Sau 5 chặng, chiếc Áo vàng chung cuộc thuộc về tay đua Huang En của CLB Max Success (Trung Quốc).
Điều gây ấn tượng nhất với giới chuyên môn Việt Nam là ngôi á quân cá nhân chung cuộc của Mai Nguyễn Hưng cùng hạng nhất đồng đội của Eximbank TPHCM (đội của Nguyễn Hưng) - thành tích được xem là xứng đáng. Cả đội đua này thi đấu đầy tính cạnh tranh với các đội nước ngoài. Các tay đua Việt Nam khác cũng ngày càng trưởng thành hơn và bắt đầu xóa được tư duy “núp gió”, điều thường thấy ở các giải “đóng cửa chơi với nhau”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các tay đua Việt Nam được bước lên bục cao nhất một giải đấu chuyên nghiệp nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Xe đạp Thế giới (UCI).
Để có được thành tích này, Mai Nguyễn Hưng cùng các đồng đội của mình phải liên tục “một chọi ba” với các tay đua có thứ hạng của UCI, đặc biệt phải chủ động tấn công liên tục. Điều này cũng đồng ý tưởng với BTC, khi ông Võ Viết Thanh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty ADC, khẳng định: “Không thể để xe đạp Việt Nam cứ đua nội bộ rồi chẳng biết bên ngoài người ta đua như thế nào, đến khi ra các giải quốc tế thì choáng ngợp!”.
Vì thế, giải này được xem là đấu trường và bài học lớn nhất từ trước đến nay cho những tay đua chuyên “núp” để chờ đến đích: Họ sẽ chẳng bao giờ thành công khi đối diện với các tay đua đẳng cấp. Với các tay đua đến từ những nước có nền xe đạp phát triển, việc tăng tốc bỏ lại những đối thủ chuyên chơi tiểu xảo như vậy là chuyện quá dễ dàng. Nhờ đó, trên đường đua của giải này, giới báo chí và người hâm mộ thường xuyên thấy những tay đua “danh tiếng” của Việt Nam phải đơn độc về nhóm sau vì mất sức.
Sự có mặt của các tay đua đẳng cấp quốc tế tham dự giải giúp tốc độ của đường đua ADC Tour of Vietnam 2012 được nâng lên rõ rệt: Trung bình đạt 45 km/giờ so với 32-33 km/giờ như các cuộc đua trong nước trước đây. HLV Mai Công Hiếu của đội tuyển xe đạp Việt Nam nhận định: “Việc nâng tốc độ thi đấu không chỉ làm đường đua trở nên sôi động và hấp dẫn với người xem, mà còn giúp các VĐV Việt Nam có được sức bền cùng tư duy chiến thuật khi phải biết điều tiết sức cho hợp lý. Điều này cũng giải thích tại sao các tay đua Malaysia hay Hồng Kông (Trung Quốc) thể hình tương đồng, có người nhỏ hơn các đồng nghiệp Việt Nam nhưng thường thi đấu tốt hơn. Đây là một trong những điều mà các tay đua trong nước học được bởi họ ít có dịp thi đấu ở nước ngoài”.