Dở khóc, dở cười
Làm nhân tượng (người mẫu tượng) đang là một trong những việc làm thêm bán thời gian thu hút giới trẻ. Những người mẫu tượng thường mặc trang phục bó sát, ít vải, phủ lên mình một lớp màu hoặc được sơn, vẽ theo yêu cầu của khách hàng sau đó tạo dáng bất động nhiều giờ liền như một bức tượng thực sự.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có những đòi hỏi khá cao.
Chị Mai Nguyên, quản lý một nhóm chuyên làm người mẫu tượng tại các sự kiện, cho biết muốn làm nhân tượng trước hết phải có vóc dáng đẹp. Người mẫu không chỉ có chiều cao mà còn phải có ngoại hình cân đối, đối với nam còn yêu cầu phải có cơ bắp. Cũng chính vì thế mà so với các PG, PB (Promotion Girl, Promotion Boy - nam nữ tiếp thị), nghề làm người mẫu tượng có sự sàng lọc khá kỹ.
Một nữ người mẫu tượng tạo dáng trong một sự kiện triển lãm.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất đối với một nhân tượng chính là sức khỏe và sự dẻo dai để có thể đứng tạo dáng trong nhiều giờ liền.
N.Quý (22 tuổi, TP.HCM) theo đuổi nghề người mẫu tượng được gần nửa năm, cho biết làm nhân tượng trong một sự kiện thường kéo dài khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Để đỡ mỏi, cách 10 phút nhân tượng lại đổi cách tạo dáng một lần.
“Mình đã chứng kiến một số bạn mới làm lần đầu, chưa quen, đứng được hơn một tiếng đã mệt người đi vì nhịn ăn sáng. Vì thế mà muốn làm nhân tượng, trước hết phải có sức khỏe tốt”, Quý chia sẻ.
Thông thường, nhân tượng sẽ được phủ lên mình một lớp màu hoặc được tô vẽ theo yêu cầu (body paiting). Các nhân tượng chia sẻ rằng chính họ cũng không biết những loại màu này khi sử dụng lên da có ảnh hưởng gì sau này hay không, nhưng mỗi lần tắm gội phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Riêng những nhân tượng nữ gội đầu ít nhất cũng phải 3-4 lần mới hết màu dính trên tóc.
Làm nhân tượng được hơn một tháng, Minh Trường, sinh viên năm 3 Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Mỗi lần làm nhân tượng, mình thường không dám ăn hay uống gì vì sợ màu trôi vào miệng. Phải chịu đựng như vậy cho đến khi công việc kết thúc”.
Một người mẫu tượng ngồi nghỉ ngơi.
Tiếp xúc với các “nhân tượng”, chuyện vui cũng là chuyện dở khóc, dở cười của họ thường xoay quanh thái độ của những vị khách.
Thanh Thảo, có kinh nghiệm làm nhân tượng được một năm, kể: “Có lần mình làm nhân tượng ở một sự kiện, một cô bé thấy mình chớp mắt liền khóc thét lên vì… sợ. Cũng có mấy cậu nhóc nghịch ngợm, nhéo thử xem “tượng” có đau không. Thú thật là lúc đó đau lắm nhưng vẫn phải ráng vì đâu thể nhúc nhích nhiều quá được”.
Thoại Trân, một người mẫu tượng khác, chia sẻ: “Cũng may là những sự kiện mướn nhân tượng thường tổ chức ở những nơi sang trọng, đối tượng khách được sàng lọc nên cũng không có chuyện sàm sỡ hay quấy rối gì. Làm lâu rồi cũng quen, không còn ngại ngần khi xuất hiện trước những ánh mắt tò mò, soi mói nữa”.
Tuy nhiên, vì phải mặc những bộ trang phục kiệm vải nên người mẫu tượng còn phải chịu đựng cái lạnh khi trình diễn trong môi trường máy lạnh hoặc khi thời tiết khắc nghiệt. “Cũng có lúc bị kiến đốt, chỉ dám len lén… gãi vì sợ bị chủ la”, một người mẫu tượng chia sẻ.
Đắt sô
Theo chị Mai Nguyên, nhu cầu sử dụng nhân tượng trong các sự kiện ngày càng tăng vì sự độc lạ và khả năng thu hút sự chú ý cao.
Chị cho biết: “Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc nhưng tôi bắt đầu thử sức với nghề này từ năm 2008 khi có một vị khách nước ngoài muốn vẽ bánh xe lên người mẫu để quảng cáo sản phẩm. Lúc đó nghề này chưa thịnh lắm. Bây giờ người mẫu tượngkhông dừng lại ở việc xuất hiện ở các sự kiện quảng bá, ra mắt sản phẩm, khai trương mà còn ở các đám cưới, tiệc tùng của những nhà giàu nên nhu cầu khá cao”.
Một người mẫu nam tạo dáng tượng thần tình yêu.
Cũng chính vì vậy mà khi được chọn làm nhân tượng và quen với công việc thì người mẫu thường rất đắt sô. Chàng sinh viên Minh Trường là một điển hình. Tuy chỉ mới đi làm được hơn một tháng nhưng Trường đã nhận được 5-6 sô làm nhân tượng.
“Một sô 3-4 tiếng mình thường kiếm được khoảng 550.000-600.000 đồng. Lương cao hơn rất nhiều so với những công việc làm thêm khác nên đây được xem là một trong những nghề thời thượng với sinh viên tụi mình”, Trường cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo chị Mai Nguyên, làm nghề này đôi khi cũng gặp phải những yêu cầu oái oăm của khách hàng như phải dùng màu neon để phát sáng trong đêm hoặc muốn người mẫu không mặc đồ, chỉ độc nhất chiếc quần lót dây để thể hiện hết mẫu vẽ theo ý của họ.
“Những phi vụ như vậy thường hạn chế khách mời, người mẫu cũng phải là những cô gái dạn dĩ. Nhưng thường tôi rất ít khi nhận sô này vì văn hóa Việt Nam rất khó chấp nhận. Mặc dù ở nước ngoài, có khi người ta còn khỏa thân hoàn toàn khi làm nhân tượng”, chị Mai Nguyên cho biết.
Với những “bầu sô” nhân tượng, họ được trả khoảng một triệu rưỡi nếu có hai nhân tượng xuất hiện trong một sự kiện. Số tiền này được dùng để chi trả lại cho ngườimẫu tượng và mua màu vẽ. Ý tưởng vẽ thường do người bầu sô nghĩ ra dựa trên mục đích của sự kiện hoặc vẽ theo mẫu có sẵn.
Còn với người mẫu, chuyện "chạy sô" cũng không phải hiếm. “Một khi đã quen việc và có vóc dáng đẹp, một tháng bạn có thể nhận được hơn chục sô là chuyện thường. Có khi sự kiện trùng nhau phải chạy sô hai nơi trong một ngày rất đuối”, người mẫu tượng T.Anh cho biết.