Người phụ nữ đột tử để lại tài sản 1.000 tỉ đồng

Do chết đột ngột, bà P. ở TP. HCM để lại khối tài sản khổng lồ nhưng không kịp lập di chúc. Từ đó dẫn đến tranh chấp giữa người con nuôi và các anh chị em của bà.

Chiều 30/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mời ông T.V.P và chị T.H.H.L đến làm việc liên quan đến khối tài sản trong két sắt đang được ký gửi tại ngân hàng này. Sau 3 giờ làm việc, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận. Trao đổi với phóng viên lúc 17h cùng ngày, một lãnh đạo Sacombank khẳng định “do vụ việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa nên khối tài sản nằm trong két sắt hiện vẫn đang được giữ tại ngân hàng”.

Chết không để lại di chúc

Liên quan đến khối tài sản trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3/2011, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh - TP. HCM đã lập một vi bằng ghi nhận lại khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng của một người phụ nữ quá cố tên là T.K.P (sinh năm 1946, ngụ quận Tân Phú - TP.HCM). Đây có thể xem là vụ việc được lập vi bằng có số tài sản lớn có một không hai.

Do chết bất đắc kỳ tử nên bà P. đã không để lại di chúc trong khi bà không có con ruột, chỉ có một người con nuôi 22 tuổi mang họ bà là chị L. Người con nuôi này được bà P. xin nuôi ngay khi còn đỏ hỏn ở Bệnh viện Hùng Vương và được pháp luật thừa nhận. Khi bà P. chết, người con nuôi đang du học ở Đức đã quay về chịu tang mẹ.

Ông T.V.P được mời đến Sacombank làm việc chiều 30/5.

Ngay khi tổ chức lập vi bằng dưới sự chứng kiến của anh chị em bà P. và chị L. cùng công an địa phương, tài sản của bà P. gần như không đếm xuể, phải đếm trong vòng 1 tuần mới xong: gồm 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng).

Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú - TP. HCM, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... cũng do bà P. đứng tên. Không chỉ để tiền và tài sản quý giá trong két sắt, rất nhiều vàng được bà P. giấu kỹ bên dưới bàn làm việc đã làm những ai chứng kiến đều phải ngỡ ngàng.

Điều càng ngỡ ngàng hơn bà P. còn cất giữ cẩn thận nhiều tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng. Ngoài ra, căn nhà bà P. sinh sống tại quận Tân Phú rộng khoảng 2.000 m2 với 1 sân tennis cho thuê.

Tranh chấp

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cha mẹ bà P. là người Hoa, có nghề làm bún gạo nên đã truyền nghề lại cho các con, trong đó có bà P. Ban đầu bà P. tự tay làm bún và làm thủ công, dần dà mở rộng quy mô nên thuê thợ phụ và rất nhiều khu đất ở quận Tân Phú vốn là nơi phơi bún, sau đó bà P. được Nhà nước cấp đất để mở rộng quy mô làm ăn.

Sau đó, bà P. mua lại rất nhiều đất ở xung quanh, kể cả các tỉnh nên tài sản của bà ngày càng khổng lồ. Bà P. cũng tạo công ăn việc làm, chỗ ở cho những người làm công gắn bó với bà từ lúc làm bún và cả sau này. Theo một số người từng làm công cho bà P., bà sống rất khiêm tốn, thường làm từ thiện nhưng rất kín tiếng.

Ngoài người con nuôi, bà P. có 6 anh chị em thì hầu hết đều theo nghề làm bún gạo và đều khấm khá, trong đó hiện có một người chị ở quận Tân Phú còn giữ nghề làm bún gạo với thương hiệu nổi tiếng, 1 người anh và 1 người em của bà hiện sống ở Đức.

Vì khối tài sản quá lớn mà bà P. để lại nên hầu hết anh chị em trong gia đình bà P. đều muốn gửi vào ngân hàng mà không để cho người con nuôi nắm giữ. Sau khi lập vi bằng khối tài sản trên, ông T.V.P (em trai bà P.) đã cùng người con nuôi là chị L. thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Khi hết hạn ký gửi, chị L. muốn rút số tài sản này về nhưng ông P. lại không đồng ý vì ông cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.

Tại Sacombank, ông P. phân trần: “Sở dĩ gia tộc tôi muốn làm rõ vấn đề là vì toàn bộ số tài sản nói trên đều do công sức của cả dòng họ, trong đó có những người ở nước ngoài hùn hạp làm ăn với chị tôi. Nay tôi muốn gia hạn thêm để chờ những người ở nước ngoài về cùng giải quyết trước tòa”. Có mặt tại buổi làm việc, chị L. ăn mặc khá giản dị và tỏ ra dè dặt trước phóng viên. Khi được hỏi về những vấn đề liên quan, chị từ chối trả lời.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Văn phòng Thừa phát lại, chị L. cho biết nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, chị sẽ để lại toàn bộ cho Tổ chức UNICEF Việt Nam.

Quy định của pháp luật

Vụ việc trên vẫn đang chờ tòa án xét xử. Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP. HCM) trong trường hợp những người anh chị em của bà P. chứng minh được tài sản có phần hùn hạp, công sức đóng góp để tạo nên khối tài sản thì sẽ được xem xét.

Nếu không, theo khoản 1 điều 675 Bộ Luật Dân sự thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Còn theo điều 676 bộ luật này, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2/ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3/ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.