Nghỉ Tết 9 ngày, "khổ nhục" vì nhà chồng?

Nghe xong cái tin chốt phương án nghỉ Tết, chị Ngọc thở hổn hà hổn hển: “Thôi chết tao rồi chúng mày ơi, nghỉ Tết 9 ngày ấy, phen này khổ nhục vì nhà chồng".

Hoảng quá, được nghỉ Tết những 9 ngày

Thói đời lắm cái lạ. Làm việc cả năm, ai cũng mong được nghỉ Tết dài dài để về quê ăn Tết cho vui vẻ, sum vầy nhưng lại có những người sợ nghỉ Tết như sợ cái gì đó ghê gớm lắm. Nhiều người còn biểu quyết, chỉ nên nghỉ Tết 2-3 ngày, cho qua ngày mùng 1-2 là được.

Thật ra, chuyện gì thì cũng có nguyên nhân của nó. Thú thực, chẳng ai đi làm mà không muốn được nghỉ ngơi. Nhưng quan trọng những ngày nghỉ đó mình sẽ làm gì, chơi gì, ăn gì, ở đâu. Đó mới là vấn đề. Chứ chưa chắc nghỉ đã được chơi, đã được nghỉ theo đúng nghĩa. Có những người, với họ, ngày nghỉ còn vất vả hơn ngày thường. Như trường hợp của bà chị cùng cơ quan tôi thì thấy rõ.

Hôm nay, nghe xong cái tin chốt phương án nghỉ Tết 9 ngày, chi Ngọc cơ quan tôi thở hổn hà hổn hển: “Thôi chết tao rồi chúng mày ơi, nghỉ Tết 9 ngày ấy, phen này khổ nhục vì nhà chồng”. À thì ra chị sợ cái nhà chồng chứ chẳng phải chị không mong nghỉ. Nghe vậy còn có lý, chứ có ai không mong nghỉ nhiều mà vẫn có lương.

Con dâu sợ về nhà chồng

Chị ngồi cả sáng chỉ để than vãn cái sự ‘khổ nhục’ vì 9 ngày phải ở nhà chồng. Chị bảo, lấy chồng xa không phải năm nào cũng được về quê ăn Tết. Mà con dâu giờ phải ăn Tết ở nhà chồng. Khi lấy chồng, chị chỉ sự duy nhất điều này. Nhưng chẳng ngờ, về nhà chồng, chị còn gặp phải bà mẹ chồng tai quái, nghĩ mà sợ phát khiếp luôn. Mẹ chồng chị khó tính, soi mói, tính toán từng tí một. Hễ chị có đi chợ mua đồ quá tay thì y như rằng, chị bị cho là hoang phí, không biết nghĩ cho nhà chồng. Hễ chị có cãi, mà không hẳn là cãi, chỉ là lý luận thì lập tức cũng bị cho là láo toét, con dâu đâu mà cãi mẹ chồng sang sảng.

Chị nghĩ tới cảnh dâu trưởng nhưng cứ về nhà chồng là phải lao vào làm lụng, rửa bát, sắp bữa, mà cỗ Tết thì có dễ làm đâu. Chị đau đầu mệt mỏi vì chuyện này mấy năm nay rồi. Và năm nào cũng như năm nào, cứ đến Tết là chị sợ.

Chị lo vợ chồng chị sẽ mâu thuẫn vì chuyện nhà chồng. Nhà chồng và nhà mẹ đẻ xa nhau, cứ Tết đến chị phải về nhà chồng ăn uống, rồi phải ở hết Tết mới được lên. Xin về nhà mẹ đẻ thì quá khó, có chăng cũng chỉ tranh thủ về trong ngày chúc Tết mà thôi. Nghĩ lại cảnh tượng ấy mà chị thấy hãi hùng.

Cỗ bàn dọn ra, chị dọn, bát đĩa ăn xong, chị rửa, tất tần tật từ liên hoan bạn bè của chồng, của nhà chồng đều một tay chị. Vì chị vốn là người không ở gần bố mẹ chồng nên được coi là nhàn hạ hơn, phải làm nhiều hơn các em ở nhà. Tính ra thì đúng là chị không ở nhà chồng thật vì hai vợ chồng lập nghiệp trên thành phố. Nhưng không ở mới khổ, về nhà chẳng được tự nhiên như nhà mình. Không ở thì hàng tháng chị cũng vẫn phải về cho đúng thủ tục đó thôi.

Mẹ chồng chị còn cấm không cho chị về nhà mẹ đẻ nhiều, vì sợ như thế cháu chắt sẽ bị quen ông bà ngoại, rồi lên không nghe lời nhà nội, lại sinh hư. Mẹ chồng chị thì lắm lý lẽ lắm, lắm thủ tục lắm, nhiều khi nghĩ mệt người. Người ta có được ngày nghỉ đúng nghĩa nhưng chị thì ngày nghỉ khố gấp trăm lần ngày thường.

Nghe chị nói đúng là cũng có lý. Gái lớn lấy chồng, có chồng rồi mọi thứ đam mê tắt hết, nhất là với gia đình nhà mình, giờ mình giống như là khách. (ảnh minh họa)

Đi lấy chồng, chị chỉ ước như ngày còn độc thân. Tối 30 sum vầy bên gia đình, cùng ăn bánh chưng, đón giao thừa. Rồi ngày mùng 1 ngủ nướng hoặc đậy đón khách tới nhà chúc Tết vì bố chị là con trưởng. Lại còn các ngày khác thì tha hồ bù khú, chơi bời bạn bè, cháu chắt, thích ăn lúc nào, thích ngủ lúc nào thì ngủ. Nghĩ lại là chị thấy thèm.

Nghe chị nói đúng là cũng có lý. Gái lớn lấy chồng, có chồng rồi mọi thứ đam mê tắt hết, nhất là với gia đình nhà mình, giờ mình giống như là khách. Nghĩ vậy tôi lại thoáng thấy sợ lấy chồng, sợ lại giống như chị, mỗi Tết lại nhớ mẹ rưng rưng.

Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Tương tác bạn đọc. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư:  banbientap@xahoi.com.vn.