Ngày cuối xét tuyển ĐH, CĐ nguyện vọng 2: Nhiều trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu

Với tổng số hơn 500.000 hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ đợt một, đã có hơn 350.000 em trúng tuyển. Như vậy, chỉ còn gần 150.000 thí sinh (TS) có cơ hội được vào ĐH, CĐ.

Nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ, trong khi TS có nhiều thời gian để lựa
chọn ngành, nghề hơn mọi năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Với tổng số hơn 500.000 hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ đợt một, đã có hơn 350.000 em trúng tuyển. Như vậy, chỉ còn gần 150.000 thí sinh (TS) có cơ hội được vào ĐH, CĐ ở đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung này. Ngày 7.9, ngày cuối nhận hồ sơ NV2, tuy số lượng ít, cơ hội nhiều song vẫn còn khá nhiều trường tốp giữa, tốp cuối hoặc các ngành khó tuyển của trường tốp trên vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Nhiều ngành tuy tuyển đủ nhưng vẫn lo lắng hồ sơ ảo.

Điệp khúc chờ thí sinh

Trao đổi với LĐ cuối giờ chiều 7.9, ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ (Hà Nội) - cho biết, hiện tại trường vẫn đang thiếu hơn 3.000 trong tổng số 5.000 chỉ tiêu mà Bộ GDĐT giao trong năm học này. Theo ông Hóa, đây là con số quá thấp, đáng báo động và buộc trường phải chờ đợi các đợt xét tuyển bổ sung cho đến hết 20.10. Trong đợt 1, trường mới chỉ tuyển đủ 900 TS, số lượng hồ sơ nộp vào của đợt 2 là 1.700 hồ sơ, song lượng hồ sơ ảo khá cao bởi mỗi TS được nộp tới 3-4 nguyện vọng.

Cũng theo ông Hóa, với cách xét tuyển quá dài thời gian, cùng với đó là chỉ có một điểm sàn duy nhất nên hầu hết TS đều nộp hồ sơ vào các trường công lập, hơn nữa TS còn đến hơn một tháng nữa để hoàn thành việc nộp hồ sơ nên các em không có lý do gì để vội vàng. Những ngành thiếu chỉ tiêu nhiều nhất là khối kỹ thuật, xây dựng, điện - điện tử… Trong trường hợp không thể tuyển đủ đến phút cuối, trường sẽ tính đến phương án xin phép Bộ GDĐT tuyển bằng điểm học bạ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Với chỉ tiêu 1.500 em, ĐH Đông Đô chỉ tuyển được 500 em vào đợt 1, áp lực dồn hết vào đợt 2 mặc dù trường xét tuyển điểm thi đúng bằng điểm sàn (15 điểm), cùng với kết quả học tập 3 môn theo khối tương ứng 36 điểm. Với 1.000 chỉ tiêu còn lại, nhà trường cho hay sẽ hy vọng tuyển đủ cho đến đợt cuối. Song theo ghi nhận, lượng TS đến nộp hồ sơ rất rải rác dù đã đến ngày cuối của đợt xét tuyển thứ 2.

Tình trạng “bi đát” này cũng xảy ra ở nhiều trường khác như ĐH Tài chính - Ngân hàng HN thiếu 750 trong tổng 1.200 chỉ tiêu, ĐH dân lập Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu trong đợt bổ sung nhưng sau nửa thời gian xét tuyển mới có hơn 200 hồ sơ nộp vào. Tại ĐH Thăng Long, dù đã nhận được gần đủ chỉ tiêu (900 em), song nhà trường hy vọng lượng TS ảo không quá nhiều. gây thiếu hụt chỉ tiêu.

Thiếu chỉ tiêu: Đủ thứ lo!

Theo ông Vũ Văn Hóa, việc chưa tuyển đủ chỉ tiêu vào thời điểm này gây nên nhiều hệ lụy đối với trường. Cụ thể, chưa đủ lượng sinh viên để nhập học khiến tiến độ xây dựng chương trình dạy học của trường bị ảnh hưởng rất lớn. “Như mọi năm thời điểm này trường đã vào năm học, ổn định sinh viên. Nhưng năm nay vẫn phải chờ đợi. Nếu không đạt được chỉ tiêu thì số giảng viên bị cắt giảm. Trường đang có trên 1.000 giảng viên, nếu không tuyển đủ, chúng tôi sẽ phải cắt giảm 50% số lượng giảng viên này. Chưa kể mọi cơ sở vật chất đều bị thừa thãi, lãng phí” - ông Vũ Văn Hóa nói.

Đại diện một số trường ĐH ngoài công lập khác cũng cho rằng, cách thức xét tuyển chưa sát thực tế, trong đó, việc các trường nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn đã khiến cho nhiều TS trên 15 điểm không lường được sức và ngộ nhận về cơ hội trúng tuyển của mình. Không có lý do gì để học trường dân lập trong khi cơ hội vào trường công lập đang còn rất nhiều - chính điều này đã gây nên tình trạng khủng hoảng đầu vào của nhiều trường hiện nay.

Điều này gây nhiều khó khăn cho các trường ngoài công lập, bởi nhiều thí sinh nghĩ rằng, với mức điểm này thừa sức đỗ vào các trường công lập top giữa, top dưới nên tội gì phải đăng ký vào các trường ngoài công lập. Thế mới xảy ra tình trạng kẻ ăn không hết người lần chẳng ra trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Chưa kể thiếu hụt chỉ tiêu, nhiều trường cho biết lượng TS ảo không hề nhỏ khi mỗi TS được nộp từ 3-4 nguyện vọng trong cùng một trường. Nhiều trường phải “sống chung” với TS ảo khi ở đợt xét tuyển NV bổ sung. Các trường đề xuất, Bộ GDĐT nên phân tầng tuyển sinh theo mốc: Các trường từ 25 điểm trở lên, dưới 25 điểm và dưới 20 điểm để có thể phân hóa TS ngay từ đầu. Điều này vừa tránh tình trạng lộn xộn khi TS rút - nộp hồ sơ, vừa tạo cơ hội cho các trường tốp dưới tuyển đủ lượng TS như chỉ tiêu mà bộ giao.