Cô bảo mẫu đưa sữa cho em uống, theo thói quen em đón lấy rồi nằm xoãi ra đưa bình sữa vào miệng, tay kia yếu ớt nắm giữ bình sữa lúc nào cũng sẵn sàng rơi tuột.
Cậu bé tên là Nguyễn Văn Phúc, năm nay tròn 2 tuổi, cũng bị bố mẹ bỏ rơi hơn 1 năm về trước. Phúc không có đôi tay bình thường. Tay phải bị cụt bẩm sinh tới tận vai, còn tay trái thì ngắn cong queo và các ngón dính lại vào nhau. Dường như sớm hiểu những dị tật khác lạ trên cơ thể của mình, nên Phúc rất ít nói.
“Suốt ngày Phúc chỉ ngồi một chỗ trong cái cũi của mình, lầm lũi chứ không nghịch ngợm, hiếu động như mấy em khác. Phúc biết nói rồi, nhưng rất ít nói. Tuy đôi tay không bình thường, nhưng Phúc vẫn cầm nắm, tự thân vận động tốt lắm”, chị Nhạn kể với tôi.
Khi các cô bảo mẫu đưa sữa cho Phúc uống, em đón lấy bằng cánh tay trái không lành lặn của mình rồi kẹp vào người. Em nằm ngửa xuống cái cũi, đưa bình sữa vào miệng uống ngon lành. Vừa uống sữa em vừa đưa mắt nhìn chúng tôi chụp những bức ảnh, ánh mắt không biểu lộ một điều gì. Vui mừng. Sợ hãi. Thích thú. Ghét bỏ. Những cảm giác thường thấy ở những đứa trẻ non nớt nhưng tuyệt nhiên không thấy ở em.
Sau khi uống sữa, Phúc bỗng “biểu diễn” cho chúng tôi thấy một khả năng kỳ lạ, dùng đôi chân để ăn bim bim. Những ngón chân của Phúc thuần thục hơn cả đôi tay, đón lấy những chiếc bim bim trong gói bánh rồi đưa vào miệng ăn ngon lành. Thấy Phúc ăn bằng đôi chân, chúng tôi lại được thêm một phen trào nước mắt.
Bản năng sinh tồn của con người thật kỳ lạ. Một cậu bé mới 2 tuổi đã phải dùng đôi chân để thay cho đôi tay bị khiếm khuyết là bản năng sinh tồn, nhưng cái cách để em sinh tồn nó làm nhiều người trong chúng tôi thấy xót xa quá.
Chị Nhạn lại kể cho chúng tôi, khi mới hơn 1 tuổi thì mẹ bé đem bỏ bé tại cổng của trung tâm. Thỉnh thoảng người mẹ ấy cũng quay lại thăm con, thăm một lúc rồi lại đi. “Người ta bảo là mẹ của bé Phúc cũng sống gần đây thôi. Người đàn bà đó nghe đâu cuộc đời cũng gian truân lắm, nên cái thằng Phúc này nó sinh ra dường như cũng nối tiếp cái khổ, cái cực của mẹ nó, thậm chí còn khổ hơn rất nhiều”, chị Nhạn bảo.
Nhìn Phúc, tôi lại liên tưởng đến anh chàng “Nick Vujicic” từng làm truyền thông tốn nhiều giấy mực khi đến Việt Nam, thậm chí công ty mời “người hùng không chân tay” phải mất đến 32 tỷ để có được những bài diễn thuyết của một con người biết vượt qua số phận không may. Còn Phúc ở đây, nếu có được một hộp sữa, một cái bánh, một bữa cơm có đủ cá thịt thì cũng đã làm hạnh phúc lắm rồi.
Không có tay, bé Phúc ăn bim bim bằng chân, cánh tay yếu ớt còn lại cố gắng giữ chân và đầu phải cúi xuống. Với cách ăn như này rất dễ khiến em về sau bị còng lưng do thường xuyên cúi xuống
Ở trung tâm này, cậu bé Phúc chẳng được ai biết đến. Hay đúng hơn là những người đến trung tâm, có gặp em, có thương em được đôi chút rồi cũng sẽ không bao giờ quay trở lại. Tôi không lấy làm lạ khi những đứa bé ở trung tâm hễ thấy có khách là nhào đến, giơ đôi tay bé bỏng để mong được ôm, được bế. Những đứa trẻ luôn khao khát tình yêu thương. Tôi đoán là Phúc cũng thế. Nhưng Phúc không nhao đến để tìm sự yêu thương. Bởi Phúc không có tay, bởi Phúc phần nào tự hiểu được những sự khiếm khuyết của mình so với các bạn.
Lại so sánh Phúc với anh chàng Nick Vujicic. Phúc có may mắn hơn anh chàng Nick kia là vẫn còn đôi chân, để mà gắp bim bim, để mà tự tồn tại với cuộc đời tréo ngoe, đầy bi kịch của chính mình. Nhưng bi kịch của em là em luôn phải tự nỗ lực để sống, để vượt qua hoàn cảnh của mình. Sự nỗ lực trong cô độc, bởi bên em không một ai sẻ chia, không một ai hỗ trợ những khi vấp ngã.
Suốt ngày Phúc chỉ ngồi trong cũi để quan sát mọi việc xung quanh. Ánh mắt của em luôn buồn khi sớm nhận ra những nghịch cảnh của chính bản thân mình
Cô bạn Thanh Ngà đi cùng chúng tôi đã khóc tu tu khi nhìn cảnh Phúc dùng chân để ăn bim bim. Những ai đang nuôi con nhỏ, đang chăm con nhỏ đều sẽ khóc tu tu như Ngà mà thôi. Là con của mình, chỉ cần bị ngã nhẹ trầy xước da là ông bố bà mẹ nào cũng xót hết cả ruột. Thì thử hỏi không khóc sao được khi thấy cậu bé Phúc nếu ngã cũng chỉ biết chấp chới tìm cách đứng dậy. Đau mà không biết kêu ai, mà có kêu chăng nữa cũng không có ai bên cạnh để dỗ dành, tốt nhất là im lặng gánh chịu. Chao ôi, nghĩ đến đó là tôi cũng đã nghẹn lòng mà thương cho em.
Cô bé Hồng Mai sinh ra không có mắt thì làm sao để bước đi. Cậu bé Văn Phúc sinh ra đã không có tay, thì làm sao để bấu víu cuộc đời? Những câu hỏi xoay trong đầu của tôi mà không thể tìm lời giải đáp…
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Bé Nguyễn Văn Phúc, hiện đang được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh, Trung tâm chăm sóc người già và trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội