10h: HĐXX tuyên bố nghỉ, nghị án. 15h chiều nay (8/1) tòa sẽ tuyên án.
9h38: Bị cáo Vũ Tiến Sơn nói lời sau cùng: "Mong HĐXX xem xét thấu đáo hành vi phạm tội của tôi để tôi tâm phục khẩu phục và sớm được trở về với gia đình".
Bị cáo Phạm Minh Tuấn: "Tôi mong HĐXX sáng suốt xem xét xem hành vi của tôi có phạm tội hay không?".
Bị cáo Trần Văn Dũng: "Mong HĐXX xem xét, bị cáo đã thành khẩn trước cơ quan pháp luật, gia đình bị cáo có công với cách mạng, mong được khoan hồng".
Bị cáo Hoàng Văn Thắng: "Bị cáo ngay thời gian thực hiện hành vi phạm tội đã thành khẩn khai báo, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo BLTTHS và BLHS. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo. Cái mất lớn nhất của bị cáo là không còn được đứng trong lực lượng bảo vệ pháp luật, bị khai trừ khỏi Đảng, không còn được sinh hoạt Đảng. Bị cáo còn để lại vết xấu trong lý lịch một gia đình. Đó là sự trừng phạt, răn đe lớn nhất của pháp luật… Bị cáo mong muốn được sớm trở về với gia đình, được chăm sóc phục dưỡng bố mẹ, được có thời gian để “sửa” lại lý lịch".
Bị cáo Đồng Xuân Phong: "Kể từ khi bị bắt, bị cáo đã rất thành khẩn khai báo thừa nhận hành vii phạm tội. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án thấp nhất, để bị cáo sớm có điều kiện chăm sóc gia đình, vợ con".
9h27: Bị cáo Dương Tự Trọng nói lời sau cùng:
"Cho phép tôi được nói tâm tư, tình cảm trong vòng hơn một phút. Do lâu ngày không được phát biểu, nếu có gì lạc hậu mong HĐXX châm chước. Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi, thời gian qua tôi luôn sống với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Tôi vẫn thầm ước được chịu tội thay anh tôi và mong anh tôi được hưởng sự khách quan, khoan hồng của pháp luật và lòng từ bi, khoan dung, vị tha của người đời. Tình cảm ấy mỗi con người ai cũng có. Mong mọi người thông cảm. Với những bị cáo khác, mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm được trở về với cuộc đời. Cá nhân tôi xin chấp hành nghiêm túc mọi hình phạt".
8h20: Đối đáp của VKS:
Các bị cáo tổ chức cho Dũng trốn đi Campuchia là bằng đường tiểu ngạch, không sử dụng được hộ chiếu vì ngay trong buổi chiều 17/5 đã là bị can trong vụ án do cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và có quyết định bắt tạm giam. Các bị cáo trong vụ án này đã tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn tránh khỏi sự quản lý của cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh vì nếu đi bằng con đường hợp pháp thì Dương Chí Dũng đã bị bắt ngay lúc đó.
Về mặt chủ quan của tội phạm, các bị cáo đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Các bị cáo tiếp nhận mong muốn, yêu cầu của bị cáo Trọng là giúp Dương Chí Dũng trốn khỏi VN và đã tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn từ VN sang Campuchia. Thực tế Dương Chí Dũng đã trốn từ ngày 17/5/2012 đến tháng 4/9/2012, việc bị bắt của Dương Chí Dũng là ngoài mong muốn của các bị cáo này.
Vụ án xảy ra tại Vinaline là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm. Việc Dũng bỏ trốn đã làm ảnh hưởng tới quá trình điều tra.
Vụ án này là phạm tội có tổ chức, có người chủ mưu, chỉ huy, thực hành… Về nguyên tắc, 7 bị cáo trong vụ án này đều phải bị truy tố theo khoản 3 điều 175. Việc truy tố Trọng và Sơn theo khoản 3 điều 275 là hoàn toàn đúng pháp luật. 5 bị cáo còn lại, áp dụng nguyên tắc khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… để truy tố theo khoản 1 điều 175 là hoàn toàn có căn cứ.
Các tình tiết mới Dương Chí Dũng cung cấp tại phiên tòa, VKS đã có quan điểm đề nghị HĐXX xem xét, xử lý thông tin theo yêu cầu của pháp luật.
Về đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của luật sư: Vụ án đã được điều tra một cách đầy đủ, kết quả thẩm vấn đã chứng minh được toàn bộ hành vi phạm tội của 7 bị cáo. Tất cả các bị cáo, kể cả Trọng, cũng không nêu được bất cứ tài liệu nào chứng minh bị cáo không phạm tội do vậy không có căn cứ đề chấp thuận đề nghị này của luật sư.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (8/1). Ảnh: Đức Minh
Luật sư đối đáp:
LS Nguyễn Đình Hưng (luật sư của Dương Tự Trọng): Lâu nay chúng ta rất mong có một phiên tòa mà tranh tụng được đối đáp. Tại phiên tòa này, VKS đã đối đáp lại những vấn đề chúng tôi nêu ra. VKS cho rằng tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3, chúng tôi bào chữa cho bị. Bị án Dương Chí Dũng đã trốn từ VN sang Campuchia bằng con đường tiểu ngạch. Tại tòa Dũng khai sang Campuchia bằng con đường tiểu ngạch nhưng hợp pháp về thủ tục (đi bằng hộ chiếu).
Vụ án Vinalines đặc biệt nghiêm trọng là hoàn toàn đúng. Nhưng những bị cáo này, tại thời điểm đó, chưa biết được thông tin này, không bắt buộc phải biết được thông tin này. Vụ án được khởi tố ngày 17 nhưng không biết là mấy giờ ngày 17.
Đã là tình tiết định tội thì không thể là tình tiết định khung. Phải có “tổ chức” mới thành tội. Giả sử có việc “tổ chức” như cơ quan điều tra quan niệm thì đó mới là tội phạm, không thể vì tình tiết này mà chuyển sang khung 3.
Chúng tôi yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vì, nếu không có cú điện thoại nói “chú tránh đi” thì sẽ không có toàn bộ những việc xảy ra sau này.Hành vi đó có tính chất quyết định đối với bản chất vụ án này.
Tổ chức một người trốn đi nước ngoài đã là kịch khung, sau này nếu tổ chức cho 10 người trốn đi nước ngoài cũng chỉ kịch khung như vậy.
Trong phần tranh luận, HĐXX cho các bị cáo: Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng tự bào chữa cho mình.
Các bị cáo này đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo, hành vi giúp Dương Chí Dũng trốn là vì tình nghĩa anh em và vì nể nang.
Không nhờ luật sư bào chữa mà tự bào chữa cho mình tại tòa, bị cáo Đồng Xuân Phong thừa nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố mình về hành vi giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn là đúng vì do tình cảm anh em giúp nhau, bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội nên đã thành khẩn khai báo nhưng mức án mà Viện kiểm sát đề nghị là nặng cho bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án.
Tình tiết bất ngờ trong phần thẩm vấn tại phiên tòa hôm qua là việc Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục hàng hải VN) - được xác định có tư cách nhân chứng tại phiên tòa này đã khai ông Phạm Quý Ngọ - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng thời là Trưởng ban chuyên án điều vụ Vinalines chính là người đã "mật báo" tin khởi tố cho Dương Chí Dũng và còn khuyên Dũng "chú nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian".
Trong phần kết luận vụ án và đề nghị mức hình phạt cho Dương Tự Trọng cùng các bị cáo trong vụ án tổ chức đưa người ra nước ngoài này, hôm qua 7/1, đại diện VKSND TP Hà Nội đã kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác.
Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.
Ông Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội):
“Không bất ngờ”
Tôi không bình luận về người bị khai ra, nhưng trong suy nghĩ của tôi thì tôi không bất ngờ về nội dung lời khai của các bị cáo trong phiên tòa hôm nay, đặc biệt là lời khai của Dương Chí Dũng. Trong dư luận lâu nay đã râm ran việc này, bởi ai cũng hiểu rằng một người bình thường, thậm chí là một cán bộ bình thường trong ngành công an mà không liên quan đến vụ điều tra ở Vinalines thì không thể nắm được thông tin cụ thể, do các thông tin liên quan đến quá trình điều tra, khởi tố là thông tin mật và cơ quan công an có nghiệp vụ để bảo vệ nó. Vậy người ngoài cuộc không thể biết và báo cho ông Dũng trốn được.
Lời khai mới chỉ từ một phía, phải điều tra để làm rõ, nhưng tôi tin nó phần nào nói lên sự thật. Cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo như đề nghị của vị đại diện viện kiểm sát tại tòa.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (tòa hình sự TAND TP.HCM):
Đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự
Đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tại phiên tòa về việc khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác là có căn cứ.
Tại phiên tòa xét xử công khai, lời khai của Dương Chí Dũng được xem là chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Dương Chí Dũng đã khai ra tình tiết mới, hết sức quan trọng là đã có một người (là lãnh đạo cấp cao) mật báo cho Dũng biết tin cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý phê duyệt lệnh khởi tố, bắt giam Dũng, từ đó giúp Dũng lên kế hoạch bỏ trốn. Hành vi mật báo thông tin về vụ án đang trong quá trình điều tra chính đã có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác theo quy định của điều 286 Bộ luật hình sự.
Lời khai của Dương Chí Dũng là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa, cũng được xem là “dấu hiệu tội phạm”, là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự theo điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp qua xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra thì hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp này không chỉ khởi tố vụ án về tội cố ý làm lộ bí mật công tác mà còn phải khởi tố điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ. Dương Chí Dũng đã tự khai ra hành vi đưa tiền cho cán bộ cấp cao kia, đó là dấu hiệu tội phạm mới (đưa hối lộ) mà Dương Chí Dũng chưa bị xem xét xử lý.