Món quà đặc biệt của học trò khuyết tật tặng cô giáo 72 tuổi

Những học sinh của Lớp học Hy vọng chia sẻ về mong muốn có được món quà dành tặng cho cô giáo của mình, những tình nguyện viên nghĩ ra món quà handmade vô cùng ý nghĩa.

Hơn 20 năm qua, đều đặn từ thứ 2 tới thứ 5 hàng tuần, Lớp học Hy vọng (hiện đang ở ngõ 389, Trương Định, Hà Nội) lại rộn rã tiếng nói cười của các em học sinh khuyết tật, tiếng giảng bài của cô giáo già Nguyễn Thị Côi (72 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội).

Cô giáo Nguyễn Thị Côi tận tụy với những học trò của mình

20 năm gieo chữ bằng tình yêu thương

Những người dân ở quanh khu nhà văn hóa phường Trương Định không ai xa lạ với hình ảnh một cô giáo đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, hàng ngày đeo túi sách vở tới lớp học. Đúng 8h30, tiết học bắt đầu. 15 em học sinh đã ngồi ngay ngắn, mở sách vở để chuẩn bị cho bài học mới. Cô giáo đứng trên bục giảng, mắt đã mờ đục, giọng nói đã có phần yếu ớt nhưng nhiệt huyết muốn mang tới tri thức cho các em nhỏ kém may mắn khiến cô luôn cố gắng không ngừng nghỉ.

15 em học sinh của lớp học mỗi em một hoàn cảnh, em bị khuyết tật, em bị thiểu năng, em lại có hoàn cảnh gia đình nghèo khó không được đi học. Những ngày đầu tiên, khi Lớp học Hy vọng mới mở, cô Côi đã đi đến từng bãi rác, đến từng nhà vận động cha mẹ học sinh cho các em đi học. Mới đó đã 20 năm. Các học sinh của cô từ chỗ không biết chữ, không có khả năng đọc, hoặc viết do khiếm khuyết cơ thể giờ đây đã có thể viết, đọc như học sinh bình thường. Niềm hạnh phúc này với cô giáo Nguyễn Thị Côi thật to lớn.

Biết tới lớp học và việc làm ý nghĩa của cô Côi, các tình nguyện viên của Tiin Club đã tới phụ giúp, dạy cho các em học sinh những tiết học ngoại khóa. Trong một lần gần đây, khi trò chuyện với các em nhỏ của Lớp học Hy vọng, nghe các em tâm sự về mong muốn làm được món quà gì đó tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thành viên Tiin Club đã nghĩ ra một món quà handmade vô cùng dễ thương và nhanh chóng hướng dẫn các em thực hiện.

TNV hướng dẫn các em làm hoa hướng dương

Dù tay chân lóng ngóng, nhưng các học sinh vẫn cố gắng để làm được ít nhất 1 bông hoa góp chung vào lẵng hoa tặng cô.

Món quà nhỏ, tình cảm to

Bạn Thái Thị Sương (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cho biết: “Trong giờ học ngoại khóa cắt dán, mình có nghe em Long, học sinh của lớp tâm sự, mọi năm, các em không có quà gì tặng cho cô cả nên cảm thấy rất buồn. Ngay khi Long nói, mình đã nghĩ đến việc sẽ cùng các em làm một lẵng hoa handmade thật lớn. Chắc chắn, khi nhìn thấy lẵng hoa này, cô Côi sẽ xúc động, bởi vì những bông hoa giấy được làm với tất cả tấm lòng của các học sinh”.

Giờ học ngoại khóa đã được dành để làm những bông hoa hướng dương handmade. Với người bình thường việc làm hoa đã khó thì với các em học sinh khuyết tật còn khó hơn nhiều lần. Em Tâm – một học sinh bị tật ở cả tay và chân, giọng nói không tròn vành, rõ tiếng cho biết: “Em chỉ mới làm được 2 bông hoa, vì em cắt giấy khó hơn các bạn. Em muốn có một lẵng hoa thật lớn để gửi nhiều lời chúc của em và các bạn tới cô”.

“Em chỉ mong cô được mạnh khỏe để dạy chúng em thêm nhiều năm nữa”, Long – một học sinh của lớp tâm sự.

Những bông hoa do chính tay học sinh Lớp học Hy vọng làm đã được 2 tình nguyện viên trẻ cắm thành một lẵng hoa lớn. Sau khi lẵng hoa được hoàn thành, tình nguyện viên Tiin Club đã cùng với 15 học sinh mang tới tặng cô giáo Côi.

Thật khó có thể diễn tả được niềm vui, sự bất ngờ của cô giáo Côi khi nhận được lẵng hoa này. Cô tâm sự: “Tôi dạy các em không với mong muốn sẽ nhận được món quà gì, hay với mục đích to tát gì, chỉ mong các em biết cái chữ, ngoan ngoãn, kiếm được việc làm để nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình. Ngày hôm nay, khi biết các em tự tay làm lẵng hoa, tôi rất mừng. Các em không chỉ khéo tay, mà hơn hết, tôi biết các em luôn dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Cảm ơn các em rất nhiều, cũng nhờ có lớp học mà tôi thấy tuổi già của mình thêm ý nghĩa”.

Cùng xem thêm 1 số hình ảnh: