Một trường ĐH ra thông báo ngăn sinh viên dính bán hàng đa cấp

Trước việc nhiều sinh viên bị lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp, một trường đại học ở Hà Nội đã phải ra thông báo cảnh báo về “ảo tưởng làm giàu vô lý” này.

Thông báo của trường Đại học Đại Nam (56 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) do TS Lương Cao Đông - Phó hiệu trưởng - ký, kêu gọi sinh viên “tuyệt đối không được tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp, tránh để xảy ra các hệ lụy cho bản thân và gia đình”.

“Nhiều công ty đa cấp có dấu hiệu bất thường, biến tướng, thậm chí chưa được cấp phép kinh doanh đa cấp... Các công ty này đang tạo nên những “cơn sốt làm giàu”, xáo trộn cuộc sống của cộng đồng người lao động, sinh viên bằng cách gieo rắc vào đầu họ những ảo tưởng làm giàu vô lý.Từ những nông dân cho đến các bạn sinh viên và cả những người già đã nghỉ hưu bỗng chốc trở thành những chuyên viên đa cấp. Không ít người sập bẫy công ty bán hàng đa cấp rởm, lâm cảnh nợ nần đầm đìa, thậm chí đã có nhiều người phải tự tử vì nợ nần...”.

Thông báo cũng đưa ra nhiều đường link bài báo viết về bán hàng đa cấp lừa đảo ở Việt Nam để làm dẫn chứng.


Thông báo của trường Đại học Đại Nam.

Trao đổi với phóng viên, TS Đông xác nhận nhà trường có ra thông báo cảnh báo trên. Bởi vừa qua, nhà trường nhận được thông tin một số sinh viên ngành Dược của trường tham gia và vận động bạn bè vào hệ thống bán hàng đa cấp trên Facebook cá nhân. Ngay sau đó, nhà trường đã mời các sinh viên này lên làm việc.

“Sự việc mới manh nha thì nhà trường nắm được thông tin. Chúng tôi đã mời các em lên nói chuyện và giải quyết triệt để sự việc, tránh những hệ lụy khôn lường cho sinh viên và gia đình”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, bản chất của bán hàng đa cấp không xấu, nhưng về Việt Nam, hình thức bán hàng này biến tướng rất khó lường. Các công ty đa cấp rởm thường hướng đến những người lao động, sinh viên mới lên thành phố học...

“Tôi nghĩ nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là phải học tập. Có học tập tốt thì mới có kiến thức vững vàng và có được một công việc ổn định sau này. Xã hội đang tồn tại nhiều công ty đa cấp tốt - xấu đan xen. Sinh viên cần phải tỉnh táo trước mỗi lời mời hấp dẫn từ những công ty đa cấp”, ông Đông khuyến cáo.

Mới đây, VTV đã phát sóng loạt phóng sự “vạch trần” sự lừa đảo của Công ty cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam. Công ty này dụ dỗ nhiều sinh viên mới lên Hà Nội học tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Để tham gia vào mạng lưới của công ty, mỗi sinh viên phải bỏ ra 10 triệu đồng mua 11 lọ thực phẩm chức năng. Không có tiền, họ được hướng dẫn cầm cố tài sản với lãi suất “cắt cổ”.

Sau khi biết mình bị lừa, nhiều sinh viên tìm đến công ty này muốn trả sản phẩm và lấy lại tiền. Nhiều người may mắn lấy lại được 50% hoặc 80% số tiền ban đầu bỏ ra. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn chưa thể lấy lại được tiền nên rơi vào cảnh nợ nần và gánh khoản lãi “cắt cổ”. Nhiều sinh viên đã phải báo gia đình về các khoản nợ mong tìm lối thoát, có người phải bỏ học đi làm thuê trả nợ...