Nguyên nhân dân Hong Kong nổi giận với Trung Quốc?

Hong Kong đang chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử, và mọi việc xuất phát từ nỗi giận dữ lẫn sợ hãi của họ trước chính sách của Bắc Kinh.

Ngày 29/9, trong lúc phong trào biểu tình và đụng độ dữ dội vẫn tiếp diễn ở Hong Kong, cựu đại sứ Úc tại Hàn Quốc Richard Broinowski cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và thậm chí sẽ xảy ra đổ máu kinh hoàng nếu mọi việc không được kiểm soát.

Theo vị đại sứ này, hiện không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra ở Hong Kong trong tương lai gần, tuy nhiên nhiều khả năng bạo lực vẫn sẽ tiếp diễn khi cảnh sát sử dụng biện pháp mạnh để đàn áp, và sinh viên cũng thề sẽ dùng vũ lực đáp trả.

Trong đêm qua, trung tâm tài chính sôi động nhất thế giới ở Hong Kong đã biến thành một bãi chiến trường khi cảnh sát mở nhiều đợt tấn công liên tiếp để giải tán hàng ngàn người biểu tình đang phong tỏa khu vực này.

Tâm điểm của cuộc xung đột hiện nay ở Hong Kong chính là mối quan hệ giữa đặc khu hành chính này với Trung Quốc đại lục, và nỗi sợ hãi về một quá khứ mà không ai muốn chứng kiến một lần nữa.

Mọi việc bắt đầu như thế nào?

Phong trào biểu tình ở Hong Kong bùng lên từ tuần trước khi hàng ngàn sinh viên đồng loạt bãi khóa để đòi nhà cầm quyền rút lại một quy định rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong tới đây.

Hàng ngàn người biểu tình đổ ra đường phong tỏa trung tâm Hong Kong

Theo quy định do Bắc Kinh đưa ra này, chỉ có những người được một ủy ban thân Trung Quốc đề cử mới được tham gia ứng cử trong cuộc bỏ phiếu bầu trưởng đặc khu hành chính Hong Kong vào năm 2017, trái với lời hứa về một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu mà Trung Quốc đưa ra trước đây.

Phong trào bãi khóa của sinh viên nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của người dân Hong Kong và các nhà hoạt động dân chủ khác, và các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực từ tối qua, khi 10.000 người đổ xuống đường tuần hành và vấp phải phản ứng bạo lực từ phía cảnh sát chống bạo động.

Chính quyền Hong Kong huy động cảnh sát chống bạo động để dẹp biểu tình

Tổng cộng đã có 26 người phải nhập viện và 78 người khác bị bắt trong các cuộc đụng độ, nơi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình không có vũ trang.

Vì sao người Hong Kong giận dữ?

Hong Kong từng là thuộc địa của Anh trong suốt 50 năm, và đến năm 1997, vùng đất phát triển và thịnh vượng này được trao trả lại cho Trung Quốc. Lúc đó, Trung Quốc đề ra chính sách “một đất nước, hai chế độ” để cho phép Hong Kong tự quyết các vấn đề của mình ngoại trừ vấn đề quốc phòng và quân sự.

Hơi cay và đạn cao su được cảnh sát sử dụng để ngăn chặn người biểu tình

Bắc Kinh cũng cho phép Hong Kong tổ chức cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017 bằng hình thức phổ thông đầu phiếu để người Hong Kong có thể tự lựa chọn nhà lãnh đạo cho riêng mình.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong hiện nay là Leung Chun-ying, một nhân vật được ủy ban thân Trung Quốc chọn ra nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.

Nỗi sợ của người dân Hong Kong

Giờ đây, người dân Hong Kong lại đang lo sợ rằng Trung Quốc “nuốt lời” và không thực hiện lời hứa đưa ra cách đây 17 năm.

Nỗi sợ đó bắt đầu sau khi Trung Quốc xuất bản sách trắng tuyên bố họ có toàn quyền đối với Hong Kong, và Bắc Kinh muốn có thể giám sát những ứng cử viên mà dân Hong Kong lựa chọn làm nhà lãnh đạo.

Cảnh sát Hong Kong liên tiếp mở các đợt tấn công để giải tán biểu tình

Theo nhận định của đại sứ Broinowski, động thái này của Trung Quốc không khác gì những tuyên bố chủ quyền đầy phi lý mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng xiết chặt kỷ cương trong cách quản lý đất nước, và họ luôn muốn khẳng định rằng Hong Kong là một phần của Trung Quốc”.

Không những thế, người dân Hong Kong còn lo sợ về một cuộc đụng độ đẫm máu có thể diễn ra nếu cảnh sát tiếp tục áp dụng các biện pháp bạo lực để giải tán biểu tình.

Trong một bài báo gần đây, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm để ngăn chặn thảm kịch đó xảy ra.

Đạn hơi cay trút như mưa xuống những người biểu tình

Có nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã chặn dịch vụ Instagram tại nước mình để ngăn chặn người dân đại lục có thể biết được những gì đang diễn ra đối với Hong Kong.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Trong ngày hôm nay, hàng loạt tuyến đường lớn ở Hong Kong và hơn 200 tuyến xe bus đã phải đóng cửa, trong khi hệ thống tàu điện ngầm của thành phố cũng bị tê liệt vì biểu tình.

Có tin đồn trong những người biểu tình rằng chính quyền Hong Kong đã tìm cách huy động lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú tại đây để dẹp biểu tình, song Trưởng đặc khu Leung Chun-ying đã lên tiếng bác bỏ tin đồn đó.

Một người biểu tình bị dính hơi cay của cảnh sát

Trong khi đó, những người biểu tình đã ra tuyên bố kêu gọi ông Leung từ chức với cáo buộc rằng việc ông này làm ngơ trước yêu cầu của người dân đã đẩy Hông Kong vào tình trạng khủng hoảng.

Mặc dù lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi người dân rút lui nếu bị nguy hiểm đến tính mạng, song rất nhiều người biểu tình vẫn trụ lại trên đường phố và thề sẽ “chiến đấu lâu dài”. Sinh viên trường luật Edward Lau tuyên bố: “Tôi hy vọng cuộc phong tỏa sẽ tiếp tục tới ngày mai, để cuộc biểu tình này có ý nghĩa”.

Lau khẳng định: “Chính quyền phải hiểu được rằng người dân chúng tôi có khả năng xóa bỏ nếu họ tiếp tục đối xử với chúng tôi như những kẻ khủng bố”.