Mỗi bệnh viện một giá thuốc

Cùng một biệt dược, cùng một hàm lượng và cùng một công ty sản xuất nhưng giá trúng thầu vào các bệnh viện lại chênh nhau một trời một vực.

Các bệnh viện (BV) tại TP. HCM đã thực hiện xong đợt đấu thầu cung ứng thuốc vào BV năm 2012. Các thuốc trúng thầu này chủ yếu phục vụ bệnh nhân diện bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm xã hội TP. HCM chi trả. So sánh danh mục thuốc trúng thầu của nhiều BV cho thấy mỗi nơi mỗi giá khác nhau.

Chênh nhau từ 1-4 lần

Ở nhóm thuốc nội do các công ty VN sản xuất, ghi nhận cho thấy cùng là thuốc BBD 25mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 900 đồng/viên, còn vào BV Hùng Vương 3.500 đồng/viên, cao gần gấp bốn lần. Cùng thuốc Aubactam 1g/200mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 24.500 đồng/lọ nhưng vào BV Chấn thương chỉnh hình là 32.000 đồng/lọ...

Trong khi đó với nhóm thuốc ngoại nhập, trúng thầu vào các BV giá cả cũng rất hỗn loạn. Cụ thể, thuốc Bernodan (Indonesia) trúng thầu vào BV An Bình 15.000 đồng/ống, trong khi vào BV Q.Thủ Đức 22.000 đồng/ống. Thuốc Sinraci 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Trưng Vương giá 240.000 đồng/lọ nhưng vô BV Q.Thủ Đức 275.000 đồng/lọ. Thuốc Planitox 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Nguyễn Tri Phương giá 2.405.000 đồng/lọ nhưng vào BV Q.Thủ Đức 2,5 triệu đồng/lọ...

Theo giám đốc một công ty dược phẩm, đòi hỏi giá thuốc trúng thầu vào các BV phải như nhau là không thể vì các BV tại TP đều đấu thầu riêng lẻ. Hơn nữa giá dự thầu phải bí mật, nếu đấu cùng giá ở các BV thì giá sẽ bị lộ vì thời gian mở thầu ở các BV khác nhau.

Cũng theo vị giám đốc trên, giá thuốc trúng thầu chênh lệch giữa các BV trong khoảng 5-7% là chấp nhận được. Nếu chênh đến mấy chục phần trăm, thậm chí vài lần thì phải xem lại. Việc đấu thầu thuốc riêng lẻ từng BV hiện nay rất dễ nảy sinh tiêu cực và không thể tránh khỏi tình trạng mỗi nơi một giá.

Cùng một loại thuốc, đấu thầu vào bệnh viện mỗi nơi một giá. Trong ảnh: Người dân thanh toán viện phí có bảo hiểm y tế - (Ảnh: hoàng Thạch Vân)

Trả lời chúng tôi về việc thuốc trúng thầu vào BV Q.Thủ Đức luôn cao hơn các BV khác, ông Nguyễn Minh Quân - giám đốc BV Q.Thủ Đức - cho rằng giá thuốc mà các công ty dược đấu thầu vào các BV nói chung và BV Q.Thủ Đức nói riêng là do các công ty này quyết định, dựa theo hồ sơ mời thầu của BV. Khi xây dựng hồ sơ mời thầu, BV có quy định nhà thầu phải cam kết giá tham gia thầu vào BV Q.Thủ Đức không được cao hơn giá trong cùng khu vực và nếu cao hơn thì không quá 3%. Theo ông Quân, BV Q.Thủ Đức đang kiểm tra lại giá trúng thầu các mặt hàng thuốc bằng cách so sánh giá với các BV khác trên toàn TP. Khi phát hiện các nhà thầu vi phạm cam kết, BV sẽ có biện pháp xử lý.

Theo BV Chấn thương chỉnh hình TP. HCM, không biết vì sao cùng một mặt hàng giống nhau nhưng các công ty đi đấu thầu mỗi nơi một giá. Chỉ khi các BV đấu thầu xong và Sở Y tế TP tổng hợp toàn bộ danh mục thuốc trúng thầu của các BV tại TP lại thì các BV mới có dữ liệu của nhau để so sánh và đối chiếu.

Chênh lệch giá một số loại thuốc

Tên thuốc

Giá ở Bệnh viện quận Thủ Ðức

Giá ở bệnh viện khác

Chênh lệch (%)

Alphachymotrypsin

1.200 đồng/viên

450 đồng/viên

Y học cổ truyền

166%

Artreil

6.930 đồng/viên

4.600 đồng/viên

Chấn thương chỉnh hình

50,6%

Vancomycin 0,5mg

79.500 đồng/lọ

62.000 đồng/lọ

28,2%

Glevonix I.V (Ấn Ðộ)

140.000 đồng/chai

95.000 đồng/chai

Bệnh nhiệt đới

47,3%

Oxitan 100mg (Ấn Ðộ)

4.068.000 đồng/lọ

4.568.000 đồng/lọ

An Bình

12,3%

Oxitan 50mg (Ấn Ðộ)

2.068.000 đồng/lọ

2.468.000 đồng/lọ

19,3%

Ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - cho biết giá thuốc trúng thầu của các BV rất khác nhau, có những mặt hàng chênh lệch giá rất lớn. Sau khi được nhắc nhở, các BV có giá thuốc trúng thầu cao đã thương lượng với nhà cung cấp và giá nhiều loại thuốc đã được hạ xuống.

Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP, độ chênh lệch giá thuốc giữa các BV chấp nhận được là 5%. Trường hợp mặt hàng đó có giá cao hơn giá trúng vào BV khác, Bảo hiểm xã hội TP đề nghị BV nên thỏa thuận với nhà cung cấp giảm giá bằng BV khác và không thanh toán giá thuốc cao bất hợp lý.