Nhiều bất cập trong cáo trạng vụ án 'siêu lừa' Huyền Như

Các luật sư đã chỉ ra một số bất cập về số liệu trong cáo trạng và tính chất pháp lý của bằng chứng kết tội Phạm Anh Tuấn.

Trong phiên xét xử ngày 15/1/2014, hai luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Triều Dương (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã làm “nóng” phiên tòa bằng việc chỉ ra một số bất cập về số liệu trong cáo trạng và tính chất pháp lý của bằng chứng kết tội Phạm Anh Tuấn, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương, bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo các LS này, không loại trừ khả năng Huyền Như khai đã đưa cho Tuấn 121,6  tỷ đồng nhằm đổ bớt trách nhiệm dân sự.

KHÓ TÍNH ĐƯỢC CON SỐ 121,6 TỶ

Dẫn ra hàng loạt chứng cứ, LS Thiệp đưa quan điểm hành vi của Phạm Anh Tuấn không cấu thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử chỉ nên truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo ông, việc quyết định gửi số tiền của Công ty Thái Bình Dương vào Vietinbank là chủ trương của công ty, đã được thông qua hội đồng thành viên và Phạm Anh Tuấn cũng không trực tiếp làm hợp đồng (HĐ) mà giao cho cấp dưới thực hiện nên không thể nói bị cáo này tư lợi. Kết luận của cáo trạng quy kết bị cáo Tuấn tư lợi 121,6 tỷ đồng dựa trên lời khai của Như và những người là chị em, nhân viên của bị cáo này cùng số tài liệu trong USB thu được từ Như thiếu tính chắc chắn trong việc đánh giá chứng cứ. Suy cho cùng, việc điều chỉnh số liệu này nếu có thì Như chính là người được hưởng lợi về trách nhiệm dân sự khi đã “đổ” được cho Tuấn số tiền trên.

Ở một góc độ khác, LS Dương nêu: “Về số liệu, tại hồ sơ cũng như ở phiên tòa, bị cáo Như có rất nhiều lời khai không thống nhất. Trong hồ sơ, Như khai lãi 0,03 - 0,04%/ngày, ngoài ra lãi suất thưởng và phí từ 1-1,5% thì tính theo năm. Nhưng kể cả nếu như thế cũng không thể nào ra được con số 121,6 tỷ. Số tiền thực tế của Công ty Thái Bình Dương chỉ khoảng 58 tỷ.

Tại phiên tòa, trong cáo trạng và kết luận điều tra, Như khai cách tính lãi trả ngoài là 0,4%/ngày, cộng 1% phí thưởng và 1,5% phí báo cáo. Như vậy, cả ba loại phí ấy đem nhân với số tiền thực gửi và lãi suất này (mức tính theo năm) cũng không thể nào ra được số tiền ấy. Như vậy, với lãi suất trên thì tiền lãi ngoài mà Như khai đã gởi bằng tiền mặt cho Phạm Anh Tuấn chỉ khoảng dưới 15 tỷ.

Mặt khác, theo Như có 21 lần chuyển lãi ngoài cho Phạm Anh Tuấn, nhưng thực tế Cty Thái Bình Dương và Vietinbank chỉ có 16 HĐ, trong đó 15 được tất toán, 1 HĐ bị chiếm đoạt nhưng lại có tới 21 lần chuyển lãi là vô lý. Luật sư Dương dẫn chứng: “Trong HĐ số 7, tiền gởi là 50 tỷ, Vietinbank đã trả gốc và lãi 2,22 tỷ, được chuyển vào hai ngày 6, 7/12/2010 nhưng trong 21 lần chuyển tiền do Đỗ Quốc Thái thực hiện không có những ngày này...”.

Trước đó, trong phiên xét xử ngày 14/1/2014, bào chữa cho Võ Anh Tuấn - nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, LS Phan Trung Hoài cho rằng vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn khá mờ nhạt nhưng phải lãnh án chung thân khiến ông day dứt. Với bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh, LS Hoài  cho rằng Vietinbank không thiệt hại và không chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền bị cáo Như chiếm đoạt thì hành vi của các nhân viên phòng giao dịch thuộc Vietinbank, trong đó có Tuyết Anh, không gây thiệt hại cho Vietinbank nên không phạm tội. Ông nhấn mạnh, theo kết luận điều tra, cáo trạng truy tố và diễn biến tại tòa, “sự mâu thuẫn không thể lý giải được là trong khi không gây thiệt hại mà nhân viên vẫn bị xử lý? Do tin tưởng Như, Tuyết Anh mới thực hiện theo kiểu linh động để giữ khách hàng lớn cho cơ quan chứ không hưởng hoa hồng từ việc này. Do đó, tôi đề nghị tuyên bố Tuyết Anh không phạm tội”.

ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN CAO CHO NHIỀU BỊ CÁO 

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng trong việc chiếm đoạt tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), Hạnh không biết Như giả con dấu và chữ ký của Võ Anh Tuấn. Sự việc xảy ra tại VIB và nếu ngân hàng này thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục thì việc này không thể xảy ra. Huỳnh Mỹ Hạnh không hề tham gia hay có bất cứ sự bàn bạc nào trong việc thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Trong vụ án này, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như đã rõ, trước tòa và trong lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đã thú nhận điều này. Dù có tình tiết giảm nhẹ là thái độ thành khẩn và phạm tội khi đang mang thai, nhưng với tính chất gây nguy hiểm đặc biệt cho xã hội, làm tổn hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiền tệ..., nhất là lúc tình trạng kinh tế suy thoái, doanh nghiệp thiếu vốn làm ăn đã gây ảnh hưởng lớn đến dư luận, đây là những thiệt hại phi vật chất không thể tính được.  Đại diện VKS đề nghị “siêu lừa” Huyền Như mức án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 - 7 năm tù về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là chung thân, buộc bồi thường trên 3.900 tỷ đồng cho 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. Võ Anh Tuấn bị đề nghị mức tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc nộp 10 tỷ đồng đã nhận của Như. Hai bị cáo Trần Thị Tố Quyên, Huỳnh Mỹ Hạnh bị đề nghị mức án 16- 19 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Phạm Anh Tuấn bị đề nghị mức án 13 - 15 năm tù và buộc nộp vào công quỹ số tiền thu lợi bất chính trên 120 tỷ đồng từ việc cho Như vay. Hai bị cáo Nguyễn Thị Lành, Đặng Thị Tuyết Nhung bị đề nghị mức án 12 năm 6 tháng- 21 năm tù  cho hai  tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cho vay nặng lãi”. Các bị cáo là nhóm cựu nhân viên ngân hàng “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng” bị đề nghị mức án từ 10 - 20 năm tù.

Về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo một thời dưới quyền của Như cũng bị VKS đề nghị mức án từ 4 - 10 năm tù. Nhóm cho vay nặng lãi với lãi suất gấp 10 lần quy định, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng cũng bị VKS đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng- 3 năm tù. Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn, Phạm Anh Tuấn và các bị cáo cho vay nặng lãi phải nộp lại phần thu bất chính, tiếp tục bị kê biên tài sản.

Sau khi luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo, Viện KSND TPHCM có một số kiến nghị với cơ quan trung ương để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân là bạn bè, người thân của Như đứng tên vay tại VIB và  đề nghị khởi tố hai  Phó giám đốc Vietinbank vì đã thiếu kiểm tra, giám sát các HĐ đã ký để bị cáo Như lợi dụng lừa đảo, đề nghị khởi tố bà Vũ Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Phương Đông - về hành vi giúp sức Như lừa đảo, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi cho vay lãi nặng với các đối tượng cho Như vay mà chưa bị khởi tố; kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kiểm điểm, chấn chỉnh các lãnh đạo không quản lý tốt nhân viên để xảy ra vụ án nghiêm trọng.

Trong phiên xét xử ngày 16/1/2014, LS đại diện các công ty, tổ chức bị Như chiếm đoạt tiền đã nêu một số luận điểm chứng minh trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án.