Ngay từ khi biết thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hàng trăm người dân đã đến ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, nơi Đại tướng từng sống để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Tuy nhiên, thời điểm này, ban tổ chức lễ tang đang làm công tác chuẩn bị nên người dân chưa thể vào trong.
Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, sáng 6/10, gia đình Đại tướng đã phát đi thông báo tới người dân về thời gian đón tiếp. Theo đó, từ 14h30 chiều 6/10, người dân có thể vào nhà riêng để dâng hương lên Đại tướng.
Trước đó, chiều 5/10, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thông cáo đặc biệt về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, tang lễ Đại tướng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.
Thông báo ghi rõ, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp quản tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức cùng địa điểm từ 7h30 ngày 12/10. Một ngày sau, 13/10, sẽ diễn ra lễ truy điệu trọng thể.
"Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình)", thông báo có đoạn.
Người dân đến nhà Đại tướng bày tỏ niềm tiếc thương sáng 6/10.
Cũng theo Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và an táng Đại tướng. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12-13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.
Ghi nhận của phóng viên, tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, sáng 6/10, rất đông người dân đã đến, đứng chờ đến giờ vào dâng hương và thể hiện niềm tiếc hương vô hạn với Đại tướng.
Dòng người đông nhưng lặng lẽ, ai ai cũng rưng rưng nước mắt…