Đầu tháng 3, chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất tích và đến nay chưa tìm được dấu vết. Hãng cho rằng máy bay này đã gặp nạn tại Ấn Độ Dương, khiến toàn bộ 239 người trên khoang thiệt mạng, phần lớn là người Trung Quốc.
Sự việc đã ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín và việc kinh doanh của Malaysia Airlines với thị trường lớn là Trung Quốc. Ngành du lịch trong nước cũng bị kéo xuống theo, khi nhiều du khách nước này tẩy chay bằng cách hủy chuyến tới Malaysia.
Hôm qua, một máy bay khác của hãng lại bị rơi tại vùng chiến sự thuộc miền đông Ukraine, làm chết 298 người. Giới chức Ukraine và Mỹ nghi máy bay bị bắn bằng tên lửa phòng không.
Malaysia Airlines đang phải đối mặt với các vụ kiện tụng và hàng triệu USD tiền bồi thường cho gia đình hành khách, theo CNN. Kể cả trước khi vướng vào hai thảm kịch này, họ cũng đã ngập chìm trong rắc rối tài chính.
Giới phân tích nhận định tương lai của hãng đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Họ sẽ cần cứu trợ từ Chính phủ nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Từ nhiều năm nay, Malaysia Airlines đã chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng bay trong khu vực. Trong đó có hãng hàng không giá rẻ AirAsia. Để tăng doanh thu, Malaysia Airlines đã phải tăng lượng vé bán ra, thay vì nâng giá, trong khi vẫn phải kiểm soát chi phí hoạt động. Hãng cũng phải hủy nhiều tuyến bay đường dài.
Tuy nhiên, chiến lược trên vẫn chưa phát huy tác dụng. Môi trường kinh doanh khó khăn đã đẩy hãng vào cảnh thua lỗ ba năm liên tiếp với khoản lỗ tổng cộng 1,3 tỷ USD. Sau khi tin tức về vụ tai nạn được công bố, cổ phiếu Malaysia có lúc giảm tới 16% sáng nay. Từ đầu năm, mã này đã mất 27%.
“Tin tức hôm qua rất sốc. Làn sóng bán tháo sẽ xuất hiện khi nhà đầu tư muốn chạy thoát trước rồi phân tích thông tin sau. Việc này sẽ làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của các hãng hàng không nói chung”, Geoffrey Ng - cố vấn chiến lược đầu tư tại Fortress Capital cho biết trên Bloomberg.
Số hành khách đi Malaysia Airlines đã giảm 4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo báo cáo của hãng, tỷ lệ lấp đầy số ghế trên máy bay chỉ đạt 68,9%, giảm mạnh so với 78,4% năm ngoái.
Trớ trêu là trước khi tai nạn xảy ra, nhà đầu tư đã bắt đầu tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của hãng đã qua, Bloomberg cho biết. Khazanah Nasional - quỹ đầu tư của Chính phủ đang kiểm soát Malaysia Airlines còn cân nhắc tái cơ cấu công ty và rút niêm yết. Tháng trước, thông tin quỹ này có thể liên kết với hãng hàng không Trung Đông - Etihad Airways để giúp Malaysia Airlines đã khiến cổ phiếu của hãng tăng tới 14% chỉ trong một ngày.
Chính phủ Malaysia trước đây cũng từng có động thái giúp đỡ, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Khoảng một thập kỷ trước, họ thậm chí thành lập hẳn một công ty mua lại tài sản và hỗ trợ tài chính cho Malaysia Airlines, nhằm giảm nợ và tăng tiền mặt cho hãng.
"Việc này đã giúp họ có lãi trong vài năm sau đó, trước khi lại rơi vào thua lỗ vì quản lý kém hiệu quả và bị công đoàn chi phối", Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Credit Suisse cho biết.
Tuy vậy, Ted Gavin - Giám đốc điều hành hãng tư vấn Gavin/Solmonese nhận định: "Đây là sự cố mang tính sinh tử với một hãng hàng không. Nhưng đó cũng là cơ hội để họ lật ngược tình thế nếu biết cách xử lý thông tin và giao tiếp với bên ngoài. Nói đúng ra, đây là lúc họ thể hiện mình đã học được gì và có thể làm tốt hơn những gì sau vụ MH370".