Đã có 545 người bị ngộ độc do sử dụng nấm, trong đó gần 500 người phải đến bệnh viện cấp cứu và 53 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc do nấm độc xảy ra nhiều nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chiếm hơn 70% tổng số vụ và gần 90% số người chết; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên.
Theo PGS-TS Hoàng Công Minh, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y, Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau. Kết quả nghiên cứu do trung tâm thực hiện đã xác định một số loài nấm thường gây ngộ độc là nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm mũ khía nâu xám... Trong số này, 2 loại nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón có chứa độc tố amanitin (cyclopolypeptide), rất bền với nhiệt và không mất độc tính sau 10 năm khi sấy khô. Amanitin có độc tính rất cao và chỉ một chiếc nấm là có thể gây chết một người trưởng thành.
PGS Minh cũng lưu ý: Cần bác bỏ quan niệm sai lầm là nấm độc có màu sắc sặc sỡ, bởi với 2 loại nấm cực độc nói trên chúng có màu trắng. Hơn nữa, nhiều người thường thử nấm độc bằng cách cho chó, gà... ăn trước, nếu không chết là nấm ăn được. Tuy nhiên, cách thử này chỉ đúng với một số loài nấm độc tác dụng nhanh và các loài này thường không gây chết người, còn hầu hết loài nấm gây chết người có tác dụng chậm, phải 24 - 48 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên nên rất khó nhận biết đâu là nấm độc.