Nâng giá thiết bị lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt

Lô hàng thiết bị lặn Tinro 2 thanh lý của hải quan chỉ 100 triệu đồng nhưng Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo nâng khống lên gấp 1.300 lần, chiếm đoạt 130 tỷ đồng.

Sáng 16-9, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam). 

11 bị cáo đã hầu tòa vì hành vi cấu kết nâng khống thiết bị tàu lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt tài sản của ALCII.

Cáo trạng thể hiện: với mục đích rút tiền của Công ty ALCII, Vũ Quốc Hảo đã lợi dụng chức vụ Tổng giám đốc của mình, thông qua Công ty cổ phần Cát Long Hải (công ty "sân sau" do chính Hảo lập) và cấu kết với nhiều đồng phạm thực hiện phi vụ mua bán thanh lý thiết bị lặn Tinro 2 của Hải quan Hải Phòng.

Thiết bị lặn được mua thanh lý với giá 100 triệu đồng, nhưng Hảo đã thông đồng với lãnh đạo công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam là Hoàng Lộc (tổng giám đốc) và Lê Phúc Đức (giám định viên) nâng giá trị tàu lặn Tinro 2 lên 130 tỷ đồng.

Đồng thời, Hảo chỉ đạo các thuộc cấp của mình tại ALCII gồm Nguyễn Văn Tài (Phó Tổng giám đốc), Phạm Xuân Nghị (trưởng phòng cho thuê); Đinh Nguyên Tý (phó phòng cho thuê); Nguyễn Văn Thọ (cán bộ phòng cho thuê) và Phùng Văn Đồng (Phó phòng kinh doanh) thực hiện hợp đồng mua bán cho thuê tài chính số 219 giữa ALCII và Cát Long Hải để giải ngân 130 tỷ đồng.

Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 16-9

Trong tổng số tiền này, Vũ Quốc Hảo đã sử dụng 78,8 tỷ đồng để mua 89.496m2 đất tại H.Cái Bè, Tiền Giang.

Theo cáo trạng, Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn và Lê Minh Huệ có khai rằng để hợp thức hóa hồ sơ pháp lý thiết bị lặn Tinor 2 thông qua ông Đoàn Văn Tạo, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng và ông Lê Đoàn Tám, Giám đốc Công ty đóng tàu Đại Dương, Hải Phòng.

Hảo và Tuấn đã liên hệ với 2 đối tượng trên để vận chuyển tàu Tinro 2 từ Nhà máy liên hiệp Ba Son, TP.HCM ra cảng Cửa Cấm để tạo tình huống bị phát hiện thu giữ do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sau đó mua lại qua thủ tục thanh lý của Hải Quan Hải Phòng.

Để thực hiện việc này Phạm Minh Tuấn đã bỏ tiền chi phí cho thủ tục hợp pháp hóa này là 65.000 USD (tương đương 1 tỷ đồng) theo chỉ đạo của Vũ Quốc Hảo.

Trong số này Tuấn đã chi cho ông Tạo 17.000 USD. Tuy nhiên, ông Tạo phủ nhận lời khai của Tuấn và hồ sơ cũng không thể hiện việc hợp pháp hóa Tinro.

Trong ngày xét xử đầu tiên, các bị cáo đều phủ nhận nội dung cáo trạng và cho rằng việc truy tố các bị cáo ở hành vi tham ô tài sản là không thỏa đáng. 

Riêng bị cáo Vũ Quốc Hảo thừa nhận mọi việc mình đồng thời bị cáo này cũng khẳng định mình là người chủ mưu lôi kéo các bị cáo khác vào vụ việc.

Bị cáo Hảo cũng có lời xin lỗi các bị cáo là những người thân, là đồng nghiệp, cấp dưới đã bị Hảo lôi kéo, chỉ đạo dẫn đến việc phạm tội.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 16-9 đến 30-9