Người mẹ 10 năm đổi máu đào lấy sữa nuôi con

Là một người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, những tưởng sau khi lấy chồng, chị sẽ tìm được một chỗ nương tựa. Thế nhưng, kể từ sau đám cưới, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Bảo Hoa (SN 1962, Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội) lại càng thêm tủi nhục.

Khi chị Hoa vừa sinh con được một tuần, vết mổ chưa kịp lành đã bị chồng đốt hết quần áo, đuổi ra khỏi nhà. Hai mẹ con phải sống lang thang ở khắp các vỉa hè, ngõ hẻm. Túng quẫn, chị Hoa đã phải đi các bệnh viện bán máu để có tiền nuôi con.

Vợ mang thai, chồng có người tình mới

Một buổi chiều muộn, tình cờ tạt vào quán trà đá gần một con ngõ hẻm trên đoạn đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi có duyên gặp gỡ với người chủ quán là một phụ nữ hết sức đặc biệt. Một người phụ nữ khốn khổ vì bị người chồng tệ bạc, nhẫn tâm đuổi ra khỏi nhà khi vừa mới sinh con. Không chút tài sản trên người, nhịn ăn đến mức đứa con thơ kêu gào vì không có sữa để bú, người mẹ đã phải dùng máu đổi lấy những đồng tiền ít ỏi để cầm cự cuộc sống.

Người phụ nữ trong câu chuyện đó là chị Nguyễn Thị Bảo Hoa (SN 1962, trú tại phường Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội). Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở Hà Nam, khi vừa học đến lớp 2 thì bố mẹ bỏ nhau, gia đình ly tán. Chị Hoa theo mẹ về ở với bố dượng khi bà đi thêm bước nữa. Cũng từ đó, con đường học hành của Hoa bị dang dở, thay vì đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa, hằng ngày Hoa phải theo mẹ đi bộ rong ruổi khắp chợ để kiếm sống bằng nghề bán rau, bán cá.

Đến năm 19 tuổi, Hoa phải lòng một người đàn ông vừa đi bộ đội về và không lâu sau đó, hai người kết hôn. Hai vợ chồng chuyển về ở trong một ngôi nhà nhỏ hẹp trong ngõ phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Tưởng rằng cuộc sống của mình sẽ được yên ổn bên người chồng đáng tin cậy, thế nhưng, kể từ khi lấy nhau về, cuộc sống gia đình của chị Hoa chẳng được “cơm dẻo, canh ngọt” cho lắm.

Do cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định nên kinh tế ngày một khó khăn, khiến hai người càng hay cãi vã, to tiếng. Đến khi chị Hoa mang bầu, không thể đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống lại càng thêm túng quẫn. Người chồng không những không chia sẻ gánh nặng, trái lại liên tục chìm trong hơi men say xỉn rồi về nhà chửi bới, thậm chí lôi vợ ra để “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

Không dừng lại ở đấy, trong lúc vợ bụng mang dạ chửa, chồng chị Hoa ngang nhiên ngoaị tình, còn dẫn cả người tình về để “trêu ngươi” vợ. Không thể làm gì được hơn, người đàn bà bất hạnh chỉ biết nuốt tủi nhục mà sống vì sinh linh bé bỏng sắp chào đời. “Đến ngày sinh nở, tôi phải tiến hành mổ đẻ và sinh được một bé trai, lúc này ở nhà, chồng tôi đã công khai dẫn người đàn bà khác về ở, chung sống cùng nhau như vợ chồng, mặc dù bị bố mẹ chồng tôi phản đối dữ dội”, chị Hoa kể lại.

5 ngày sau khi mổ, chị Hoa chuyển về nhà để nằm tĩnh dưỡng vì vết mổ chưa lành. Thế nhưng, người chồng tàn ác vì muốn rũ bỏ để sống chung với người tình mới nên đã chửi bới rồi đốt hết quần áo, sau đó đuổi cả hai mẹ con chị ra ngoài đường trong đêm tối.

Chị Hoa tâm sự: "Tôi vẫn nhớ như in đêm hôm đó, mặc cho hàng xóm, rồi bố mẹ chồng khuyên can, nhưng chồng tôi vẫn một mực đốt quần áo rồi đuổi tôi cùng cháu trai ra khỏi nhà. Một người hàng xóm thương tình đã gọi tôi sang ngủ nhờ, để chờ đến trời sáng hôm sau cho chồng nguôi giận. Thế nhưng, sang ngày hôm sau, anh ta vẫn kiên quyết không cho tôi quay về, một mực đuổi ra ngoài đường”.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Đổi máu đào, lấy tiền mua sữa cho con

Biết không thể xoay chuyển được người chồng “sắt đá”, chị Hoa chỉ biết khóc ròng, lủi thủi bế đứa con mới sinh chưa đầy một tuần tuổi cùng vết mổ đau âm ỉ vì chưa lành lặn.

“Vừa mới sinh nên cơ thể còn yếu, không thể lao động, con lại còn quá nhỏ, hai mẹ con chị bồng bế nhau lang thang trên những vỉa hè của phố Cát Linh,nhiều người hàng xóm thương cảm cứ đến bữa ăn, người cho ít cơm, người cho tí thức ăn để cầm cự qua từng bữa”, chị Hoa nhớ lại quãng thời gian tủi nhục bị chồng nhẫn tâm đuổi ra khỏi nhà.

Vì không có nhà nên cứ tối đến, chị lại chui vào một xó nhỏ dưới mái hiên của một ngôi nhà rồi trải ít chăn mền cùng vỏ thùng cát tông ra để làm chỗ ngủ cho hai mẹ con, quần áo tã lót cho em bé chị phải xin của mọi người không dùng đến nữa. Cuộc sống tạm bợ hết sức cực khổ. Nhiều lần bố mẹ chồng Hoa cũng đến thăm, nhưng vì người chồng đã chung sống với người đàn bà khác, không cho Hoa về ở nên ông bà cũng chẳng thể làm gi được. Còn về phần mẹ đẻ Hoa, kể từ khi cô đi lấy chồng đã di cư vào vùng kinh tế mới ở tận miền Nam nên cũng không thể giúp đỡ được cho chị Hoa.

Cuộc sống lê lết tạm bợ của hai mẹ con cứ thế kéo dài được 37 ngày, cả một khoảng thời gian đó hai mẹ con sống được là nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Nghĩ rằng không thể cứ mãi để hàng xóm cưu mang , trở thành gánh nặng của mọi người, lại được một người bạn mách đường chỉ lối, người mẹ khốn khổ đã quyết định đi bán máu lấy tiền nuôi con, đồng thời có chút vốn tính kế làm ăn.

“Tôi vẫn nhớ như in, lần đầu tiên trong đời đi bán máu tại Bệnh viện Việt Đức được 150.000 đồng cho 250cc máu. Cầm số tiền trong tay mà muốn mua đủ thứ, rồi tôi đi ra mua cho con trai hộp sữa bột loại nhỏ, số tiền còn lại đi mua ít hạt hướng dương và vài phong kẹo cao su để mang đi rao bán rong”.

Cứ thế, sáng sáng, trên hè phố người ta bắt gặp hình ảnh một người đàn bà tiều tụy tay bồng đứa con chầm chậm đi rao bán ít đồ ăn vặt. Buôn bán khó khăn, tiền lãi chẳng được bao nhiêu, chị Hoa lại tiếp tục dùng máu của mình đi bán lấy tiền nuôi con, mặc dù bác sĩ đã dặn dò, sau mỗi lần bán máu phải dãn cách nghỉ ngơi, tẩm bổ chừng 1 tháng đến tháng rưỡi, nhưng vì cuộc sống quá túng quẫn, chị Hoa đã đi nhiều bệnh viện bán máu liên tục để có tiền.

Không ít lần chị bị tụt huyết áp và ngất xỉu trên đường đi bán hàng rong. Trong gần 10 năm cực khổ, người mẹ vẫn đem máu của mình để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi nuôi con, vượt qua nghịch cảnh. Chị Hoa vẫn nhớ như in: "Phải hôm thời tiết “trái gió giở giời”, cháu bé tự nhiên đổ bệnh. Vội vàng đưa con đến bệnh viện mà trong túi chỉ có 5000 đồng. Còn đang không biết xoay xở ra sao thì may mắn tôi gặp được một bác sỹ tốt bụng, biết hoàn cảnh khó khăn đã cứu chữa cho em bé mà không lấy tiền”.

Một thời gian sau đó, khi con được 4 tuổi, dành dụm được ít tiền, chị Hoa quyết định thuê một căn nhà nhỏ để làm chỗ che mưa, che nắng cho hai mẹ con rồi mở một quán nước đồng thời cũng để cho con trai được đi học để còn biết cái chữ cho bớt khổ. Thế nhưng, trời dường như chẳng chiều lòng người, chị Hoa phải chịu hết tai vạ này đến tai vạ khác. Khi vừa từ chỗ bán nước trở về, chị Hoa phát hiện nhà trọ bị kẻ gian đột nhập, ăn cắp hết tất cả tài sản ít ỏi mà hai mẹ con tích cóp được.

“Quá đau đớn, tôi chỉ biết ôm mặt mà khóc tu tu như một đứa trẻ. Nghĩ rằng cuộc đời như vậy là đã rơi vào con đường cùng. May sao, một lần nữa tôi như được “quý nhân phù trợ” có một người đàn bà sống gần đó hay chuyện bảo hai mẹ con đến cho ở nhờ và nhận tôi làm con nuôi, rồi cùng bán hàng nước với bà”.

Cũng từ đây, cuộc sống của chị Hoa và cậu con trai dần được ổn định, người mẹ nuôi của chị giờ đã già và nhường lại cửa hàng cho chị một tay buôn bán. Cậu con trai cũng đã đi học và phụ giúp, đỡ đần mẹ được trong nhiều việc.

Khẽ nhíu đôi mày trên gương mặt thâm sạm của mình, chị Hoa cay đắng nói: "Biết rằng cái số khổ thì phải chịu, nhưng từng ấy năm hai mẹ con sống lê lết khổ cực, người chồng tàn nhẫn không một lần hỏi han cũng như ngó ngàng đến đứa con ruột thịt của mình. Nhiều lúc con trẻ nó hỏi tôi bố là ai, trông thế nào, mà đau đớn xót xa lắm chú ạ!”.

Đời mình đã khổ và cũng đã sống qua cái ngưỡng nửa cuộc đời, giờ chị Hoa chỉ biết cố gắng làm lụng để đủ tiền cho con ăn học, sớm thành đạt để thoát cái nghèo, cái khổ và để làm chỗ dựa cho người mẹ một đời lam lũ phải đổi những giọt máu đào lấy sữa nuôi con.