Đã 2 ngày kể từ sau khi được giải cứu từ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), các nạn nhân vẫn còn nhớ như in những ký ức về quá trình giữ gìn sự sống khi bị mắc kẹt dưới lòng đất tối, lạnh và nước nhiều khi dâng lên đến ngực.
Nạn nhân nữ duy nhất trong 12 công nhân, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (28 tuổi, quê Nghệ An) cho biết trong cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trong cuộc hoạn nạn, chị được những đồng nghiệp nam nhường áo để ủ ấm, nhường cả thức ăn, nước uống và ôm chị sưởi ấm khi thân nhiệt chị xuống quá thấp.
Đó cũng là cách để mọi người cùng giúp đỡ nhau trải qua nhiều giờ trong hầm tối, lạnh và thiếu khí.
Nạn nhân Nguyễn Văn Quang (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ, "Những ngày bị kẹt trong hầm, chúng tôi sợ nhất là cái lạnh, ai cũng co ro, run cầm cập. Sau mỗi lần ăn cháo, uống nước từ đường ống, chúng tôi phải thống nhất phương án tập hợp lại với nhau để nói chuyện và ca hát cho chống lại cái lạnh tê người ở trong hầm".
Khi nước dâng cao, các công nhân đã phải ngồi trên chiếc máy trôn bê tông, thay phiên nhau ngồi những chỗ rộng. Khi tiếp nhận thức ăn từ bên ngoài vào cũng vậy, những người có sức khỏe tốt hơn sẽ đi lấy thức ăn, nước uống, cứ thế thay phiên nhau.
"Đêm hôm nước trong hầm dâng cao đột ngột, trên trần mạch ngầm cũng tuôn nước xuống như suối khiến ai cũng sợ chết lạnh, chết ngạt" - Anh Trương Tấn Việt (33 tuổi, ngụ Hà Nam) kể lại.
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng cuộc giải cứu đã thành công, cả 12 công nhân đều được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để điều trị vết thương và hồi phục sức khỏe, riêng chị Ngọc do tình trạng sức khỏe yếu nhất nên nhận được sự chăm sóc đặc biệt.
Trước đó, vào khoảng 7h ngày 16/12, 12 công nhân đang làm bên trong hầm thủy điện bị mắt kẹt do sập hầm. Sau đó, lực lượng cứu hộ tham gia tổ chức giải cứu các nạn nhân. Đến 21h cùng ngày, một mũi khoan được khoan vào nơi các nạn nhân để tiếp sữa và cháo.
Đến ngày 17/12, các nạn nhân vẫn mắt kẹt bên trong. Trong khi phương án khoan và đào hầm vẫn chưa vào được bên trong thì mực nước trong hầm đã dâng cao đến ngực.
Một ngày sau đó, công tác cứu hộ lại gặp phải khó khăn do các mũi khoan vấp phải đá. Lúc này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tình hình đã đồng ý cho lực lượng công binh đào ngách hầm bên trái để đề phòng khi đào ngách hầm bên phải không đến đích.
Tới ngày 19/12 hai đường hầm cứu nạn được đào nhanh hơn và có nhiều tín hiệu cứu sống khả quan. Đến 16h30 đường hầm của lực lượng công binh đã tiếp cận với nạn nhân và các nạn nhân được giải cứu an toàn.