Ngày thứ 9 xét xử vụ bầu Kiên: Luật sư liên tục bị dừng bào chữa

Hôm nay (29/5) phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bước sang ngày thứ 9, tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

17h50: Hội đồng xét xử thông báo phiên xét xử hôm nay. Ngày mai Tòa tiếp tục làm việc.

17h40: Bị cáo Kiên cho rằng, ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm về số tiền 718 tỷ. Kiên đặt vấn đề, tại sao ngân hàng Vietinbank không chịu trách nhiệm về việc làm của nhân viên mình. Theo dẫn chứng của bị cáo, theo một số văn bản pháp luật không bắt buộc người gửi phải đến ngân hàng để thực hiện làm tài khoản.

"Tôi làm đơn mong muốn Vietinbank phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Vietinbank không dám chịu trách nhiệm trước việc làm của nhân viên mình. Tiền đã được vào tài khoản của Vietinbank. Thời điểm đó không bắt buộc việc gửi tiền phải đến ngân hàng. Người gửi tiền nếu không đến được ngân hàng thì có thể dùng các biện pháp khác. Không có quy định nào bắt buộc người gửi tiền phải đến ngân hàng gửi tiền"- bị cáo Kiên nói.

Theo bị cáo Kiên: "Có nhầm lẫn cơ bản trong việc đánh giá, Vietinbank đã từ chối trách nhiệm của mình. Vietinbank đã sử dụng tiền đó vào các hoạt động kinh doanh khác của mình. Nó không liên quan đến việc huyền như lừa đảo chiếm đoạt. hai hành vi là rất khác nhau".

Tại phần nói ở cuối ngày xét xử, bầu Kiên cho rằng mình vô tội: “Tôi không nói nhân thân vì không cần thiết (vì tôi vô tội). Tôi đã bị xây dựng một hình ảnh trong xã hội là một kẻ trọng tội trong khi tôi không chiếm đoạt tiền của ai… Tôi đang đứng trước một bản án nặng nề. Tôi khẳng định trước HĐXX không làm bất kỳ điều gì phạm pháp luật”.

17h30: Đối với hành vi ủy thác tiền gửi, bị cáo Kiên xác nhận có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 bàn về việc ủy thác tiền gửi. Kiên nói chỉ tham gia cuối cuộc họp. Cho nên bị cáo nói rằng, không liên quan gì đến việc bàn chuyện ủy thác gửi tiền của thường trực HĐQT.

Bị cáo Kiên nói, không biết nội dung việc Hải trình về việc ủy thác tiền gửi. Khi lấy ý kiến HĐQT, ông Trần Xuân Giá không lấy ý kiến của Kiên về việc ủy thác. 

Theo bị cáo Kiên, đối với vấn đề thiệt hại của ACB, trong thực hiện ủy thác gửi tiền thì tổng thu 1.800 tỷ đồng, nếu trừ đi khoản tiền khoảng 718 tỷ bị mất thì vẫn không gây ra thiệt hại nào của ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB không có vốn của Nhà nước, việc mất tiền không làm thiệt hại cho cổ đông, người dân. Nếu có chăng thì chỉ là giảm cổ tức của cổ đông. Cho nên Ngân hàng ACB vẫn không bị thiệt hại nào kể cả việc ngân hàng Vietinbank không trả tiền.

17h20: Bị cáo Kiên khẳng định không có bất cứ mối quan hệ nào trong việc đầu tư cổ phiếu của ngân hàng ACB liên quan đến ACBS. 

Đối với việc cung cấp liên ngân hàng giữa ACB và Kienlongbank và Vietbank không phải mới thực hiện từ năm 2009-2010 vì ACB được NHNN phê chuẩn là cổ đông chiến lược của hai ngân hàng này.

Bản luận tội trong cáo trạng: Vì phát sinh các khoản lỗ do hành vi đầu tư cổ phiếu. Kiện nói rằng, không có bất kỳ căn cứ nào để nói về khoản lỗ của ACBS. "Cách tính thiệt hại của ACB vô lý đến kinh ngạc" bị cáo Kiên nói.

Tiền của ACB không sử dụng được thì phải trả lại cho người dân, việc gửi tiền liên ngân hàng đưa lại cho ACB khoản thu lớn. ACB không chỉ liên hệ với hai ngân hàng này mà còn với nhiều ngân hàng khác. Lúc lớn nhất lên đến 70.000 tỷ đồng. Các tính khoản lỗ này của cáo trạng, bị cáo Kiên bảo là rất phi lý.

17h15: Trình bày về hành vi bị truy tố về việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên nhắc lại việc không bàn về việc mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Bị cáo tiếp tục khẳng định không có chỉ đạo trong việc mua cổ phiếu ACB. Việc mua cổ phiếu ACB là chủ trương của Kiên nhưng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty ACI.

Khi hợp tác kinh doanh giữa Công ty Chứng khoán ACBS với ACI và ACI-HN, trong Hợp đồng hợp tác không có dòng nào nói về việc mua cổ phiếu ACB. 

Trong hợp đồng có điều khoản, cổ phiếu của ai thì cuối năm phải xác nhận văn bản. Còn hợp tác là hỗ trợ vốn. Không có văn bản nào xác nhận cổ phiếu của ACB thuộc ACBS.

17h00: Theo Kiên, việc thành lập Hội đồng Sáng lập được các cổ đông thông qua. Hội đồng sáng lập không trái với quy định của pháp luật không trái quy định của ACB. Hội đồng Sáng lập được tham gia vào tất cả các cuộc họp, nêu ý kiến tại cuộc họp HĐQT nhưng không được đưa ra quyết định cuối cùng.

Kiên trình bày vấn đề này vì rằng đang bị cáo buộc gây áp lực trong việc chỉ đạo của HĐQT. 

Kiên nhắc lại việc mình từng giao nhiệm vụ cho bị cáo Lý Xuân Hải khi đưa Hải về làm CEO của Ngân hàng ACB là phải hành động vì lợi ích của ACB chứ không phải với bất kỳ của ai.

Kiên cho rằng, trong cổ phần của ACB, Kiên không phải là người chiếm nhiều cổ phần nhất nên không thể là người quyết định mọi phán quyết của ACB.

16h55: Nói về sai sót trong hợp đồng mua bán cổ phiếu, Kiên nói sai sót ở đây là của một số thành viên của Tập đoàn Hòa Phát. Bị cáo Yến và Thanh có sai sót nhưng không phải là để lừa đảo bất kỳ ai.

Kiên cũng nói rằng đã đề ra hai phương hướng giải quyết về số cổ phiếu bị phong tỏa nhưng không được chấp nhận.

Đối với hành vi cố ý làm trái, Kiên xin dành nhiều thời gian để nói về điều này với tư cách là một bị cáo trong một vụ án và một chuyên gia trong lĩnh vực này.

16h45: Bầu Kiên tiếp tục được trình bày về hành vi lừa đảo. 

Bị cáo Kiên nói: Bị cáo không có ý thức chiếm đoạt. Kiên nhắc lại việc chỉ đạo nhân viên để lại một số tiền trong tài khoản ở Ngân hàng ACB. Điều này hoan toàn khác đối với việc Kiên có ý thức chiếm đoạt tiền. Số tiền 264 tỷ khi về tài khoản đã về tài khoản của công ty và sử dụng với mục đích của công ty. Công ty tạm ứng cho Kiên và phải làm văn bản để Kiên phục vụ mục đích kinh doanh không giống như luận tội của VKS.

Kiên nói rằng, Kiên điều hành hàng trăm công ty. Mọi thanh toán đều có sổ sách, không ai có thể rút tiền của công ty.

Nhắc lại quan hệ của Kiên và Tập đoàn Hòa Phát, Kiên nói không phải một sớm một chiều mà là quan hệ nhiều năm. “Tập đoàn Hòa Phát lớn mạnh như ngày hôm nay là có sự hỗ trợ của tôi, của Ngân hàng ACB”, Kiên nói.

16h35: HĐXX tiếp tục làm việc.

16h22: Tòa nghỉ giải lao.

16h20: Bào chữa cho nội dung Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kiên nói rằng: “Đây là tội danh tôi bức xúc nhất. Tôi là một doanh nhân có tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn thân của mình”.

Theo lời Kiên, việc hoán đổi cổ phiếu là một nghĩa cử Kiên giúp bạn bè, cụ thể là giúp anh Long (Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), không có mục đích nào khác. Kiên đã nêu ra nhiều lần nhưng cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án.

Quan điểm của VKS và cáo trạng nêu là ký biên bản HĐQT, Nghị quyết HĐQT là khống. Theo Kiên: Đây là hợp đồng thật 100%. Việc này được pháp luật thừa nhận, chỉ có cơ quan điều tra  không thừa nhận.

Kiên cũng nói rằng trong vụ việc này: “Tôi đã chịu nhiều sức ép, để không đẩy bạn bè tôi ở Tập đoàn Hòa Phát vào vòng lao lý”.

Đối với cổ phiếu, cổ phần bị thế chấp, Kiên nói đã nhiều lần yêu cầu ACB họp để làm rõ tài sản thế chấp, đánh giá tài sản thế chấp của Công ty ACBI đối với Ngân hàng ACB. Kiên cũng đưa ra minh chứng cụ thể về cuộc họp.

16h17: Đối với tội trốn thuế, Kiên bảo “khi nhận lệnh này tôi không còn ngỡ ngàng. Tôi biết, tôi đã bị áp đặt vào tội trốn thuế”.

Kiên nói rằng, mình hoàn toàn không hề biết là 6 tháng sau khi hợp đồng ủy thác của Nguyễn Thúy Hương đối với Công ty B&B và hợp đồng ủy thác giữa B&B với Ngân hàng ACB được ký, Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân. “Tôi là một công dân làm sao mà biết được. Đây là sự áp đặt, quy chụp”. Kiên nói.

Trình bày tiếp, Kiên nói rằng, trong phần luận tội, nói đây là hợp đồng trá hình. Hợp đồng này ký kết giữa hai bên là hợp đồng dân sự (Kiên – em gái và vợ). Nếu theo hợp đồng ủy thác, phần thua thiệt nếu có xảy ra là em gái và Kiên chứ không phải công ty B&B. Cho nên không ai đi bỏ tiền để bù lỗ cho một hợp đồng trá hình.

Bị cáo Kiên cho rằng, qua phần xét hỏi và hỏi đáp của các luật sư, đại diện Tổng Cục thuế nói không nhận được phụ lục hợp đồng. Nếu nhận được Tổng Cục thuế đã có ý kiến khác. Tổng Cục thuế còn yêu cầu lấy ý kiến của NHNN. Nhưng cơ quan điều tra đã lấy ngay văn bản của Tổng Cục thuế để áp đặt tội danh với Kiên.

Bị cáo Kiên đồng thời đề nghị VKS xác định trong điều 108, Bộ Luật hình sự, công ty B&B sai ở đâu, nội dung nào?

Bị cáo Kiên cũng kêu ca: “Cơ quan công tố khi truy tố không nêu nội dung của điều luật, sai nguyên tắc cơ bản của điều luật. Sai ở điều nào ở điểm luật. Nếu chỉ ra điều sai, tôi nhận và không tranh luận".

16h13: Cũng tại Tòa, biện luận về nội dung truy tố kinh doanh vàng trái phép ở Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên khẳng định không kinh doanh vàng trái phép.

Theo lập luận, Công ty Thiên Nam đầu tư tài chính thông qua giá vàng. Hợp đồng ủy thác giữa Công ty Thiên Nam ký với Ngân hàng Vietbank và Ngân hàng ACB có đúng pháp luật và đây thuộc quyền của TGĐ Lê Quang Trung.

Dẫn chứng cho lập luận, Kiên đưa 2 bản hợp đồng ủy quyền giao dịch vàng. Phiếu lệnh ủy thác đều có chữ ký của ông Lê Quang Trung. Đối với Kiên, chỉ nhận trách nhiệm là giúp ông Lê Quang Trung đưa lệnh này đến Ngân hàng ACB. Các văn bản pháp lý để Công ty Thiên Nam đầu tư vàng không trái pháp luật vì giấy phép của Công ty Thiên Nam là có mua bán hàng hóa…. Trong đó có vàng. Nếu xác định là tài chính, hay hàng hóa cũng không sao. Cho nên, Kiên kết luận: Không phạm tội kinh doanh trái phép.

16h10: Bị cáo Kiên tiếp tục nói rằng, bị cáo đầu tư hợp pháp, đúng luật, và cho rằng "cơ quan truy tố và điều tra đã có cái nhìn phiến diện, sai lầm".

16h05: "Trên đường dẫn giải, tôi được nghe trên Đài TNVN về nội dung làm việc của Quốc hội trong ngày, trong đó có nội dung xóa bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nếu Quốc hội thông qua thì đây là sự hàm ơn lớn nhất đối với tôi”, Kiên nói.

Bị cáo Kiên nhắc lại việc kiến nghị Tòa mời đại diện VCCI, vì theo lý luận của Kiên là hội viên của VCCI, họ phải có trách nhiệm lên tiếng không phải vì quyền lợi của riêng Kiên mà cả các doanh nghiệp khác.

16h00: Bị cáo Kiên nói: "Tôi rất buồn khi nghe tin 2 công ty đã phải thoái vốn, 2 công ty này được thành lập trên văn bản chấp thuận của Bộ KHĐT, sau khi Bộ này đã có các mã ngành nghề. Ý kiến của các Ban, ngành tôi đọc rất kỹ, và thấy không có dòng nào việc đăng ký kinh doanh phải theo mã 64990 nào đó".

15h35: Bắt đầu bào chữa cho hành vi kinh doanh trái phép, Kiên nói, "không chỉ đầu tư 6 công ty mà đầu tư trên 100 doanh nghiệp, hoạt động gần như toàn diện trên nền kinh tế".

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

15h30: Bị cáo Kiên đưa lý lẽ, Kiên không phải là sở hữu 3 công ty mà cơ quan điều tra truy tố mà chỉ là 1 trong 3 người sở hữu như Công ty B&B, Công ty tài chính Á Châu….

Đối với việc các công ty này không có chức năng tài chính nhưng đã tiến hành mua cổ phần của các ngân hàng khác; việc mua cổ phần của các ngân hàng đều đúng so với luật định luật đầu tư, luật doanh nghiệp... cơ quan cảnh sát điều tra đã nhầm lẫn cơ bản, nghiêm trọng, trái pháp luật.

Tại Tòa, Kiên xin được đọc đơn kêu oan, ví nội dung đơn này xác định được xuyên suốt quá trình bào chữa, các tội danh bị truy tố oan… Yêu cầu của Kiên được HĐXX chấp nhập một phần và đề nghị tóm tắt những thông tin cần thiết.

Kiên nói tiếp: “Tôi không tiếp cận vấn đề như các luật sự đã nói mà tiếp cận với tư cách một người bắt đầu kinh doanh từ khi Nhà nước cho phép”.

15h26: "Khi tôi nhận được lệnh bắt và khởi tố về tội kinh doanh trái phép, đối với tôi trời đất như sụp đổ". Kiên cho rằng, Kiên không kinh doanh trái phép, không làm sai pháp luật.

“Đối với lệnh khởi tố, bắt tạm giam, chỉ có 4 dòng, nhưng cơ quan điều tra ghi không đúng”, Kiên nói.

15h20: Đến lượt bị cáo Nguyễn Đức Kiên thực hiện quyền bào chữa cho mình.

15h17: Được tranh luận tại Tòa, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn nói lời cảm ơn HĐXX. Bị cáo Tuấn nói: “Tôi đã trở thành người may mắn hơn trong số những người không may mắn. Tôi xin cảm ơn đại diện VKS thực hiện việc công tố trước tòa. Tôi không muốn bổ sung thêm gì nữa”.

15h15: Bị cáo Phạm Trung Cang bổ sung quan điểm bào chữa. Bị cáo bị truy tố vào tội Cố ý làm trái trong việc ủy thác tiền gửi và đầu tư cổ phiếu.

Bị cáo Cang phân tích, tại thời điểm ký Nghị quyết ủy thác tiền gửi vào đầu tháng 3/2010, đều cho rằng không trái pháp luật. Sau khi thống nhất là chủ trương này không sai đã đồng ý cùng với chủ trương. 

Bị cáo Cang tiếp tục nhấn mạnh việc mình chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác vào cuối năm 2010. Kể từ khi từ nhiệm, không còn tham dự, hay được mời với tư cách là thành viên HĐQT, không được nghe báo cáo bất kỳ vấn đề gì về vấn đề ủy thác tiền gửi. Đề nghị được miễn trách nhiệm đối với hành vi ủy thác tài gửi từ Ngân hàng ACB sang Vietinbank. “Nếu hậu quả có thể xảy ra không phải trách nhiệm.

Đối hành vi cấp hạn mức 700 tỷ để đầu tư cổ phiếu. Ở Ngân hàng ACB, Cang là Phó Chủ tịch HĐQT quản lý việc cho vay, cho nên không có thông tin gì về việc đầu tư cổ phiếu. Cho nên, đối với việc ký Nghị quyết đầu tư cổ phiếu cũng chỉ giới hạn đến thời điểm 31/12/2010 (chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác) nên mong HĐXX xem xét, chiếu cố, tránh những hành vi mình không làm mà vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bị cáo Cang đề nghị được xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với tội Cố ý làm trái đang bị VKS cáo buộc.

15h06: Bị cáo Lê Vũ Kỳ không bổ sung quan điểm bào chữa mà chỉ mong vào sự xét xử công mình của HĐXX.

14h55: Bị cáo Trịnh Kim Quang đưa ra quan điểm tranh luận. Bị cáo Quang cho rằng, cáo trạng cáo buộc không thuyết phục khi quy tội cho bị cáo mà họ không thuộc chức trách mà họ phải thực hiện. Việc thông qua nghị quyết ủy thác có hai đơn vị trong Ngân hàng ACB thực hiện rà soát. Đến năm 2011, sau khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, hai đơn vị này tiếp tục rà soát và không thấy vi phạm nên tiếp tục tiến hành. Cho nên việc rà soát việc có sai phạm pháp luật hay không không phải là trách nhiệm của HĐQT vì đây là sự phân công của HDQT ACB.

Đối với việc đầu tư cổ phiếu, bị cáo Quang nói, không bàn bất việc mua cổ phiếu ACB. Người dân có quyền làm gì không cấm và sử dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình, cho nên bị cáo Quang đề nghị cầm xem xét kỹ đối với hành vi đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB.

14h45: Đối với việc mở tài khoản chuyển tiền từ ACB sang Vietinbank, việc lập tài khoản trước, chuyển tiền sau bị cáo Hải nói là chuyện xảy ra thường ngày ở các ngân hàng. Tiền vào ngân hàng Vietinbank thì đã là tài sản của Vietinbank. Do vậy, ngân hàng Vietinbank phải quản lý tài sản đó.

"Đối với hành vi rút tiền của Huyền Như, cáo trạng nói Huyền Như “gian dối”. Việc gian dối này là gian dối với Vietinbank", bị cáo Hải biện luân.

Bị cáo Hải cũng cho rằng, trong quá trình tranh luận, các bên có bàn về việc quản lý tài sản có trong tài khoản, ở đây có sự nhầm lẫn. Đối với việc quản lý tài sản trong tài khoản là như quy định trong một số văn bản đã nêu ở tòa là đối với doanh nghiệp chứ không phải cá nhân. 

Tiếp tục nói về cuộc họp HĐQT về đầu tư cổ phiếu, bị cáo Hải tiếp tục khẳng định hoàn toàn  không nhắc đến việc mua cổ phiếu ACB.

Bị cáo Hải nói, không biết  gì về việc mua bán cổ phiếu. Khi biết đã yêu cầu chấm dứt. Cho nên đề nghị VKS xem xét lại truy tố.

14h40: Bị cáo Hải cho rằng, đối với việc ký biên bản họp HĐQT, theo một số văn bản pháp luật, Hải bảo không sai luật ở thời điểm đó. “Nếu sai thì chúng tôi đã không chuyển ý kiến lên HĐQT”.

Theo bị cáo, đến thời điểm ủy thác gửi tiền trong năm 2011 là không có gì sai vì chưa có hướng dẫn. "Bản thân tôi cũng đã hỏi các nhà quản lý về vấn đề này. Đối với điều 106, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, các ngân hàng đang hoạt động như các đại lý. Hoạt động này, NHNN biết nhưng vẫn để các ngân hàng làm theo văn bản cũ. Do vậy, chúng tôi không làm sai điều 106”.

Bị cáo Hải nhắc lại quá trình điều tra xét hỏi tại tòa, bị cáo Hải nói không tham gia chỉ đạo gửi số tiền 718 tỷ ở đâu, gửi như thế nào. “Tôi quản lý hơn 300 đơn vị trong hệ thống thì không thể hỏi từng đơn vị một được”, bị cáo Hải nói

Bị cáo Lý Xuân Hải

14h25: Các bị cáo bắt đầu thực hiện quyền tranh luận trước tòa. Đầu tiên là bị cáo Lý Xuân Hải. Bị cáo Hải bổ sung liên quan đến việc cáo trạng cáo buộc Hải đề xuất việc ủy thác tiền gửi, bị cáo Hải nói: "Bị cáo chỉ có trách nhiệm tập trung mọi ý kiến đề nghị của cấp dưới để chuyển cấp trên giải quyết. Việc cấp trên quyết thế nào thì chúng tôi làm như vậy".

14h20: Luật sư Kiều Dương  bảo vệ quyền lợi cho hai Công ty: Siêu thị Á châu và Liên Á châu. Hai công ty này ra đời từ việc góp vốn và sáng lập từ Công ty ACBI. Đồng quan điểm với các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên không phạm tội kinh doanh trái phép, luật sư Dương đề nghị hợp pháp tính chuyển nhượng của hai công ty này.

14h05: HĐXX bắt đầu làm việc. Chiều nay, các bị cáo thực hiện quyền tranh luận trước tòa.

11h35: Tòa tạm nghỉ. Chiều nay, vào lúc 14h00, HĐXX tiếp tục phiên xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm.

11h30: Luật sư Đỗ Ngọc Quang tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank. Vẫn lập lại một số lập luận của các luật sư Bắc, Nguyên và Dũng, ông Quang cho rằng, Ngân hàng ACB phải chịu hậu quả, trách nhiệm đối với việc hành vi chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng mà Huyền Như gây nên.

11h25: Luật sư Nguyễn Thị Bắc tiếp tục bổ sung quan điểm bảo vệ quan điểm của Vietinbank tại tòa. Theo luật sư Bắc do sai phạm của lãnh đạo và nhân viên ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền. Ngân hàng Vietinbank không chịu trách nhiệm về hành vi của Huyền Như.

11h12: Luật sư Lê Hồng Nguyên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Vietinbank bổ sung, việc Huyền Như đưa ra lãi suất vượt trần là “cái bẫy” để nhân viên ACB rơi vào. Phân tích hành vi của Huyền Như, ông Nguyên nói, Huyền Như làm ăn thua lỗ nhưng không có hành vi nào để rút tiền của Ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, sau khi làm việc với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (nhân viên ACB trực tiếp đi thỏa thuận gửi tiền), phát hiện ra lỗ hổng, sai phạm nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt.

Ông Nguyên cho rằng, Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt là lợi dụng “màu áo” của Vietinbank để chiếm đoạt tài sản của ACB. Vietinbank không có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho ACB. Vietinbank hoàn toàn không có liên quan đến hành vi Cố ý làm trái của các bị cáo tại phiên tòa này.

11h00: Cũng theo luật sư Dũng, việc khách hàng sở hữu thẻ gửi tiền thì mới là bằng chứng việc gửi tiền đã thành công

Như vậy xuất phát từ chủ trương gửi tiền ủy thác, là gửi tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác trong đó có việc mang thẻ gửi tiền về cho ACB (các nhân viên ACB không mang về) đã tạo điều kiên cho Huyền Như chiếm đoạt. Huyền Như có ý thức chiếm đoạt tiền ngay từ đầu số tiền của ACB. Sau đó dùng các thủ đoạn gian dối để dẫn dụ nhân  viên ACB đến gửi tiền để chiếm đoạt.

Đối với việc gửi tiền trên mức lãi suất quy định, và hưởng hoa hồng… Các khoản tiền trên do nhân viên đề nghị với Huyền Như. Cá nhân người thỏa thuận với Huyền Như cũng đã được chuyển vào tài khoản riêng số tiền hoa hồng 3,7  tỷ đồng. “Số tiền này là Như lấy tiền cá nhân. Đây là chiêu trò dẫn dụ của Huyền Như đối với nhân viên ACB để chiếm đoạt”.

Cũng theo luật sư Dũng, Vietinbank không biết Huyền Như chiếm đoạt. Việc ACB đưa ra yêu cầu về số tiền 718 là không có căn cứ, Vietinbank không có lỗi với số tiền này nên không có trách nhiệm. 

10h45: Phân tích, chủ trương ủy thác của ACB, ông Dũng nói: Thiệt hại 718 tỷ bị Huyền Như chiếm đoạt xuất phát từ việc ACB ra Nghị quyết chủ trương ủy thác. Chính có chủ trương này nên Huyền Như có cơ hội lừa đảo. Do ACB chưa kịp thu hồi thì bị Huyền Như chiếm đoạt.

Đối với việc thỏa thuận gửi tiền vượt trần, ông Dũng nói: Việc làm này của nhân viên ACB là trái với quy định. 

Dẫn hàng loạt văn bản pháp luật, ông Dũng nói, người gửi tiền phải có trách nhiệm trực tiếp đến làm thủ tục; Chủ tài khoản phải tự hoạch toán số dư tài khoản, chịu trách nhiệm về sự thay đổi số dư. 

Nhân viên ACB không nhận các thẻ tiết kiệm theo quy định ủy thác gửi tiền, phó mặc cho Huyền Như giữ thẻ tiết kiệm, không có ý kiến với Vietinbank với sự thay đổi tài khoản. Đây là cơ hội để Huyền Như chiếm đoạt tiền.

10h35: Luật sư Thái Dũng, đại diện Ngân hàng Vietinbank tham gia tranh luận để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Ngân hàng Vietinbank.

Ông Dũng nói, việc xem xét, đánh giá chứng cứ thuộc HĐXX, tuy nhiên cần phải đánh giá toàn diện để đánh giá đúng bản chất vụ án và những người có nghĩa vụ liên quan.

Theo ông Dũng, các luật sư bảo vệ các bị cáo về tội Cố ý làm trái đang cố bóc tách sự việc dẫn tới sự việc bị hiểu sai.

Liên quan đến số tiền 718 tỷ đồng do nhân viên ACB đi gửi tiền, trong vụ án này, tòa đưa ra xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Theo đó, việc chứng minh có hay không có tội thuộc cơ quan tố tụng. Đối với kết luận của VKS về số tiền 718 tỷ đồng, ông Dũng hoàn toàn đồng tình.

Số tiền 718 tỷ, ACB muốn xem xét trách nhiệm của Vietinbank. Số tiền này là do lỗi của ACB để tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. 

Ông Dũng nói rằng, việc nhân viên ACB gửi và thỏa thuận với cá nhân (Huyền Như) là sai pháp luật. Xuất phát từ thời điểm luật các tổ chức có hiệu lực (2011) đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt.

10h30: HĐXX tiếp tục làm việc

Bầu Kiên được HĐXX cho nêu ý kiến. Kiên nói, muốn tự tham gia tự bào chữa cho mình.

HĐXX: Bị cáo được tự tranh luận, nhưng ở thời điểm khác. Bị cáo cứ bình tĩnh.

10h25: Tòa nghỉ giải lao

10h15: Theo luật sư Đức, việc Huyền Như nhận tiền là đưa về cho Vietinbank. Tiền gửi chỉ mất khi rút khỏi Vietinbank. 

Tại Công văn số 2642 của Vietinbank báo cáo nội dung kiến nghị về vụ xử Huyền Như, cho thấy, sau khi sự việc xảy ra, Vietinbank đã rà soát lại số tiền gửi. Kết quả không thấy có bất kỳ rủi ro nào, ngoại trừ trường hợp thỏa thuận ngoài hợp đồng với Huyền Như.

Việc gửi tiền vào Vietinbank không sai, không sơ sở, không để tội phạm lợi dụng. Chỉ có sơ hở duy nhất là Huyền Như đã đánh tráo hợp đồng. Điều này thống nhất với lời khai của Huyền Như tại tòa. Ông Đức dẫn lại lời Huyền Như: “Thực tâm lúc đầu tôi không có ý định dùng tiền này vào mục đích cá nhân, nhưng vào giữa năm 2011, do áp lực nợ nần nên phải sử dụng số tiền này”.


Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Đức dẫn lời đại diện Vietinbank trả lời tại Tòa, cũng cho rằng, quy trình ký hợp đồng là hợp lệ, ngoại trừ điều không có trong hợp đồng (thỏa thuận lãi suất). Mọi sự chỉ phát sinh sau khi tiền đã vào tài khoản của Vietinbank.

Việc trách nhiệm của chủ tài khoản, theo văn bản pháp luật, tổ chức hoạt toán theo dõi theo giấy báo dư tài khoản. Như vậy họ có trách nhiệm hoạch toán, theo dõi số dư để sử dụng tiền của mình đang gửi ngân hàng.

Vietinbank phải trả lại tiền cho ACB vì đã nhận tiền gửi, đã hoạch toán, sử dụng tiền gửi… như đối với nhiều khách hàng khác. "Vietinbank đã chủ quan, dễ dãi để tội phạm có thể rút tiền ngon lành tiền của khách hàng", ông Đức nói.

Ông Đức tiếp tục nhấn mạnh: Việc mất tiền của Vietinbank là do Huyền Như lừa đảo rút tiền, và Vietinbank lấy tiền của ACB để đắp vào.

Kết luận và kiến nghị, luật sư Đức cho rằng, ACB có căn cứ pháp lý không có thiệt hại, xác định ACB là nguyên đơn dân sự là vi phạm pháp luật. ACB không yêu cầu các bị cáo bồi thương thiệt hại.

10h05: Tiếp tục tranh luận, ông Đức cho rằng Ngân hàng Vietinbank có trách nhiệm trả 718 tỷ cho ACB vì tiền đã được gửi vào hệ thống ngân hàng Vietinbank.

Tại công văn số 2614 của Tổng giám đốc Vietinbank nêu, số dư tài khoản của nhân viên ACB tại ngân hàng Vietinbank không bị phong tỏa, số tiền tiếp tục sinh lãi. Nên số tiền ày là hợp pháp đối với pháp luật

9h55: Đến lượt luật sư đại diện cho Ngân hàng ACB, ông Trương Thanh Đức thực hiện quyền tranh luận tại tòa.

Ông Đức dẫn cáo trạng cho rằng, ACB bị thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng. Chính thiệt hại này đã truy tố hàng loạt nguyên lãnh đạo ACB và ACB là nguyên đơn dân sự của vụ án.

Theo ông Đức, ACB tham dự phiên tòa không phải là nguyên đơn dân sự, ACB chưa thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu. Đối với số tiền 718 tỷ, ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả. ACB cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tư cách nguyên đơn đối với một pháp nhân, có phải là nguyên đơn hay không thì phải có ý chí của nguyên đơn gồm ý chí, và thiệt hại của chủ thể khách quan. Từ phân tích này ông Đức cho rằng, Ngân hàng ACB chưa hội đủ yếu tố là nguyên đơn dân sự.

Với số tiền thiệt hại 687 tỷ đầu tư cổ phiếu, việc này ACB và công ty chứng khoán ACBS có văn bản có ý kiến ACBS không đầu tư vào cổ phiếu ACB. Như vậy ACBS không mua trực tiếp ACB mà hợp tác với ACI và ACI HN nên họ mới chịu trách nhiệm.

ACB không bị thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu. ACB cũng không yêu cầu ai bồi thường thiệt hại. Pháp luật không thể bắt ACB phải bị thiệt hại và phải yêu cầu bồi thường.

Đối với số tiền 718 tỷ đồng, đó là nhận định không đúng pháp luật, không đúng căn cứ. ACB không làm trái pháp luật vì NHNN chưa có hướng dẫn ủy thác.

Phần tranh luận của luật sư đại diện Ngân hàng ACB bị gián đoạn liên tục mất tín hiệu.

9h30: Bổ sung bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa về tội Cố ý làm trái, luật sư Vũ Xuân Nam nhấn mạnh, về hành vi ủy thác tiền gửi. Luật sư Nam nói: “Điều kỳ lạ là cơ quan điều tra không có động thái thu hồi số tiền 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt, khác với động thái thu hồi số tiền 264 tỷ đồng mà bầu Kiên bị quy kết là lừa đảo để chiếm đoạt của tập đoàn Hòa Phát”. 

Theo luật sư Nam trong một số hồ sơ vụ án, một lượng tiền lớn chiếm đoạt đã được thu hồi đã được thu hồi, trong khi kết luận thì bảo số tiền này bị Huyền Như chiếm đoạt. Phân tích thêm, ông Nam cũng cho rằng, tiền của Vietinbank mới là mục tiêu để Huyền Như nhắm tới. 

8h55: Luật sư Kiều Vũ Thùy Uyên cho rằng, đối với quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, đây là hoạt động nằm trong hàng loạt chủ trương khác của ACB, nhưng không có chủ trương cấp tiền cho ACBS mua cổ phiếu ACB. Việc mua cổ phiếu, bị cáo Cang không có bất kỳ động thái nào trong việc mua cổ phiếu ACB.

Theo bà Uyên, đối với việc ủy thác tiền gửi, việc ủy thác gửi tiền trước năm tháng 1/2011 là không sai. Việc gửi tiền sau năm 2011 dù đúng, dù sai cũng không liên quan đến bị cáo Cang vì thời điểm đó ông Cang đã không còn là thường trực HĐQT ACB và chuyển sang làm việc tại Ngân hàng khác. Ông Cang cũng không được hỏi tham gia ý kiến. Việc này cũng được ông Trần Xuân Giá xác nhận với luật sư.

Ngay cả trong trường hợp xác định ông Cang vẫn là thành viên HĐQT của ACB sau tháng 1/2011, dù việc gửi tiền không đúng là không đúng với thời điểm (sau năm 2011) chứ chủ trương, Nghị quyết về gửi tiền là không sai ở thời điểm năm 2010.

Bà Uyên cũng nói rằng, việc quy kết bị cáo Cang là đồng phạm là không có cơ sở, vì đồng phạm là nhiều người, cùng chung ý chí, góp phần vào việc thực hiện tội phạm.

8h40: Luật sư Kiều Vũ Thùy Uyên – bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Phạm Trung Cang tiếp tục phần bào chữa.

8h35: Bào chữa cho hành vi đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB, luật sư Tuấn nói, các bị cáo không phạm tội.

Đối với hành vi của bị cáo Kỳ, theo luật sư Tuấn, kết luận luận tội của VKS vẫn còn thiếu cơ sở, vì việc hợp tác đầu tư cổ phiếu không bàn về việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB. 

Đối với việc ký hợp tác đầu tư giữa Công ty Chứng khoán (ACBS) và Công ty Cổ phần đầu tư Á Châu (ACI) và chi nhánh của công ty này tại Hà Nội (ACI-HN) thực hiện từ lâu. Việc này không vi phạm pháp luật.

Việc hợp tác đầu tư cổ phiếu có tính thanh khoản cao giữa các doanh nghiệp là chuyện bình thường… Cùng với một số lập luận tại tòa và một số căn cứ của các đồng nghiệp (mà ông Tuấn nói là không muốn nhắc lại), ông Tuấn khẳng định, bị cáo Lê Vũ Kỳ không phạm tội.

8h25: HĐXX  tiếp tục phần tranh luận của luật sư Phùng Anh Tuấn-người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Lê Vũ Kỳ.

8h20: HĐXX bắt đầu làm việc.

8h05: Các bị cáo có mặt tại Tòa từ rất sớm. Hiện phiên Tòa vẫn chưa tiếp tục.

Ngày hôm qua (28/5) phiên tòa xét xử bầu Kiên và các đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo tại tòa.

 

 Tại phần bào chữa của luật sư đối với các hành vi phạm tội của bầu Kiên, các luật sư đều cho rằng, bầu Kiên không có tội.

Đặc biệt đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các luật sư đều nhất loạt khẳng định, việc truy tố các bị cáo theo điều 165 Bộ luật hình sự là không có cơ sở, vì hậu quả chưa xảy ra, số tiền 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB bị Huyền Như chiếm đoạt hiện vẫn còn ở Ngân hàng Vietinbank.

Hôm nay (29/5) phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN VỤ XÉT XỬ BẦU KIÊN

Mức án đề nghị của VKS đối với các bị cáo:

1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 30 năm tù giam.

2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 7-8 năm tù giam.

3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 6-7 năm tù giam

4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo

5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 12-14 năm tù giam

6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo.

7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 9-10 năm tù giam.

8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 7-8 năm tù giam.