Ẵm hai đứa cháu nội vào lòng, ông Hồ Bính không rời mắt khỏi hai sinh linh bé bỏng được sinh ra từ tinh trùng người con trai đã mất cách đây gần 4 năm của mình.
Ngày 9/12/2013, tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, bé Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải đã chào đời. Điều đặc biệt, hai bé là kết quả của quá trình thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng người bố đã mất cách đó gần 4 năm.
Người góp công lớn cho sự ra đời kì diệu đó của hai bé là bác sĩ Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội).
Nhận hai con từ tay bố chồng, chị Hoàng Thị Kim Dung (giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) rưng rưng xúc động. Mặc dù đã hơn một tháng ngày hai bé chào đời, nhưng những cảm xúc của ngày đầu nghe thấy tiếng khóc, nhìn thấy nụ cười của hai con trong chị vẫn như còn vẹn nguyên. Cùng với con gái đầu là bé Hồ Hoàng Hải Bình, hai bé Đức và Hải là minh chứng cho tình yêu kì diệu của chị và người chồng quá cố là anh Hồ Sỹ Ngọc.
Chị Dung cho biết thêm, khi anh Ngọc còn sống, hai vợ chồng anh chị luôn có ước nguyện là có thật nhiều con để cùng nhau vun đắp gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, ước nguyện chưa được thực hiện thì năm 2010, anh Ngọc qua đời trong một tai nạn đường sắt.
Ngày anh Ngọc qua đời vì tai nạn giao thông, con gái lớn của anh chị, bé Hồ Hoàng Hải Bình, mới 6 tháng tuổi. Đứng trước thi thể chồng, chị Dung như ngất lịm, điều làm chị day dứt nhất là mình chưa kịp làm tròn bổn phận của người vợ, chưa kịp bù đắp cho chồng những năm tháng đằng đẵng xa nhau.
Và quyết định giữ lại tinh trùng của chồng để làm thụ tinh nhân tạo sau này của chị cũng khởi nguồn từ giây phút đó.
Những ngày này chỉ còn bố chồng là ông Hồ Bính và em gái ở lại đỡ đần chị Dung chăm sóc ba bé. Mỗi sáng, em gái chị Dung lại đưa bé Hải Bình đi mẫu giáo, buổi chiều ông nội đón về. Còn chị dành nhiều thời gian chăm hai đứa con mới sinh. Mẹ chồng và mẹ đẻ của chị đã trở về Vinh (Nghệ An) để lo công việc gia đình những ngày giáp tết. Cuộc sống của nữ tiến sĩ trẻ ấy vẫn bình lặng trôi qua như thế.
Khi sinh ra bé Hồ Sỹ Hoàng Đức nặng 2,9kg còn bé Hồ Sỹ Hoàng Hải nặng 2,4kg. Sau một tháng, hiện giờ bé Hoàng Đức đã nặng 4,3kg, bé Hoàng Hải nặng 3,4kg.
“Lúc mới sinh thằng em đã kém anh 0,5kg, giờ cân nặng lại càng kém xa anh nữa. Ngày mới sinh ai cũng khen đứa em ngoan, ít khóc hơn anh nhưng giờ thì… cũng không thua gì anh. Tôi vẫn thường hay đùa, 4 mẹ con của Dung giờ trở thành gia đình nghèo nhất thành phố rồi”, nhìn hai cháu âu yếm, ông Hồ Bính nói vui.
Rồi ông kể thêm về cô cháu gái Hải Bình: “Trẻ con mà. Trước cháu nó chỉ có một mình nhưng giờ thấy tình cảm của ông bà, mẹ, dì chia cho cả hai em nên cũng có chút tị nạnh. Hôm trước, bà nội có trêu là đưa Hải Bình về quê thì nó nũng nịu trả lời: “Không đưa Hải Bình về quê, đưa hai em về quê”. Nhưng nó quý hai em lắm”.
Bản thân chị Dung cũng tham khảo cách chăm con từ phía những người sinh đôi. Những ngày qua, khi sự kì diệu của ca sinh cũng như mối tình đầy chất thơ chị dành cho người chồng quá cố được các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin, đã có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có người còn ác ý nói… chị có con với người khác. Những lúc ấy chị chỉ im lặng vì những gì chị làm đã được thời gian trả lời bằng sự ra đời của hai “thiên thần”. Cả hai bé hiện tại đều đã hoàn thành thủ tục làm giấy khai sinh và mang họ bố.
Chị Hoàng Thị Kim Dung hạnh phúc bên hai con
Lặng lẽ đọc những dòng bình luận mà mọi người phản hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Dung mỉm cười hạnh phúc trước rất nhiều tình cảm mà độc giả cả nước dành cho mẹ con chị.
“Từ khi quyết định giữ lại tinh trùng của chồng để làm thụ tinh nhân tạo sau này, đơn giản chỉ để thực hiện ước nguyện mà hai vợ chồng đã từng hẹn ước. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ nhận về rất nhiều tình cảm như thế. Và tôi cũng chỉ muốn sống một cuộc sống bình lặng”, chị Dung nghẹn giọng nói về điều ước nhỏ nhoi ấy.
Năm 2013, thực sự là một năm “đặc biệt” với chị Dung. Đặc biệt không chỉ là sự ra đời của cặp song sinh từ tinh trùng người chồng quá cố, đặc biệt còn bởi chị thường xuyên mang bụng bầu tham gia các chương trình, hội nghị, hội thảo, lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ… của trường nơi chị công tác.
“Trước khi nghỉ sinh, mình đã hoàn thành xong các công việc chuyên môn. Chỉ còn những đề tài đang ấp ủ sẽ cùng mọi người trong trường triển khai. Điều mong ước nhất của mình sau khi trở lại giảng đường chính là việc giảng dậy, nghiên cứu và triển khai tiếp những đề tài ấp ủ ấy. Còn cuộc sống hiện tại, mình chỉ mong sao các con khôn lớn khỏe mạnh. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người làm mẹ như mình”, chị Dung tâm sự.
Không khí Tết vẫn chưa gõ cửa căn hộ nhà chị Dung ở khu đô thị Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Vẫn chỉ có tiếng khóc của hai đứa bé, tiếng cười hạnh phúc của người ông, người bà, người mẹ… Năm nay, cả gia đình dự định sẽ ăn Tết tại Thủ đô.
Bà Trần Thị Hảo, mẹ đẻ chị Dung mỉm cười khi nhắc về sự “kì diệu” đến với gia đình mình: “Hôm trước có người là cán bộ ngân hàng gọi điện cho tôi. Tôi tưởng có vấn đề gì nhưng họ gọi điện để chúc mừng. Tôi thực sự rất vui!”.
Từ cuộc sống chỉ có hai mẹ con từ sau khi chồng mất, giờ gia đình nhỏ của chị có 4 người, tuy vất vả hơn nhưng nụ cười luôn tràn ngập. Họ cùng bỏ lại nỗi buồn của những năm về trước khi anh Ngọc qua đời để đón chào một khởi đầu mới.