Ngõ Hà Nội khác nhiều so với ngõ ở những thành phố khác. Và tất nhiên, ở Hà Nội không phải con ngõ nào cũng giống nhau.
Ngõ chật
Chật đến nỗi, người béo béo mà đi vào thì chỉ có cách là... đi nghiêng. Còn hai người một đi ra một đi vào muốn tránh nhau giữa ngõ thì... không thể. Bởi cái ngõ 14 Ngõ Gạch này chỉ vỏn vẹn chưa đầy 50 phân (cm).
Gần cuối ngõ, bà Nguyễn Thị Nga, người làm dâu con ngõ này hơn ba chục năm đang nấu bếp. Ngõ chật đương nhiên bếp phải chật, nhưng thật khó tưởng tượng, bà Nga vẫn xoay xở được trong cái bếp hẹp y như cái ngõ nhà bà. Mấy cái bếp than tổ ong xếp thành hàng dọc chạy theo mép tường, tôi len vào chụp ảnh, quay ngược người trở ra, chới với suýt lộn cổ vào nồi chảo trên bếp.
Ngõ nhỏ, nhà chật quá, nên chả bao giờ con cái bà Nga dám mời bạn bè về nhà chơi. Một phần vì... ngượng, một phần bạn bè kéo đến, nhà chật không biết ngồi vào đâu.
Cuối ngõ là bốn gian nhà tắm kiêm nhà vệ sinh xinh xinh. Mỗi hộ có một cái khóa, dùng mở - xong khóa. Ấy cũng là mới có thôi, chứ lúc trước, có mà tắm lộ thiên ở đoạn góc cua của ngõ ấy. Bà Nga nhễ nhại mồ hôi, tả xung hữu đột trong cái bếp quái dị bậc nhất Hà Thành, bởi nó chỉ là một hình chữ nhật chiều rộng có 40 phân, chiều dài hơn 1m.
Mẹ chồng bà Nga đã 84 tuổi, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của con ngõ này. Nhưng cụ bà vừa phải đi "sơ tán" vì... nóng quá. Những ngày Hà Nội "rót lửa", căn phòng 10m2 "rang" mấy người nhà bà Nga đến trầy tróc cả lưng vì sàn nhà bỏng rẫy. Nhưng vẫn phải ở vì còn biết đi đâu. Gửi được bà cụ đã là tốt lắm rồi.
Tôi leo lên căn gác nhà bà Nga. Khoảng 8 hộ gia đình hiện còn cùng nhau chung sống trong con ngõ này và cùng chịu chung cảnh chật. Chật từ con ngõ đến căn hộ. Tường ngăn giữa nhà bà Nga và nhà hàng xóm là một tấm... liếp.
Bà Nga cứ tủm tỉm cười khi tôi bảo: Cách nhau "bức vách" siêu mỏng như thế này, nhà mình mà làm gì, nhà hàng xóm biết cả nhỉ? Ngăn nhau bằng liếp nên có muốn, cũng không thể lắp điều hòa. Chẳng lẽ lại treo điều hòa vào cái liếp. Có mấy chục phân bức tường phía trên cửa sổ nhìn xuống ngõ, nhưng sờ vào là vữa vụn ra lả tả, cũng chẳng dám treo điều hòa lên.
Ngõ 80 phố Đồng Xuân, Hà Nội.
Ngõ chật quá, nên chuyện giải quyết người chết cũng phiền. Ngày xa xưa, còn có một cái lỗ trên tầng hai, có người chết thì bó lại rồi cho trượt theo tấm liếp đẩy xuống tầng một. Bây giờ thì người ta xây lấp cái lỗ đấy lại rồi. Người chết chỉ còn cách là phải ra khỏi nhà, ra khỏi ngõ mới được phép... chết.
Nếu lỡ chết trước khi ra khỏi ngõ, thì người nhà phải tức tốc cõng xác chết ra nhà tang lễ Phùng Hưng, hay nhà xác bệnh viện. Ở đấy mới cho nhập quan được. Chứ ngõ hẹp quá, quan tài không vào không ra được. Giường tủ, bàn ghế, muốn đưa vào thì còn có cách là tháo rời ra, rồi lại ghép vào, chứ quan tài không tháo ra lắp vào được vì người ta kiêng.
Ngõ sâu
So với những con ngõ vừa hẹp, vừa sâu, vừa tối, ở khu vực phố cổ Hà Nội thì ngõ 25 Hàng Buồm vào hàng "top ten". Nó chiếm luôn cả ba yếu tố: hẹp, sâu, tối. Vào ngõ, tôi phải lần mò. Vịn tay vào tường, tôi đi từng bước một, lò dò như đứa trẻ mới tập đi. Vậy mà vẫn bước hụt hai lần.
Sinh hoạt trong ngõ nhỏ của người dân phố cổ.
Ngõ có tam cấp nguyên trước đây là gian nhà kho của người Tàu. Họ rút đi, những người công nhân Hà Nội mới đến ngăn ra thành từng phòng nhỏ. Ba cấp nhà trước đây cao, sau nhiều thời gian, thành cấp nhỏ, độ chênh lệch không cao lắm nhưng cũng đủ khiến người lần đầu vào ngõ bước hụt.
Vừa lần tường vừa đếm đến bước thứ 89 thì tôi không thể tập trung đếm được nữa vì sợ ngã. Lúc này, tôi phải tập trung hết tâm trí vào việc rà rà chân trước khi đặt cả bàn chân xuống. Lần đầu tiên tôi bước đi trong một con ngõ giữa thủ đô mà lại vất vả và căng thẳng đến thế. Ấy là bây giờ, nó đã được ngăn lại, chứ trước đây, nó còn dài xuyên sang tới cả phố Đào Duy Từ.
Bà Phạm Kim Hảo, kiều nữ nhà cụ Khôi Ký, giàu sang danh giá bậc nhất Hà Thành khi xưa, nổi tiếng bởi nghề buôn kim cương tiếp chuyện tôi ở trước cửa số nhà 25. Số nhà này là một cửa hàng bán quần áo thời trang. Ngoài hè là một hàng ăn, ngoài nữa, sát ngoài đường, là tiệm sửa xe đạp - cũng... tam cấp y như con ngõ của họ.
Bà Hảo cười khi tôi than thở về hành trình "thám hiểm" con ngõ. Bà bảo: Cô chưa quen, chứ trẻ con ngõ tôi, chúng nó chạy rầm rầm, có ngã đâu. Phố nhỏ, hè ngỏ, ngõ nhỏ, vỉa hè người lớn buôn bán, trẻ con phải "rút" vào chơi trong ngõ. Vừa hẹp vừa sâu vừa tối, mà chúng nó vẫn chơi, vẫn lớn. Hỏi chuyện cãi vã trong ngõ, bà Hảo bảo con người mà, cũng có khi không bằng lòng về nhau.
Nhưng ngõ hẹp thế kia, phải "giáp lá cà", gặp nhau suốt, nên không thể giận lâu. Người trong ngõ, ban ngày sống cả ngoài đường, tối đêm mới về, đặt lưng ngủ vài tiếng, sớm mai lại "bươn" ra đường kiếm sống, lâu dần cũng thành quen, không thấy phiền lắm.
Ngõ thấp
Chẳng phải chỉ có con ngõ 80 Đồng Xuân mới thấp đến như thế. Gọi là ngõ, nhưng thực ra, nó là lối dẫn vào những hộ gia đình sống trong số nhà 80 thành ngõ. Tôi bước vào ngõ, giơ một cánh tay lên, chạm tới trần luôn.
Anh Hùng, một người sống trong ngõ than phiền: Trước đây, ngõ không chật và thấp như thế này. Người ta xây sửa, cứ nới ra. Thành ra ngõ hẹp. Còn ngõ thấp là vì người ta làm gác xép. Các hộ gia đình đi ra đi vào phải đi phía dưới gác xép của căn nhà bên ngoài. "Ngõ của chúng tôi bây giờ, cái cáng cấp cứu không lọt, người cao cao một chút vào ngõ thì phải cúi. Kiến nghị nhiều lần rồi mà vẫn thấy chính quyền... im re. Nói dại có hỏa hoạn, thì những người trong ngõ rất khó thoát thân" - anh Hùng thở dài.
Số 25 Hàng Buồm, Hà Nội vừa sâu vừa tối và thấp.
Tôi lại đi qua con ngõ 30 Đồng Xuân, cụ bà 87 tuổi ngồi bán vàng hương. Nụ cười móm mém đưa chuyện: Ngõ này sáu chục phân là hạnh phúc lắm rồi. Rộng chán so với bao nhiêu ngõ khác ở quanh cái chợ Đồng Xuân này.
Quả thật, không thể đếm xuể những con ngõ hẹp, sâu, tối ở Hà Nội. Những con ngõ không được mang những cái tên riêng mĩ miều như Tạm Thương, Thổ Quan, Cấm Chỉ... mà chỉ được mang tên theo số của căn nhà mặt đường. Những ngõ 22 Hàng Cân, 43 Hàng Đường, ngõ 13, 78 Đồng Xuân, ngõ 22 Hàng Vải, 23 Hàng Giấy... ôi chao, rất hẹp, rất dài, và rất sâu...!