Những luống rau ngày càng được người dân Thủ đô trồng nhiều trên sân thượng, khu đất trống trong khu dân cư… để vừa có rau sạch ăn, vừa tiết kiệm.
Làm vườn cả trên… sân thượng
Nỗi lo rau không sạch tràn lan trên thị trường nên ngày càng nhiều người dân sống tại thủ đô Hà Nội làm “nông dân” tự trồng rau sạch. Vì thế, những vườn rau, luống rau, chậu rau… được trồng ngày càng nhiều kể cả trên sân thượng hay khu đất trống trong khu dân cư… Cách này không chỉ để cải thiện chất lượng bữa ăn cho gia đình mà còn góp phần tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ.
Ông Ly thu hoạch mướp trồng trên nóc tầng 4 nhà mình
Chia sẻ về công việc trồng rau sạch trên “nóc nhà”, ông Ly cho biết, ông đã phải mua đất về đổ lên sân thượng để trồng rau. Về lý do trồng rau trên sân thượng, ông bảo: “Thị trường thực phẩm, rau, củ không thiếu, nhưng khó tránh rau bị dính thuốc sâu, thuốc kích thích, không đảm bảo sức khỏe nên gia đình tôi tự trồng rau ăn. Mình tự làm lấy, không phải chạy theo số lượng nhiều nên không sử dụng thuốc sâu, hóa chất kích thích, như thế sẽ có rau sạch. Hơn nữa, mình tự trồng tính ra rẻ hơn rất nhiều so với đi chợ hằng ngày”.Ông Bùi Cao Ly (nhà ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là người thích trồng rau. Ông đã tận dụng 135m2 trên sân thượng tầng 4 để làm vườn. Ông trồng các loại rau gồm: mồng tơi, dền, mướp, cải, muống, su su, mùi, húng, kinh giới... Ngoài ra, ông còn dành một góc sân trồng cây đinh lăng để đun nước uống.
Ông Ly rất tâm đắc với vườn rau đinh lăng vừa sạch vừa bổ này
Theo tính toán của ông Ly, với vườn rau của ông, vốn đầu tư không đáng là bao. Chỉ vất vả công mua đất về đổ. Còn lại, chỉ cần mấy gói giống rau mua về rắc dần, cộng thêm tí phân bón. Chi phí đầu vào ít mà hiệu quả nhìn thấy rõ rệt là có rau sạch ăn, yên tâm.
Cô Nguyễn Thị Minh (60 tuổi, quê Gia Lộc - Hải Dương) về sống tại tòa A2D1, KĐT Đặng Xá (Gia Lâm-Hà Nội) gần 2 năm nay. Tận dụng đất ruộng bỏ hoang gần khô đô thị, cô đã trồng được 9 luống rau các loại xen canh như: cải, mồng tơi, rau đay, muống, bí, dưa chuột… “Tôi tự trồng lấy rau sạch cho cả nhà 5 miệng ăn. Ngoài ra, mấy luống rau này còn đủ cho 6 nhân viên khác đang làm thuê tại cửa hàng mà không phải mua rau ngoài chợ”.
Cô Minh rất vui với mảnh vườn mình "vỡ hoang" được trên khu đất trống quanh khu đô thị
Cô Minh còn cho biết, tiền giống cho 9 luống rau hết khoảng 50.000 đồng, các giống rau được chia làm nhiều lần gieo trồng. Đối với rau muống, chỉ cần cấy rau trước nửa luống, sau đó lấy rau ở chỗ này để nhân giống ra các luốn khác. Rau mồng tơi chỉ cần 1 túi giống 2,5 gram (giá khoảng 10.000 đồng/gói) mà sử dụng được nhiều lần. Hoặc giống rau bí, chỉ cần mua 1 gói giống, về lấy 20 hạt trồng được 10 khóm, còn lại cho hàng xómcùng trồng.
Chăm sóc đơn giản, hiệu quả kép
Với 9 luống rau nhà cô Minh, mỗi lứa rau chỉ cần tưới 1 gói phân vi sinh Đầu trâu, là có rau ăn. Nhẩm tính, nếu không tự trồng rau sạch, ít nhất cô Minh mỗi ngày sẽ phải mua 2 bữa rau cho gia đình và thợ. Với khoảng 10 nhân khẩu (gồm người nhà và thợ), mỗi ngày, ví dụ rau muống cần 5 mớ. Nếu ra chợ mua, giá rau rẻ cũng phải 4.000 đồng/mớ, sẽ hết 20.000 đồng tiền rau/ngày. Một tháng sẽ tốn hơn 600.000 đồng tiền rau xanh mà chưa chắc mua được rau sạch. Còn nếu cùng loại rau mà mua trong siêu thị thì giá có thể còn đắt lên gấp từ 1,5-2,0 lần.
Bà Hội đang hái rau đay do do đích thân mình chăm sóc
Như vậy, từ việc tự trồng rau sạch, cô Minh không chỉ tiết kiệm được khoản tiền kha khá cho nội chợ, mà còn yên tâm chất lượng rau an toàn. Cô Minh cho biết, từ Tết Nguyên đán 2015 đến nay, cô mới chỉ mua một lần giống, và hiện tại vẫn còn để sử dụng.
Một lợi ích khác của việc trồng rau sạch tại nhà, theo cô Minh, “làm vừa vui, vừa là cách tập thể dục khỏe người”.
Cũng chia sẻ chuyện tự trồng rau sạch, cô Phượng, vừa bán hàng nước cạnh toàn nhà CT4A, KĐT Bắc Linh Đàm (Hà Nội), vừa bày bán cả mấy mớ rau đay, mồng tơi, muống, ngót, cho biết: “Rau nhà tôi tự trồng cả đấy. Ban đầu xới cái vườn nhỏ trồng để ăn, nhưng rồi hàng xóm, khách mua nước cứ tìm mua rau sạch, thế là tiện thể cắt của nhà bán luôn. Toàn khách quen mua, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, hoặc người mới sinh rất cần rau sạch nên tôi sẵn sàng… hỗ trợ”. Nhờ thế, giờ thì cô Phượng vừa có thu nhập từ bán nước lại có thêm tiền từ bán rau sạch của mình tự trồng, tăng thu nhập cho gia đình.
Đánh giá về lợi ích của vườn rau sạch tự trồng, ông Bùi Cao Ly cho hay: “Rau tự trồng ở nhà mình, mùa nào thức ấy, ăn quanh năm. Chỉ quanh quanh cái sân thượng thôi mà rau sạch ăn không hết. Có đợt khóm mướp cho một lúc hơn 50 quả, tôi còn có để chia cho con cháu, bên ông bà thông gia và cho cả hàng xóm láng giềng làm quà. Ai cũng thích vì yên tâm rau sạch”.