Vòng chung kết được tổ chức tại Pháp. Liên Xô vô địch sau khi đánh bại Nam Tư 2-1 trong trận chung kết tại Paris. Văn Hiệp bảo, cũng như nhiều người thuộc thế hệ già, xem bóng đá từ thời đất nước còn chiến tranh nên ông và nhiều người cùng trang lứa thích đội tuyển Liên Xô, có dịp được xem hay nghe qua đài phát thanh là cổ vũ như cho đội tuyển quốc gia.
Văn Hiệp kể vanh vách: "Trong trận chung kết, Nam Tư ghi bàn trước, nhưng Liên Xô, có trong đội hình thủ môn huyền thoại Lev Yashin, đã gỡ hòa. Sau 90 phút, tỷ số là 1-1 và hai đội phải bước vào đá hiệp phụ. Hiệp phụ thứ 2, Liên Xô ghi bàn và trở thành đội vô địch đầu tiên".
Trong hoàn cảnh lúc ấy, mỗi thắng lợi của Liên Xô trên bất cứ mặt trận gì, cả ở mặt trận thể thao đều được thông tin loan báo rộng rãi ở Việt Nam. Lúc đó, dù có là người hâm mộ bóng đá hay không, đều cảm thấy vui.
Văn Hiệp là một fan khá đặc biệt, thích ngồi xem một mình hơn là đông người, ông vừa xem vừa chiêm nghiệm.
Ông bảo vẫn thấy vui sướng khi đội bóng mình cỗ vũ chiến thắng, vẫn thấy phấn khích với mỗi đường lên bóng đẹp. Nhưng bây giờ xem Euro, Văn Hiệp không hò hét như xưa nữa, cùng lắm cũng chỉ xuýt xoa: "Già rồi, cảm xúc nó cũng lắng dần xuống, điềm tĩnh hơn ra, cái được mất hơn thua ngẫm ra âu cũng là điều bình thường".
Văn Hiệp thích xem bóng đá một mình
Đặc biệt, Văn Hiệp luôn coi bóng đá là một thứ nghệ thuật biểu diễn: "Sân cỏ chính là sân khấu, trên đó có 22 nghệ sỹ biểu diễn, và đó là một thứ nghệ thuật hấp dẫn, mê hoặc được người xem. Có hàng vạn khán giả đã bỏ rất nhiều tiền ra xem đấy thôi. Xét riêng về khía cạnh đó đã thấy rằng đó là một sân khấu trình diễn đỉnh cao. Tuy nhiên, có điều khác là kịch bản trong bóng đá thì không ai biết trước được, nếu biết trước được thì thành mua bán, cá độ rồi".
"Đã là nghệ thuật, thì đều giống nhau, đó là phải thành tâm. Cầu thủ trước khi vào sân không thể biết mình "diễn" thế nào cả. Chỉ vào sân mới biết mình làm gì với đôi chân và cảm hứng của mình. Đó là thứ Nghệ thuật của bản năng, anh không thể giả dối được".