Nhờ Hoài Lâm nhiều bạn trẻ tìm hiểu nghệ nhân Hà Thị Cầu là ai?

Hoài Lâm giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu thêm về nghệ nhân Hà Thị Cầu và bộ môn hát Xẩm.

Trong tập thi thứ 11 vừa qua của "Gương mặt thân quen 2014", Hoài Lâm đã một lần nữa xuất sắc mê hoặc tất cả khán giả và giám khảo trong vai nghệ nhân Hà Thị Cầu - người theo đuổi bộ môn hát Xẩm độc đáo của dân tộc.

Trước đó, khi nhân vật Hoài Lâm lựa chọn để hóa thân là nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu thì rất nhiều người đã tỏ ra lo lắng cho anh chàng. Đây được đánh giá là một tiết mục “hơi quá sức” với độ tuổi còn trẻ của Hoài Lâm. Nhưng cũng chính vì vậy, khá nhiều khán giả rất hồi hộp chờ đợi sự thay đổi của chàng trai trẻ trong thử thách này.

Hoài Lâm xuất thần nhập vai nghệ nhân Hà Thị Cầu

Và ngoài mong đợi của khán giả, Hoài Lâm có màn biến hóa ngoạn mục thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Nam ca sĩ nhuộm răng đen, mặc trang phục áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, vừa tự đệm đàn vừa hát "Xẩm thập ân". Hoài Lâm trau chuốt từng câu luyến láy và diễn rất nhập tâm. Tiết mục của Hoài Lâm khiến khán giả ngỡ ngàng, thích thú và thấy khâm phục tài năng của chàng trai trẻ tuổi.

Sự thành công của Hoài Lâm ít nhiều giúp khán giả quan tâm hơn đến nghệ nhân Hà Thị Cầu và bộ môn hát Xẩm. Cùng tìm hiểu đôi nét về người nghệ nhân đáng kính này.

Hà Thị Cầu là một nghệ nhân hát xẩm. Bà là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 và từng được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống".

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Bà tên thật Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên con trai cả ở vùng Yên Mô, Ninh Bình). Theo một số nhận định, bà sinh năm 1917, tuy nhiên theo chị Mận, con gái của bà, thì bà sinh năm 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình ba đời hát xẩm. Cha bà là một người hát xẩm bị khiếm thị. Năm 11 tuổi, cha mất và bà cùng mẹ rời Nam Định về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Khoảng tám tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng sáu gánh hát ở Ninh Bình. Năm 16 tuổi bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó ông Mậu 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Khi bà 33 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà bảy người con.

Vợ chồng bà có mảnh đất từ trước 1945. Năm 1954, khi về định cư thì gia tài chỉ có hai cái niêu, một dùng để rang và một dùng để nấu. Từ nhỏ bà đã hát xẩm nhưng lại không biết làm nghề gì khác nên đời sống rất nghèo khổ. Vì nghèo nên bà đã mất một người con sơ sinh còn một người nữa thì phải đem cho. Gần đây mẹ con bà mới đoàn tụ.

Bà mất ngày 3/3/2013 tại nhà riêng ở xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình, thọ 86 tuổi.