dẫn đến viêm não, viêm cơ tim có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.
Chính vì vậy, cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của cán bộ y tế để phòng bệnh. Cũng như bệnh sởi, bệnh thuỷ đậu có thể phòng tránh nếu như được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ... Khi trẻ mắc bệnh, cần cách ly trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến trường nhằm tránh lây lan.
Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
Là bệnh lây nhiễm người – người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.
Không có trường hợp người lành mang vi rút. Những người đã có miễn dịch với vi rút sởi do tiêm vắc xin sởi trước đó hoặc đã từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa.
Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân mắc sởi có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi.
Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên.
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.
Chẩn đoán bệnh dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.
Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.