Quyết định chuyển giới đầu tiên của Việt Nam cho cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm bị Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước thu hồi đã gây xôn xao dư luận. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
UBND tỉnh Bình Phước cho rằng các quyết định của UBND huyện Chơn Thành công nhận cho anh Phạm Văn Hiệp là công dân đầu tiên của Việt Nam chuyển giới từ anh thành chị Phạm Lê Quỳnh Trâm là trái luật nên đã thu hồi. Ông đánh giá như thế nào về việc thu hồi này?
Theo quy định của Nghị định 88 và Thông tư 29 về xác định lại giới tính thì chỉ những đơn vị có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân lực (bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm về lĩnh vực xác định lại giới tính) được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép thì mới đủ thẩm quyền xác định lại giới tính.
Người muốn thay đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc ngược lại phải đi khám và điều trị tại các cơ sở được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép trên. Sau đó sẽ được các cơ sở này cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính. Khi có giấy xác định lại giới tính này rồi UBND cấp huyện mới đủ điều kiện để điều chỉnh lại giới tính cho người đó.
Trường hợp “anh” Phạm Văn Hiệp ở Bình Phước đến nay Vụ Pháp chế - Bộ Y tế không có hồ sơ cụ thể. Tuy nhiên, qua phản ánh của các thông tin đại chúng thì cơ sở khám chữa bệnh xác định lại giới tính cho trường hợp này chưa được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép nên việc thu hồi quyết định chuyển giới là phù hợp với quy định của pháp luật.
Xin ông cho biết cơ sở khám chữa bệnh ở nước ta nào được phép xác định lại giới tính?
Hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ thầm quyền xác định lại giới tính.
Nghị định 88 ra đời từ năm 2008 và Thông tư 29 ra đời từ năm 2010. Vậy tại sao đến giờ vẫn chưa có cơ sở nào đủ điều kiện xác định lại giới tính?
Việc đề nghị được thực hiện dịch vụ xác định lại giới tính là do chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị nên Bộ hoặc Sở chưa thể cấp giấy đủ điều kiện xác định lại giới tính.
Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội Bộ Y tế xác định đây là nhu cầu chính đáng của người có nguyện vọng xác định lại giới tính. Do đó, Vụ Pháp chế và Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã thảo luận và thống nhất trình lên lãnh đạo Bộ Y tế chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực … để thực hiện việc xác định lại giới tính. Phía Bắc có BV Hữu nghị Việt Đức, BV Nhi trung ương. Phía Nam có BV Nhi đồng 2. Dự kiến trong 3-4 tháng tới, các BV sẽ chuẩn bị xong để sớm cung cấp dịch vụ này cho người dân.
Những trường hợp nào sẽ đủ điều kiện để các BV trên xác định giới tính thưa ông?
Theo quy định của Nghị định 88, những người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa thể phân biệt được là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể sẽ được xác định lại giới tính. Người muốn thay đổi lại giới tính phải đi khám và điều trị tại một trong những cơ sở mà Bộ Y tế chỉ định trên, sau khi đã có can thiệp y tế các BV này sẽ cấp giấy chứng nhận lại giới tính và đây là căn cứ để đăng ký hộ tịch.
Với người đã hoàn thiện về giới tính thì nghiêm cấm việc chuyển giới.
Với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa thể phân biệt được là nam hay nữ đã đi chuyển giới ở nước ngoài thì họ có được cấp giấy xác định lại giới tính không thưa ông?
Những trường hợp điều trị tại nước ngoài phải qua các BV đủ thẩm quyền trên để kiểm tra lại. Sau khi kiểm tra nếu việc xác định lại giới tính ở nước ngoài là hợp pháp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính.
Thưa ông, trường hợp của “cô giáo” Phạm Lê Quỳnh Trâm ở Bình Phước sẽ giải quyết như thế nào?
Trường hợp này "cô giáo" Trâm có thể liên hệ Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, từ đó chúng tôi sẽ chỉ định một BV phía Nam để khám và xác định lại giới tính. Nếu đủ điều kiện BV đó sẽ cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính. Và "cô giáo" Trâm sẽ đến UBND huyện nơi cư trú để điều chỉnh hộ tịch theo quy định và nguyện vọng của mình.
Xin cảm ơn ông!