Ngày cuối cùng viếng Đại tướng: Cánh cổng đã không thể khép...

Theo thông báo, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ngừng đón người viếng lúc 18h chiều 10/10. Tuy nhiên, cánh cổng đã không thể khép lại cho đến tận 21h đêm.

Feolerice Passamoni đứng lẫn vào dòng người xếp hàng, chờ đợi đến lượt vào viếng Tướng Giáp trong lúc tay liên tục bấm máy ảnh ghi lại những hình ảnh cảm động xung quanh. Passamoni đến Hà Nội từ tháng 9 và là cộng tác viên của nhật báo Italia hàng đầu Il Sole 24 Ore.

Trong suốt những ngày vừa qua, Il Sole 24 Ore liên tục đăng tải thông tin đến bạn đọc Italia về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Passamoni được giao nhiệm vụ thực hiện phóng sự ảnh về tình cảm của người dân Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tôi chưa từng thấy cảnh tượng xúc động đến như vậy. Tôi thực sự may mắn khi có mặt tại Việt Nam vào đúng thời điểm này. Tôi xếp hàng vào viếng Tướng Giáp như mọi người, để có thể cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam với ông ” - Passamoni chia sẻ.

Mái tóc bạc phơ, cụ Nguyễn Thị Luyến (76 tuổi), từ Hải Phòng - phải tựa vào 2 tình nguyện viên khi đến trước di ảnh của Đại tướng. Kéo vạt áo chấm đôi mắt đỏ hoe, bà Luyến cho biết đã trốn các con, bắt xe về Hà Nội và xếp hàng suốt gần 4 tiếng để được vào viếng Đại tướng.

“Tôi phải đến đây. Dù có xếp hàng từ sáng sớm đến tối mịt, tôi cũng phải thắp nén hương cho ông. Tôi chỉ muốn được nói với Đại tướng rằng, tôi đã luôn sống đúng như một bộ đội Cụ Hồ” - Bà Luyến - người đã vào bộ đội từ năm 1960 và là cựu chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Hải quân - cố giấu giọt nước mắt.

Nông Thu Hiền - SV Đại học Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh - cầm chiếc quạt giấy quạt liên tục cho những người dân đang lặng lẽ xếp hàng. Hiền đến từ  Đắc Nông - chỉ là một trong gần 200 tình nguyện viên đã âm thầm có mặt trong suốt 3 ngày qua để hỗ trợ cho người dân vào viếng Đại tướng.

Theo Ninh Thị Loan - Phó Chủ nhiệm CLB Tình nguyện viên thủ đô - rất nhiều cựu chiến binh, dù sức khỏe yếu, đã trốn con cháu đến thắp nén hương tiễn biệt Đại tướng.

“Các cụ kiên nhẫn xếp hàng và nhiều người từ chối khi được ưu tiên vào trước. Có một cựu chiến binh đã 82 tuổi ở Thái Hà (Hà Nội), nhưng 3 ngày qua, ngày nào cũng có mặt xếp hàng từ sáng sớm. Sau khi thắp hương, cụ hôn lên cây dương cầm mà Đại tướng từng chơi, rồi ra vườn, gục xuống từng chiếc ghế đá Đại tướng từng ngồi và khóc” - Loan kể.

Tổ cứu thương của Bệnh viện Xanh Pôn, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 lái xe, túc trực gần nhà riêng Đại tướng đã cấp cứu 30 trường hợp trong ngày 10/10.

Nguyễn Thế Cao Minh Hoàng - 13 tuổi, học sinh lớp 9A trường Nguyễn Trãi - là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất giẫm phải đinh khi đã xếp hàng đến gần đường Tôn Thất Đàm. Hoàng giấu bố mẹ, tự bắt xe buýt đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi được nghỉ một tiết học buổi chiều.

Các bác sĩ phải đưa Hoàng vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu do lo em có thể nhiễm trùng và phải gọi điện để cha mẹ đến đón Hoàng. Nhưng ngay khi rời bệnh viện, Hoàng không chịu về nhà, mà đòi mẹ đưa em quay trở lại.

“Con sẽ không về nếu không được viếng “Ông” - Hoàng khóc. Đôi chân khập khễnh vì đau, Hoàng đã được các tình nguyện viên đặc cách dìu vào trong nhà để từ biệt vị Đại tướng mà với em, đó là người “Ông” trong gia đình.

Con phố Hoàng Diệu vốn ngày thường im ắng, giờ như không ngủ. Phía trước nhà Đại tướng, dòng người lặng lẽ đứng bên nhau, chắp tay bái vọng vị anh hùng dân tộc giờ đã đi xa.. Ba ngày nay, ngày nào cậu bé Phạm Quân Hải Đăng - 2 tuổi rưỡi - cũng được bố đưa đến trước cửa nhà Tướng Giáp.

Hai bố con cùng chắp tay, rồi cậu bé cất giọng non nớt: “Lạy cụ ạ!”. “Tôi muốn con mình lưu giữ những kỷ niệm về Đại tướng” - anh Hoàng Quân nói.

Đến 21h ngày 10/10, cánh cổng nhà Đại tướng buộc phải khép lại. Tuy nhiên, ngoài tường rào, hàng ngàn người dân vẫn không chịu trở về. Không thể vào trong, nhiều người đã tưởng niệm Đại tướng bằng cách thắp nến lên các cột trụ ở tường rào; đứng chắp tay bái vọng qua tường rào; với tay vào để trao những bó hoa cho lực lượng cảnh vệ...