Chuyện từ cô giáo đặc biệt của trẻ mồ côi
Tình cờ trong một lần ghé thăm Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An, tôi đã rất ấn tượng với cách dạy học của một cô gái đặc biệt. Đó là Nguyễn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1989), quê ở thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) - nhân viên y tế ở đây.
Vào buổi tối, khi mọi người quây quần bên nhau, Hằng lại bắt đầu một công việc khác. Cô dạy học cho các em nhỏ trong trung tâm. Nhìn Hằng vui vẻ, ít ai biết rằng cô cũng đã một lần từ cõi chết trở về.
Vụ tai nạn bất ngờ
Mùa tuyển sinh đại học năm 2007, Hằng thi đậu vào khoa Công nghệ sinh học - đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào khoảng 8h ngày 28/4/2010, khi đang là sinh viên năm thứ 3, trong lúc Hằng cùng các bạn lên phòng thí nghiệm đại học Lâm nghiệp thực hành thì xảy một vụ hỏa hoạn.
Thấy phòng bên cạnh khói bốc lên nghi ngút, cô lao vào kéo bạn ra khỏi đám cháy, đúng lúc đó các bình thủy tinh đựng hóa chất trong phòng thí nghiệm cũng nổ tung tóe, cộng với khói tỏa dày đặc, Hằng không thể nhìn thấy đường ra cửa.
Cô đã dùng chiếc bình cứu hỏa đập mạnh lên cửa kính, ôm bạn nhảy ra ngoài thoát thân. Khi Hằng tỉnh lại, mọi người giấu cô và nói rằng, bạn cô khỏe hơn nên đã xuất viện trước.
Nhưng kỳ thực, khi Hằng ra trường thì biết là bạn cô đã không thể qua khỏi vụ tai nạn. "Chúng em ôm nhau nhảy từ cửa kính tầng 2 phòng thí nghiệm xuống đất. Trong khi bạn em sức khỏe thường ngày cũng đã yếu, khói cháy làm bạn ấy đã bị ngạt" - Hằng nói.
Về phần Hằng, vụ tai nạn đã làm cô bỏng trên 80%, phải điều trị gần một năm tại bệnh viện Bỏng quốc gia. Sau những chuỗi ngày tháng nằm điều trị đau đớn do bị bỏng sâu hoắm, cô còn phải chịu đựng thêm 15 lần mổ để các bác sĩ ghép lại phần da bị bỏng.
Chi phí cho cả đợt điều trị kéo dài dai dẳng, cho đến khi Hằng khỏe lại, số tiền lên đến gần một tỷ đồng. Đã có những lúc Hằng nghĩ đến cái chết, như một sự giải thoát nhưng rồi em nghĩ đến bố mẹ mà quên đi đau đớn để vượt qua tất cả.
“Em thấy mình cần phải sống, để bù đắp sự hy sinh của bố mẹ và sự mong mỏi, động viên của bạn bè, người thân”, Hằng tâm sự.
Nghị lực phi thường
Cuối năm 2010, khi vết thương đã dần bình phục, nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô và bạn bè ở đại học Lâm nghiệp, Nguyễn Thị Thúy Hằng lại tiếp tục thực hiện ước mơ giảng đường bằng chiếc máy tính xách tay do một nhà hảo tâm trao tặng.
Hàng ngày, dù nằm trên giường bệnh nhưng thông qua mạng internet, Hằng đã học và trả bài qua mail cho thầy cô để theo kịp kiến thức chương trình học còn dang dở.
Tháng 6/2011, Hằng tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Ngày đó, Hằng như một tấm gương vượt qua hoàn cảnh, đã chiến thắng số phận, chiến thắng bản thân. Và có lẽ, người vui nhất không ai khác chính là bố mẹ Hằng.
Ngày Hằng nhận bằng tốt nghiệp, nước mắt bố mẹ đã rơi vì sự cố gắng của con gái. Thế nhưng, gần 2 năm cầm tấm bằng loại giỏi của mình gõ cửa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, Hằng chỉ nhận được những sự im lặng đằng đẵng hay những cái lắc đầu.
Mãi đến tháng 4/2013, cơ duyên đã đưa Hằng gặp được ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An. Nhờ sự bao dung, độ lượng của ông Thực, cuộc đời đau khổ của Hằng đã bước sang một bước ngoặt mới.
Công việc hiện nay của Nguyễn Thị Thúy Hằng là làm ở phòng y tế của trung tâm, chăm lo sức khỏe cho trẻ bị đau ốm. Ngoài ra, Hằng còn tham gia sản xuất, đóng gói hương thẻ để trung tâm bán ra thị trường.
Những buổi tối, Hằng trở thành cô giáo, hướng dẫn trẻ em mồ côi trong trung tâm học bài. Ngoài ra, Hằng còn cho biết, cô đang hạnh phúc với tình yêu vừa chớm của đời mình, một tình yêu đích thực sẽ đưa đời em đến với ngã rẽ mới.