Mẹo bài trí “chuẩn không cần chỉnh” cho phòng bếp vỏn vẹn dưới 8m²

Những mẹo bài trí nhỏ dưới đây sẽ giúp các bà nội trợ sở hữu phòng bếp có diện tích vỏn vẹn dưới 8m² nhưng vẫn tiện lợi, khoa học và đẹp mắt.

Có thể nói, phòng bếp là không gian mà chị em phụ nữ thường xuyên sử dụng trong ngôi nhà của mình. Một căn bếp rộng rãi là mơ ước của nhiều người, nhưng trong tình trạng “đất chật người đông” như hiện nay thì diện tích khu vực này chỉ vỏn vẹn trung bình dưới 8m². Vì thế, bạn cần đến những mẹo thiết kế thông minh để không gian nấu nướng tiện lợi, khoa học và khơi gợi cảm hứng nhiều hơn. Cùng chúng tôi tham khảo nhé!

1. Thiết kế bếp chữ I

Đối với căn bếp nhỏ thì tủ bếp chữ I là một trong những lựa chọn hoàn hảo. Tủ bếp chữ I là mẫu thiết kế bao gồm bàn, tủ, nội thất bố trí thẳng hàng với nhau trên một mặt phẳng. Cách bố trí nội thất như thế này vừa đơn giản, hiệu quả, lại giúp chị em đi lại thuận tiện và thao tác nấu nướng dễ dàng mà không bị vật cản. Hiện nay có rất nhiều mẫu tủ bếp chữ I với vật liệu và kiểu dáng đẹp mắt để bạn tha hồ lựa chọn cho phong cách của mình.

Bếp chữ I vừa đơn giản, hiệu quả, lại giúp chị em đi lại thuận tiện và
nấu nướng dễ dàng mà không bị vật cản.

2. Đảo bếp nhỏ xinh

Đảo bếp nhỏ là giải pháp đơn giản để các bà nội trợ che giấu sự lộn xộn trong không gian nấu nướng của mình. Đôi chỉ chỉ vỏn vẹn 5 - 8m² nhưng cách thiết kế này tạo cho bạn cảm giác như đang thống trị một “ốc đảo” của riêng mình. Ở đó, bạn tha hồ trang trí, tha hồ bày biện. Bởi lẽ, ngoài chức năng lưu trữ bên dưới, bề mặt đảo bế còn là nơi trưng bày nhanh những món ăn nóng hổi, thức uống mát lạnh hay các món tráng miệng ngọt ngào.

Thiết kế đảo bếp nhỏ tạo cho bà nội trợ cảm giác như đang thống trị
một “ốc đảo” nấu nướng của riêng mình.

3. Nội thất thông minh

Có thể nói, đối với các khu vực chức năng trong ngôi nhà nói chung và phòng bếp nói riêng thì nội thất thông minh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các rắc rối liên quan đến vấn đề diện tích. Diện tích càng nhỏ thì một món nội thất đa chức năng càng hỗ trợ bạn tốt hơn. Các nhà sản xuất không ngừng sáng tạo nên những mẫu tủ tích hợp bồn rửa, bếp nấu, ghế ngồi, kệ lưu trữ, hệ thống khử mùi tự động,… cực kỳ tiện lợi.

Nội thất thông minh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết
các rắc rối liên quan đến vấn đề diện tích.

4. Hệ thống kệ mở

Hệ thống kệ mở đang là một trong những xu hướng phổ biến khi thiết kế phòng bếp nhỏ hiện nay. Thay vì những mẫu tủ đồ sộ với cánh cửa khép mở, bạn có thể chọn cho mình mẫu kệ mở, vừa đẹp mắt vừa gọn gàng mà lại tạo sự thoáng đãng cho bếp. Ở đó, bạn tha hồ lưu trữ bát đĩa, ly tách,… hoặc khéo léo hô biến nó thành nơi trưng bày những bộ sưu tập đồ bếp xinh xắn, tạo điểm nhấn cho góc bếp nhỏ thu hút và nổi bật hơn đấy!

Biến hệ thống kệ mở thành nơi lưu trữ bát đĩa gọn gàng hoặc trưng
bày bộ sưu tập xinh xắn cho căn bếp.

5. Ánh sáng tự nhiên

Không thể phủ nhận ánh sáng tự nhiên là yếu tố góp phần trong việc tạo nên sự thông thoáng cho không gian nấu nướng vốn chật chội và bí bách. Nếu có điều kiện, đừng ngại ngần bố trí căn bếp của mình tại cửa sổ, nơi đón nhận những tia nắng ấm áp tươi sáng của mặt trời. Như thế, bạn vừa tiết kiệm năng lượng điện, vừa ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài, hơn nữa lại giúp thổi bừng lên sức sống thiên nhiên vào căn bếp vỏn vẹn chưa đến 8m2.

Ánh sáng tự nhiên giúp thổi bừng lên sức sống thiên nhiên, đem sự thoáng
đãng vào căn bếp vỏn vẹn chưa đến 8m².

6. Trang trí sáng tạo

Cuối cùng, bên cạnh những yếu tố như công năng, tiện ích, hiện đại và lưu trữ khoa học, chị em đừng bỏ qua công đoạn trang trí cho bếp. Góc bếp tuy “khiêm tốn” về diện tích nhưng vẫn không hạn chế sự sáng tạo của mỗi người. Nếu biết cách khéo léo cùng óc thẩm mỹ tinh tế, bạn có thể biến nơi đầy khói bụi và dầu mỡ trở nên đầy cảm hứng. Tận dụng bức tường, rèm che, chậu cây cảnh, hoa tươi,… mọi chi tiết được nhấn nhá sẽ tạo sự nên thơ và lãng mạn đấy.

Trang trí khéo léo sẽ giúp cho căn bếp khô khan trở nên mềm mại và
quyến rũ đầy cảm hứng cho bà nội trợ.