Điển hình nhất là bố tớ, cứ đi nhậu say nhè rồi về nhà kêu là vất vả, kêu khổ sở vì phải chiều sếp, chiều khách hàng, kêu là được bát cơm ăn cũng chan đầy nước mắt. Gớm, chẳng biết nước mắt người lớn có ngọt lắm không mà ngay khi không đi với sếp, không đi với khách hàng, bố tớ cũng cứ cố gắng đi nhậu với mấy ông bạn.
Làm ngày còn bé tớ cứ nghĩ nước mắt ngọt lắm.
Nhưng rồi lớn lên, tớ bắt đầu biết nước mắt là thế nào. Nhiều người phải đợi đến lớp 1 mới biết tới nước mắt, giống như một anh hàng xóm hay trêu: Sáu năm trời không rượu bia, không thuốc lá, không đi chơi đêm và không cả đàn bà. Thế rồi cũng đến ngày tôi… đủ tuổi vào lớp 1.
Phải tới tận lớp 1 mới biết nước mắt ư? Trời ơi, sao mà hạnh phúc, sao mà sung sướng. Bọn họ càng lớn càng thấy đời đen tối. Còn bọn nhóc chúng tớ, bọn tớ thấy đời u ám ngay từ khi 3 tuổi. Đấy là lúc bọn tớ đi mẫu giáo.
Cứ nghĩ lại những ngày đó là tớ muốn viết ngay cuốn hồi ký “Tôi đã sống sót qua những ngày mẫu giáo” như thế nào.
Hình như mẹ cũng biết tớ sắp bước vào cuộc chiến nên mấy ngày trước đó, bà đã “phang” ngay mấy cuộc vận động hành lang bằng những bài hát mà có lẽ chính bà cũng từng là nạn nhân: “Bé lên 3, bé zô mẫu giáo…”
Lời bài hát cũng thường thôi một người am hiểu nghệ thuật như tớ lại nhanh chóng bị cuốn vào giai điệu vui tươi, nhún nhảy của nó. Vậy là tớ dại dột tự nguyện nhún nhảy đi mẫu giáo.
Liền sau cái dại dột nhún nhảy hồn nhiên đó là 1 sự thật kinh hoàng. Thật đến phũ phàng. Phũ phàng đến ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng đến bàng hoàng. Bàng hoàng đến sỗ sàng. Đó là không giống như bài hát “Cô thương cháu vì cháu không khóc nhè” mà là bọn tớ càng khóc, cô giáo càng… không thương.
Lúc tớ bước vào, các cô cười như mùa thu tỏa nắng. Ôi, những bà tiên của cuộc đời tôi, lúc đó tớ nghĩ thế. Nhưng ngay sau khi mẹ tớ bước đi, cánh cửa khép lại, cô biến thành một mụ yêu tinh với khuôn mặt trắng, mũi và cằm dài ngoẵn, giơ bàn tay gầy guộc nhe những hàm răng nhọn hoắt, gằn lên từng tiếng dằn mặt. Đỉnh điểm là lao vào thằng Rực Rỡ phang 2 phát vì thằng này mặc cái áo sặc sỡ nhất, trung tâm chú ý của cả lớp. Đúng là giết gà răn khỉ đây.
Dĩ nhiên là bọn tớ ngay lập tức im re một phép. Tất cả nín lặng chờ đợi lệnh tiếp theo của cô giáo, còn đâu những con mèo suốt ngày nhõng nhẹo mẹ ở nhà, những con cún nghịch như giặc của bố và nhưng chú khỉ bày trò phá tan hoang đồ đạc ở nhà khiến bà vất vả dọn lại. Trong đầu lũ chúng tớ chỉ có một từ: im lặng và đợi lệnh.
Nhưng than ôi! Khốn khổ cho thằng Tuổi Thơ, nó cứ thờ ơ như là trong mơ trước những lời không thể làm ngơ của cô giáo. Ngay lập tức, nó giống như chú chuột Jerry bị cô giáo Tom lao vào bốp, chát, hự, giằng xé, quăng quật đến nát tươm như trên tivi mà bọn tớ hay xem.
Phải công nhận là thằng Tuổi Thơ nhỏ tuổi mà chí nhớn. Sau màn quăng quật đó là bị lũ chúng tôi “Êêêêêêêêêêêêêêêê” một tràng dài, thằng Tuổi Thơ vẫn cố cười méo mó, coi chúng tôi là cờ hó còn nó là kẻ đánh chó không thương, tức là một vị anh hùng lừng lẫy trong mắt bọn nhóc chúng tôi thời đó.
Và dĩ nhiên, dưới đầu óc thần tượng hóa của chúng tôi, đường đường là một anh hùng thì ai lại ăn cơm. Mất hình ảnh lắm. Và hình như thằng Tuổi Thơ cũng quyết giữ hình ảnh hiên ngang của mình. Nó không ăn cơm.
Sau màn trợn mắt với bộ lòng trắng to đùng, “phù thủy”, kẻ luôn là đối thủ của anh hùng trong các chuyện cổ tích, đưa thìa cháo ngang miệng thằng Tuổi Thơ và quát: “Nào, há mồm to ra. Nuốt”.
Dĩ nhiên Tuổi Thơ không nuốt rồi.
“Cái tai đâu rồi? Cái mồm không chịu nhai cơm thì có thích lấy cái phễu cắm vào tai xong đổ cơm vào đấy không?”, “phù thủy” bắt đầu cáu.
Tuổi Thơ bắt đầu run sợ. Anh hùng thì anh hùng chứ. Anh hùng mà bị đổ cơm vào tai cũng chết nhăn răng lun, 2 dòng nước mắt đã bắt đầu rơi trên đôi mắt của “anh hùng”.
Ngay khi 2 dòng nước ấy rơi là 2 nhát đét mông đến từ đôi tay của “phù thủy”. Lúc này “anh hùng” đã chịu mở miệng, nhưng không phải là để ăn cơm mà là vì nó… mếu máo, òa khóc. “Phù thủy” tranh thủ tung chưởng, bắn 3 phát cơm liên tiếp vào miệng “anh hùng”. Nước mắt tuôn rơi từ mắt và nước miếng trào ra từ miệng của “anh hùng”, hòa lẫn vào bát cơm khiến lũ còn lại chúng tớ vô cùng đau lòng. Trong giây phút chúng tớ nhắm mắt nhắm mũi trước cảnh “tranh tài” thì “phù thủy” đã chiến thắng trong việc “bắn cơm” liên tiếp vào cái miệng mếu máo của thằng Tuổi Thơ.
Vậy mới thấy bát cơm chan đầy nước mắt của bố tớ chỉ là chém gió. Lũ nhóc chúng tớ mới có quyền nói điều ấy.
Giờ nghỉ trưa là những giây phút yên bình nhất. Lũ chúng tớ không phân chia giai cấp, không phân biệt sang hèn, chui tuốt tuột vào một cái chăn ấm. Đó sẽ là giây phút tuyệt vời nhất trong đời mẫu giáo của chúng tớ, chỉ trừ vô phúc một ngày đẹp trời nào đó thằng Simba đầu gấu “thả bom”. Cả lũ cứ gọi là “ngây ngất”.
Những lúc đó, không đứa nào trong bọn tớ ngủ cả. Đứa thì ngồi cạy chiếu cho vào mồm nhai, đứa thì ngoáy mũi ra cả đống gỉ xong bôi vào mồm đứa đang ngáy chảy hết cả nước dãi bên cạnh, đứa thì hí hoáy giở món đồ chơi đã thủ sẵn từ lúc ăn xong ra mần, cặp thì cắn tai – nhổ lông mày cho nhau.
Riêng thằng Tuổi Thơ, hôm đó nó nấc liên tục và còn ngất lịm đi. Bọn tớ òa lên khóc và “phù thủy” vội vã đưa nó đi bệnh viện. Bọn tớ sung sướng vì được nghỉ học sớm.
Sau hôm đó, thằng Tuổi Thơ ấy không đi học nữa. Nghe đâu nó đã được lên vườn cổ tích thành thiên thần. Đúng là vườn cổ tích, giấc mơ của tuổi thơ.
Thằng Jerry Tuổi Thơ ra đi một cách vô cùng nhanh chóng như thế, người nhớn thì náo loạn cả lên, báo chí ầm ầm vào cuộc còn lũ nhóc chúng tớ cũng cố nặn trong kho từ vựng của những đứa trẻ 3 tuổi viết một bài tưởng nhớ bạn:
Mẹ của em ở trường
Là con ngáo rất ghê
Ngáo phang em túi bụi
Dạy dỗ em bằng thước
Em kinh biết bao nhiêu
Mẹ của em ở trường
Mẹ của em ở trường
Là con ngáo rất ghê.
Đập, bịt, tát liên hồi
Bồi vài nhát nốc ao
Thêm ba phen kẹp háng
Em kinh biết bao nhiêu
Mẹ của em ở trường
Mẹ của em ở trường
Là con ngáo rất ghê
Ôi em khiếp bao nhiêu
Mẹ của em ở trường
Mẹ của em ở trường
Một con ngáo... rõ ghê!!!