Đó là lời chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nói. Trong văn bản Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Trần Sơn Hà gửi Trưởng phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối Cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
“Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ cho biết, văn bản trên đánh đồng hai phạm trù trái ngược nhau. Trong đó, một bên là phóng viên quay phim chụp ảnh là hoạt động hợp pháp, được Luật Báo chí quy định; còn một bên là người giả danh nhà báo ghi hình là chuyện hoàn toàn khác.
“Nếu phóng viên thực hiện đúng Luật Báo chí thì không phải xin phép và cảnh sát giao thông không nên ngăn cản. Ai cũng làm đúng thì không có gì ngại cả”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Theo ông Huệ cảnh sát giao thông nên giúp các nhà báo thực hiện quyền tác nghiệp. Ngược lại khi các nhà báo tác nghiệp sẽ giúp cảnh sát giao thông thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. “Nếu văn bản gây hiểu lầm và cảm thấy sai thì nên sửa”, ông Huệ nêu.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, đơn vị này chưa có ý kiến về văn bản trên. Trước thông tin dư luận, ông Sơn sẽ cho xem xét nội dung văn bản đó có vấn đề gì không.