GS Nguyễn Văn Hạnh- người đồng nghiệp thân thiết gần 50 năm nay của tôi, có lần phát biểu trong một buổi tọa đàm về giáo dục: “Nếu như trẻ lại và được chọn nghề, tôi lại chọn nghề dạy học”.
Ông bạn 80 tuổi của tôi vốn rất trung thực, cho đến nay vẫn giảng dạy, hướng dẫn luận án nhiệt tình, trách nhiệm, vì thế có thể tin đấy là kết quả của sự suy nghĩ chín chắn, sự trải nghiệm sâu sắc của ông.
Kể cũng lạ, cái nghề suốt năm suốt tháng gắn bó với bảng đen phấn trắng này đâu có được cơ chế ưu đãi. Tạp chí Thế giới mới số 961 (xuất bản ngày 21-11-2011) đã chỉ ra sự thật không vui: “Giáo dục đào tạo là 1 trong 9 ngành có thu nhập thấp hơn mức bình quân chung. Lương giáo viên phổ thông đứng dưới 18 ngành khác.
Lương giáo viên tiểu học thấp nhất trong tổng số 24 mã ngạch viên chức cùng loại B. Lương giáo sư thấp hơn 6 ngạch viên chức cao cấp cùng nhóm.
Trong tổng số 20 vạn giáo viên mầm non trên cả nước, chỉ có gần 8 vạn người trong biên chế có mức lương viên chức loại B, còn lại là giáo viên hợp đồng, không có hệ số lương ổn định, không có phụ cấp ưu đãi nghề dạy học, thu nhập rất thấp”. Toàn là những số liệu đáng báo động. Phải chăng vì thế mà dân gian có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?
Tôi suy nghĩ mãi, có phải những người được tôn vinh bằng danh hiệu mỹ miều “kỹ sư tâm hồn”, công việc họ đang theo đuổi từng được ca ngợi là nghề cao quý nhất trongnhững nghề cao quý, năng lực kém cỏi đến mức không thể xoay xở được một vị trí khác khả dĩ hơn?
Không phải! Các thầy giáo trẻ mới được phong chức danh khoa học năm nay - GS Nguyễn Quang Diệu trẻ nhất trong hàm GS (37 tuổi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1), PGS Phạm Hoàng Hiệp trẻ nhất trong hàm PGS (29 tuổi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1), đều bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở nước ngoài, được không ít nơi - cả trong và ngoài nước - hứa hẹn đãi ngộ trọng hậu, vậy mà các anh vẫn dứt khoát chọn nghề thầy ở trong nước, mức lương cứng hằng tháng 3-4 triệu đồng.
Ở Paris, tôi gặp Đỗ Văn Đại, một giảng viên trẻ, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ chuyên ngành luật, được mời làm việc tại Trường Đại học Paris 7, lương cao, mọi mặt ổn định. Thế nhưng, Đại vẫn đau đáu ý định về giảng dạy trong nước.
Trong buổi chia tay ở phi trường Charles De Gaulle, tôi hỏi Đại: “Cháu đã nghĩ kỹ chưa? Ngành đại học nước nhà rất cần những trí thức trẻ, giỏi như cháu nhưng đời sống sẽ vất vả đấy”. Đại trả lời ngay, rất dứt khoát: “Cháu biết. Mọi người chịu được, cháu cũng chịu được”. Tôi mừng vì hiện nay, Đỗ Văn Đại đang là một trong những giảng viên giỏi của Trường Đại học Luật TPHCM.
Ảnh: DUY ANH
Tôi cũng đã đem nỗi băn khoăn ấy trao đổi với nhiều đồng nghiệp các cấp. Câu trả lời của cô Phạm Thị Mỹ Lệ, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 5 - TPHCM), đã 21 năm tận tình chăm sóc lứa trẻ lên ba lên năm, khá dung dị: “Vất vả lắm nhưng vui lắm, thầy ơi. Chỉ nghe tiếng chào ríu rít của bọn trẻ mỗi sớm, chỉ nhìn ánh mắt trong veo của chúng khi nghe cô kể chuyện hoặc say sưa vỗ tay hát dưới sự hướng dẫn của cô là bao nhiêu mệt mỏi của giáo viên chúng em như tan biến hết. Càng vui hơn khi chúng em thường xuyên được những lời cám ơn thành thật của cha mẹ các cháu. Họ cám ơn vì con họ ngày càng hiểu biết, ngoan, khỏe, dễ thương hơn”.
Có lẽ đấy cũng là tâm trạng chung của 200.000 giáo viên mầm non, trong đó có hơn 60% chưa được vào biên chế, thậm chí có nơi như ở tỉnh Thanh Hóa, lương tháng chỉ có 300.000 đồng - 400.000 đồng. Họ thấy việc làm thầm lặng của mình thực sự có ích, lớp trẻ thơ ngây - những búp măng non tơ - dưới bàn tay chăm sóc chí tình của họ đang phát triển tốt đẹp từng ngày. Công đoạn đầu của sự nghiệp trồng người đã được các cô giáo mầm non thực hiện tốt đẹp như thế đấy.
Tôi đã chứng kiến cảnh các cháu lớp 4 ở một trường tiểu học, biết tin cô giáo bị bệnh, đã bàn nhau mỗi cháu xin cha mẹ hai quả trứng gà, góp lại để tặng cô. Hãy thử tưởng tượng: nhìn rổ trứng màu sắc khác nhau, to nhỏ khác nhau - biểu hiện của tình cảm chân thành, trong sáng của học trò 9, 10 tuổi - dù có thể buồn cười nhưng hẳn cô giáo như đã được uống một liều thuốc tăng lực rất hiệu nghiệm. Có những học trò như thế, làm sao cô giáo có thể bỏ nghề!
Có thể nói, tình mến thương, gắn bó với các thế hệ học trò khác nhau trong suốt những năm dài và ý thức trách nhiệm với sự thịnh suy của dân tộc là hai nguồn động lực tinh thần khiến biết bao người đã đến với sự nghiệp trồng người, rất tận tụy mà thầm lặng, thủy chung một cách khiêm nhường, rất ít khi có sự tính toán thiệt hơn, dù trong sự đãi ngộ, họ đang chịu nhiều thua thiệt.
Trao đổi với nhiều giảng viên đại học, tôi ngạc nhiên và vui sướng vì hiểu thêm một khát vọng cao đẹp khác: họ ưu tư, thậm chí lo lắng trước thực trạng tụt hậu - thực trạng chứ không còn là nguy cơ - của đất nước. Họ ý thức sâu sắc về tầm quan trọng mang tính chiến lược của việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài các mặt cho hiện tại và tương lai của dân tộc.
Chỉ với điều kiện tiên quyết ấy, nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cũng là tâm nguyện của bất cứ người Việt yêu nước nào, mới sớm trở thành hiện thực: Đất nước phát triển, hùng cường, có thể “sánh vai với cường quốc năm châu”. Mọi ngành, nghề phải góp sức vào mục tiêu cao cả này nhưng như một tất yếu lịch sử, trọng trách chủ yếu được đặt trong đôi quang gánh trên vai những người thầy bình dị của chúng ta.