Nhà tốc mái, cây đổ vì mưa chuyển mùa

Trưa 7/4, cơn mưa kèm theo gió giật mạnh ở TP HCM đã khiến nhiều cây xanh gãy cành đè trúng ôtô, xe máy và làm nhiều nhà bị tốc mái, sập đổ.

12h30, cơn mưa nhỏ kèm giông mạnh quét qua nhiều địa bàn ở TP HCM. Trên đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) hàng loạt cây xanh bị sét nhánh rơi xuống chắn ngang đường. Một ôtô 4 chỗ đang đậu trước quán cơm bị nhánh cây rơi móp nóc, nhiều biển quảng cáo, mái hiên bị quật đổ.

Trên đường Hoàng Minh Giám (Phú Nhuận), một nhánh cây bàng lớn gãy đè trúng bà Đặng Thị Ngọc Châu (43 tuổi) đang chạy xe máy. Bà Châu bị thương ở chân, xe máy hư hỏng phần đầu. Cách đó khoảng 100 m, trên đường Phổ Quang, nhiều nhánh cây cũng gãy trong cơn mưa nhưng rất may không trúng người đi đường.

Một mái nhà ở làng đại học bị thổi bay. Ảnh: An Nhơn.

Khoảng 14h, tại Làng đại học Thủ Đức (giáp ranh TP HCM và Bình Dương), mưa cũng đổ xuống và kéo dài vài chục phút. Lốc xoáy xuất hiện làm hàng chục phòng trọ của sinh viên, nhà dân bị thổi bay, nhiều đồ đạc hư hỏng. Các con đường trong làng đại học la liệt nhánh cây gãy. Sự cố khiến khu vực bị mất điện nhiều giờ...

Mái nhà bị tốc khiến đồ đạc trong phòng trọ sinh viên hư hỏng. Ảnh: An Nhơn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt mưa chuyển mùa kéo dài 2-3 ngày. Nhiệt độ miền Nam dịu lại đôi chút vào chiều tối và sáng sớm. Nhưng người dân cần đề phòng bởi những cơn mưa đầu mùa thường kèm theo giông lốc.

Mưa 'vàng' giải nhiệt miền Tây

Chiều 7/4, nhiều nơi ở miền Tây như Bến Tre, Hậu Giang, TP Cần Thơ... xuất hiện mưa trái mùa trên diện rộng, xua tan nắng nóng gay gắt kéo dài suốt tuần. Ngành nông nghiệp đánh giá đây là "mưa vàng", tưới mát cho hàng nghìn hecta cây trồng.

Ông Trần Văn Bình (Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ) cho biết, lượng mưa hơn 20 mm trong suốt một giờ đã giải nhiệt, tắm mát cây trái, hoa màu. Dự báo cuối tháng này mới có hiện tượng mưa chuyển mùa.

Tại Hậu Giang, mưa lớn đã đẩy lùi được nước mặn đang lấn sâu vào nội đồng. Riêng TP Vị Thanh, nước mặn trên sông đã giảm từ 9‰ xuống còn 1‰. Đây là cơn mưa trái mùa thứ 2 ở tỉnh Hậu Giang và vùng giáp ranh là tỉnh Bạc Liêu cũng đón 2 cơn mưa lớn trong 3 ngày.

Tại Bến Tre, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết, mưa trái mùa kéo dài nửa giờ vào chiều 7/4 đã tưới mát hơn 9.000 ha cây ăn trái đặc sản, cây cảnh, cây giống... Mưa "vàng" góp phần đẩy lùi sâu bệnh và chống nguy cơ xâm nhập mặn.

Quảng Ngãi: 300 nhà dân tốc mái

Ông Đinh Văn, Chủ tịch UBND xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) cho biết, 16h ngày 7/4, lốc xoáy kèm mưa đá kéo dài 15 phút đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu cùng lúa sắp thu hoạch.

"Ít nhất 300 nhà dân cùng trụ sở ủy ban xã, trường học bị lốc xoáy làm tốc mái, hư hỏng nặng. Từ lúc sinh ra đến giờ tôi mới chứng kiến trận cuồng phong kèm mưa đá khiến nhiều bản làng tan hoang", ông Văn thuật lại. 

Mưa lốc làm ông Lê Văn Hùng (40 tuổi) bị ngói rơi trúng đầu, chị Đinh Thị Sáu (18 tuổi) đang ẩn trú ở nhà văn hóa thôn bị kính vỡ văng vào chân phải đi cấp cứu.

21h cùng ngày, hệ thống điện ở xã Sơn Linh vẫn chưa được khắc phục, giao thông ách tắc do nhiều cây cối hai bên đường ngã đổ ngổn ngang. Hàng chục hecta lúa đang chín rộ chuẩn bị thu hoạch bị lốc xoáy quật ngã có nguy cơ mất trắng. 

UBND huyện Sơn Hà đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên giúp dân khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra.