Nghịch lý phải chi 8.000 tỷ đồng cho 100.000 cán bộ “về vườn”

Tinh giản biên chế với 100.000 người đồng nghĩa với việc Nhà nước phải mất 8.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ việc thiếu chặt chẽ khi tuyển cán bộ...

Bộ Nội vụ dự kiến trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, 20% còn lại là giải quyết thôi việc. Dự kiến kinh phí bình quân 1 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, 1 người thôi việc là 90 triệu đồng. Như vậy, trong 6 năm, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên sẽ hết khoảng 8.000 tỷ đồng.

Cũng theo dự thảo tờ trình, đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55 - 58 tuổi đối với nam, 50 - 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Những đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phận khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh 3 tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm. Còn những người thôi việc, ngoài được 3 tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để bộ máy làm việc được tốt và đỡ tốn tiền của dân, của Nhà nước, cần phải cương quyết vấn đề rà soát và tinh giản những cán bộ không đáp ứng được tiêu chuẩn của công việc đảm nhiệm.

"Theo tôi, chúng ta cần bố trí những người có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng vị trí, chứ không thể tuyển ồ ạt, anh học chuyên môn gì, sẽ được bố trí với đúng chuyên ngành, chuyên ngành của anh đã được đào tạo. Như vậy công việc sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như người học chuyên ngành luật thì phải được bố trí làm công việc liên quan đến tư pháp...", bà Khá nói.

Cũng theo bà Khá, đối với những người không được bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo, làm việc không hiệu quả, trình độ không đạt tiêu chuẩn, gần với tuổi nghỉ hưu nên khuyến khích họ nghỉ hưu sớm. Đối với những cán bộ làm việc không tốt, người dân phản ánh thường có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân thì phải cương quyết buộc thôi việc. Có như vậy thì việc tinh giản biên chế sẽ thực sự hiệu quả mà công việc của công chức sẽ tốt hơn.

Cùng trao đổi với PV, GS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng việc cán bộ hiện nay rất hạn chế về tin học. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Nhà nước đã bỏ ra hơn 165 tỷ đồng để biên soạn tài liệu, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ xã, phường và theo đề án của bộ Nội vụ trước đây thì mỗi năm sẽ có khoảng 100. 000 cán bộ xã phường được cử đi học tập, bồi dưỡng. Rõ ràng chúng ta phải xem lại số tiền này đã được sử dụng ra sao? Số cán bộ, công chức xã đã được qua đào tạo thực tế là bao nhiêu? Nội dung đào tạo có thiết thực hay không. Theo quy định thì biên chế cán bộ, công chức cấp xã phường là 23 - 25 người. Nhân lên cho khoảng 11.000 xã phường hiện sẽ có con số là khoảng trên 253.000 người.

"Con số cán bộ hiện nay là quá lớn, vì vậy cần có sự rà soát, kiểm tra toàn diện để xử lý những cán bộ "sáng vác ô đi, tối vác ô về", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.