Nên hay không công nhận việc “đẻ thuê”?

Những ngày vừa qua, dư luận bỗng “nóng” lên khi một số hình ảnh và câu chuyện của những người chuyên “đẻ thuê” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được đăng tải.

Chuyện không có gì mới, nhưng được các phương tiện truyền thông “xới xáo” lên trong thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình đang sửa đổi và bổ sung thêm nội dung này đã gây sự chú ý trong dư luận. 

Những cái kết có hậu

Sinh đẻ vốn là thiên chức của phụ nữ, nhưng vì lý do nào đó, không ít phụ nữ không thể mang thai, dù họ vẫn có khả năng làm mẹ. Nếu đến những nơi chữa vô sinh, thấu hiểu được nỗi khổ tâm của các cặp vợ chồng hiếm muộn, chắc chắn nhiều người sẽ đồng tình rằng mang thai hộ cần được thừa nhận – theo đúng nghĩa là mang thai hộ, nhằm giúp những gia đình hiếm muộn có được đứa con. Trên thực tế, việc nhờ “mang thai hộ” hay “thuê đẻ” vẫn đang được nhiều cặp vợ chồng thực hiện, nhưng vì pháp luật cấm nên mọi việc vẫn diễn ra “âm  thầm”, “bí mật”, chỉ đến khi đứa trẻ ra đời, những ông bố, bà mẹ này mới dám công bố với người thân.

Như trường hợp của chị P, ở quận Đống Đa, Hà Nội, hai vợ chồng chị sinh sống và học tập ở Pháp nhiều năm nhưng vẫn không có con. Năm 2010 chị quyết định về Việt Nam làm việc và tiếp tục chữa bệnh vô sinh. Tuy nhiên, rất nhiều lần đã làm thụ tinh ống nghiệm, tốn kém hàng trăm triệu đồng vẫn không thành công. Chị P cho biết, một lần chị đi khám bệnh ở một bà lang trên phố Bích Câu (nay bà đã mất), sau khi thăm khám, bà lang nói tử cung chị bị cứng không thể mang thai được và ý nghĩ nhờ người khác mang thai hộ của chị nảy sinh từ đó.

May mắn được một người quen mách nước và dẫn dắt, chị đã nhờ một phụ nữ mang thai hộ. Qua các thủ tục xét nghiệm tại Bệnh viện C, phôi của hai vợ chồng chị được cấy vào tử cung của người phụ nữ kia. Mọi thủ tục với người mang thai hộ này do phía trung gian làm, chị cũng không biết nhiều về cô gái đó, chỉ biết cô gái quê Cần Thơ và rất “mát tay”, đã sinh con bằng phương pháp này cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn và đều thành công. Gần 9 tháng sau, cô gái đã sinh cho vợ chồng chị một bé trai rất kháu khỉnh. Đến nay cháu bé đã được 1 tuổi, khỏe mạnh, mang gen của hai vợ chồng chị. Chị cho biết, dù tổng mức chi phí cho đến khi đứa bé ra đời vào khoảng 200 triệu đồng, nhưng chị thấy rất hài lòng và mãn nguyện.

Tương tự trường hợp của chị Nguyễn Hồng V, năm nay 36 tuổi, công tác tại một cơ quan truyền thông ở Hà Nội. Sau hơn 10 năm chạy chữa và nhiều lần làm thụ tinh ống nghiệm không thành công, chị đã nhờ em gái ruột mang thai hộ và kết quả chị đã có một bé gái được hơn 8 tháng tuổi…

Những đứa trẻ được ra đời bằng phương pháp “nhờ tử cung của người khác” này đã thực sự mang đến hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nên thừa nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Có lẽ, cũng từ thực tiễn của nghề y mà Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã kiến nghị bổ sung quy định mang thai hộ vào Luật HN&GĐ đang sửa đổi. Theo cơ quan này, hiện nay nhu cầu “mang thai hộ” là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý như dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa cắt tử cung… Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ. Khi noãn và tinh trùng của hai vợ chồng họ được tạo thành phôi và chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ nhận mang thai hộ, đứa trẻ sinh ra đều mang gen của hai vợ chồng.

Luật HN&GĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ. Còn Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học cũng nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính.

Theo Ban soạn thảo Luật HN&GĐ sửa đổi, hiện có 3 quan điểm khác nhau về mang thai hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên quy định mang thai hộ vào trong Luật HN&GĐ, thậm chí đề nghị cấm hoàn toàn mang thai hộ vì đây là vấn đề phức tạp, có thể mang lại hậu quả khó lường cho đứa trẻ được sinh ra sau này, và trái thuần phong mỹ tục, tập quán của người Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan ủng hộ thừa nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, để giúp những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng. Nhưng, để tránh bị lạm dụng, Luật HN&GĐ phải quy định cụ thể và chặt chẽ điều kiện được mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm, mục đích của việc mang thai hộ.

Hiện, định hướng sửa đổi Luật HN&GĐ đang đưa ra hai phương án, chỉ cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đồng thời cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hoặc phương án hai là cấm hẳn trường hợp mang thai hộ vì bất kỳ mục đích nào. Phương án một nhận được sự đồng thuận của đại đa số các Bộ, ngành, tổ chức và các cơ quan liên quan.

Từ thực tiễn, việc cấm hoàn toàn việc mang thai hộ đã hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phân định rõ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với việc mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh, lách luật để sinh con thứ ba, sợ tốn thời gian mang bầu, sinh con, làm cơ thể xấu đi... hoặc trường hợp người chồng lợi dụng việc đồng tình “thuê đẻ” của người vợ (do không thể mang thai) để quan hệ với người đẻ thuê, dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình…

Nhiều nước trên thế giới thừa nhận việc mang thai hộ

Nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hà Lan, Bỉ, Canada, Australia, Israel, Hy Lạp, Hồng Kông… cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng nghiêm cấm vì mục đích thương mại. Bên cạnh đó, một số nước như Ấn Độ coi việc mang thai hộ là hợp pháp, bất kể vì mục đích thương mại hay nhân đạo. Tại Anh, việc mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản và cả việc quảng cáo để tìm người mang thai hộ đều được cho phép. Còn tại Hungary, phương pháp mang thai hộ chỉ được cho phép giữa các thành viên trong một gia đình…