Nhiều quy định có hiệu lực từ 1/7

Những quy định được áp dụng từ 1/7: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một lần; công chức được gộp ngày nghỉ phép 3 năm…

Luật Đất đai 2013 quy định rõ cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai sẽ theo chế độ “một cấp”, nghĩa là chỉ Sở Tài nguyên - Môi trường có quyền cấp đăng ký sử dụng đất. Ở quận, huyện sẽ có các chi nhánh văn phòng trực thuộc phòng đăng ký cấp tỉnh. Mô hình này đã thí điểm thành công và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Ngoài quy định chi tiết về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, công tác tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, luật quy định quyết định thu hồi đất và phương án đền bù phải được phê duyệt cùng một ngày, không còn chuyện thu hồi đất xong một thời gian dài mới ra phương án đền bù.

Cũng trong Luật này, chỉ những dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng chấp thuận và một số trường hợp được HĐND cấp tỉnh duyệt thì mới được thu hồi.

Luật Phòng cháy chữa cháy cho phép người dân có thể lựa chọn dịch vụ chữa cháy, nổ của các doanh nghiệp tư nhân. Cá nhân, doanh nghiệp tư nhân có quyền kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên đây là loại hình kinh doanh có điều kiện khắt khe, bắt buộc đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và nhiều điều kiện khác.

Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước là 114. Trong Luật này, nhà nước cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm cháy, nổ.

Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất một lần mỗi tháng. Công dân muốn khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ảnh với các cơ quan trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ có thể đến Trụ sở tiếp công dân ở trung ương được đặt tại Hà Nội và TP HCM. Chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các trụ sở tiếp công dân ở trung ương là Ban tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo luật này, Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định như vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ hơn về 4 phương thức đấu thầu và bổ sung thêm nhiều hành vi nghiêm cấm trong hoạt động này. Không chỉ nhà thầu vi phạm trong hoạt động này mà cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại cũng bị xử phạt.

Cũng từ ngày 1/7, công chức được gộp phép của 3 năm lại để nghỉ một lần nhiều ngày, theo Thông tư do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, nếu cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cả hai bên nhất trí thì được nghỉ phép gộp tối đa 3 năm một lần. Những ngày phép chưa nghỉ, cán bộ công chức vẫn được nhận tiền lương đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra kế hoạch xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm hoặc đội mũ không đúng cách, không đạt chuẩn từ 100.000 đến 200.000 đồng một lần vi phạm.

Việc xử phạt cũng được tiến hành với những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Theo quy định mới này, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn là loại mũ không có vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo, không có tem CR, không có nhãn hàng hóa…