Đứng gần một giờ đồng hồ tại đường Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội trên đường đưa con đến Tiểu học Bế Văn Đàn, chị Nguyễn Mai Loan bức xúc cho hay, đây đã là điểm ùn tắc thứ 3 trên đoạn đường chị đưa con từ nhà đến trường.
“Vất vả mãi hai vợ chồng mới vạch ra được phương án để đưa con đến lớp. Chúng tôi vẫn tự an ủi là sẽ cố gắng vì sẽ không phải chịu cảnh chen lấn nữa, nhưng tắc vẫn hoàn tắc. Từ nhà tôi đến đây đã là điểm thứ 3 ùn tắc rồi. Sợ muộn giờ học của con nên tôi đã cho cháu đi bộ vào trước, còn tôi cũng vừa gọi điện xin phép đi làm muộn.
Các ngày sau thì tôi chưa biết thế nào, chứ hôm nay thì đường phố còn có vẻ còn đông hơn mọi hôm vài phần. Đoạn đường này có cả trường cấp 1 và cấp 2, trước kia chênh lệch giờ vào lớp thì vẫn thông thoáng. Nay thay đổi giờ, hai cấp lại bắt đầu học chung một giờ nên lượng phụ huynh đưa đón con đi học tăng gấp đôi, chắc bởi thế nên mới tắc lâu như vậy”, chị Loan thở dài phỏng đoán.
Nút "thắt cổ chai" khiến đoạn đường Hồ Đắc Di tắc hàng giờ đồng hồ.
Nhiều người phải chen lên vỉa hè để khỏi muộn giờ làm.
Theo lời một số người dân, điểm nóng ùn tắc thì có vẻ giảm lượng người nhưng những đoạn đường có nhiều trường học như: Hạ Đình (Thanh Xuân), Lê Lợi (Hà Đông), Kim Liên, Hồ Đắc Di (Đống Đa)... thì lại có nguy cơ trở thành “điểm nóng”.
“Đoạn đường Trường Chinh vẫn ùn ứ chẳng khác mọi ngày là bao. Nhưng đến đoạn giao giữa đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh mọi ngày không tắc, đến hôm nay cũng đông nghìn nghịt. Tôi cũng phải mất 15 phút mới qua được đoạn ấy”, chị Nguyễn Thị Minh, Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội cho hay.
"Theo ghi nhận sơ bộ của chúng tôi, những đoạn đường bình thường đã giảm lượng người lưu thông rõ rệt, thông thoáng hơn nhiều. Tuy nhiên, thực tế một số đoạn đường có nhiều trường học có vẻ ùn ứ hơn. Cũng có thể trong ngày đầu đổi giờ làm, nhiều phụ huynh còn loay hoay, chưa quen với lịch trình mới nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Có thể, sau vài ngày tới tình hình sẽ được cải thiện", một CSGT nhận định.