Mâu thuẫn bố chồng nàng dâu và nỗi đau để lại

Người con dâu ích kỉ, tệ bạc; người con trai nhu nhược không có bản lĩnh cùng phút nóng giận nhất thời đã đẩy người cha vào vòng tù tội ở tuổi xế chiều.

Bi kịch gia đình

Phần nhớ, phần muốn đỡ đần con, người cha Lê Văn Chấn (SN 1951) từ Đồng Nai lên TPHCM xin phụ bán ở một quán hủ tiếu với tiền lương 32.000/ ngày. Tuổi già, sức yếu, công việc bưng bê lại đòi hỏi nhiều sức khỏe nên ông chuyển sang làm bảo vệ cho một công ty. Ngày đi làm, tối về nhà con trai ngủ, ông nương náu chút hơi tàn tuổi xế chiều vào tình thương dành cho con cháu.

Thế nhưng, đáp lại niềm mong mỏi được gần con cháu của ông là chuỗi ngày căng thẳng mâu thuẫn cùng con dâu. Nhiều lần, con dâu ông bảo mất tiền và nghi ngờ chính cha chồng là người lấy. Bỏ mặc ngoài tai lời biện minh đầy đau đớn của cha chồng, người con dâu vẫn không ngừng hoài nghi, cằn nhằn khiến không khí gia đình trong căn phòng trọ nhỏ hẹp ngày càng ngột ngạt. Đỉnh điểm mâu thuẫn, cả hai lớn tiếng cãi nhau, gây mất trật tự, phải đưa ra khu phố giải quyết.

Nỗi đau trong lòng người cha càng trĩu nặng khi người con dâu đòi tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Không chịu nổi không khí gia đình lạnh nhạt, sau khi đưa con dâu 1,6 triệu đồng, ông đến gặp giám đốc công ty nơi mình làm việc, xin được ở lại tại phòng làm việc. Đề nghị được chấp nhận, ông về nhà, thu dọn đồ đạc ra đi trong ánh nhìn hững hờ của người con dâu.

Giận thì giận, nhưng tấm lòng người làm cha mẹ đầy bao dung, ông bỏ qua mọi lỗi lầm của con dâu. Khoảng 20h ngày 28/1/2012, nhớ cháu nội, ông mua một chiếc bánh bao cho cháu rồi đạp xe đạp về phòng trọ của con trai (ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) sau một ngày vất vả làm việc.

Niềm vui mừng được gặp con cháu của ông bị dội một gáo nước lạnh khi người con dâu vừa nhìn thấy cha chồng liền đóng sập cửa lại. Líu ríu, người cha tội nghiệp đến gõ cửa, năn nỉ con dâu: “Con mở cửa ra cho cha gặp cháu một tí”. Nghe vậy, người con dâu vẫn cương quyết: “Ông về đi, tôi không mở đâu”.

Nỗi đau âm ỉ lâu ngày bùng nổ, ông tức giận, đi mua 150.000 đồng được hơn 7 lít xăng và một chiếc quẹt ga. 0h30 ngày 29/1/2012, ông quay lại phòng trọ của con trai, đổ 5 lít xăng vào bịch nylon, ném qua lỗ thông gió trên cửa sổ vào phòng trọ. Tiếp theo, ông lấy ổ khóa, khóa trái bên ngoài cửa phòng con trai đang ngủ và châm lửa đốt. Số xăng còn lại ông đổ hết vào người để tự tử.

Khi xăng bùng cháy, con dâu và con trai ông la hét kêu cứu nên được người dân trong khu vực đến đập phá cửa, đưa đi cấp cứu. Riêng ông tự cởi áo dập lửa cho mình rồi đón xe về nhà ở Định Quán, Đồng Nai, được người nhà đưa đi cấp cứu.

Vụ việc khiến ông và con trai bị tổn hại sức khỏe lần lượt là 38% và 12%. Riêng con dâu ông chỉ bị thương nhẹ, cháu nội ngủ ở nhà người quen nên thoát nạn. Vụ cháy làm hư hỏng 2 xe gắn máy và một số vật dụng.

Bị cáo được dẫn giải đi sau phiên tòa

Nỗi đau tuổi xế chiều

Đứng sau vành móng ngựa, gương mặt người cha hằn những nếp nhăn cùng nỗi đau khó có thể phai. Đôi mắt ông u ám buồn, day dứt những cảm xúc không gọi thành tên. Nước mắt lăn dài, ông trình bày: “Tôi quyết định ra đi để không phải chịu cảnh nghe con dâu nói này nói nọ và cũng không phải rơi nước mắt mỗi khi nghĩ về thân phận của mình. Thế nhưng, thương cháu, tôi nhẫn nhịn bỏ qua”. Xúc động, ông ngừng lời hồi lâu rồi run run nói: “Tôi giận không kìm lòng được. Tôi nghĩ là đốt cả hai vợ chồng nó cho rồi. Con gì trời đánh vậy… Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình sai rồi…”.

Ông Chấn lặng thinh, đôi mắt buồn rười rượi mỗi khi được khơi lại chuyện cũ. Ông nghẹn ngào cho biết, ngay từ thời mới cưới vợ, sinh được đứa con trai vui mừng vô kể. Bởi, ông hy vọng cậu con trai sau này sẽ chăm sóc mình khi về già và là người chống gậy khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng, khi lớn lên, niềm mong ước đó của ông bị dập tắt khi con trai quá nghe lời vợ. Nhiều lần, xích mích với con dâu, ông Chấn đã nói riêng với con trai, nhưng anh cũng chỉ im lặng. “Tôi cũng đâu muốn mọi chuyện xảy ra như thế này. Tôi cũng là một người bố, người ông, tôi thương con thương cháu. Nhiều lần cố nín nhịn, nhưng càng nhịn thì con dâu lại càng lên nước và tôi không chịu nổi”, giọt nước mắt ứa đầy trên đôi mắt.

Được mời lên thẩm vấn, người con trai cúi đầu xấu hổ, không dám ngước nhìn cha cũng như HĐXX. Lí nhí, anh thừa nhận: “Tất cả những điều cha tôi khai là đúng sự thực”. Phía sau hàng ghế dự khán, một người bất bình nói trổng: “Con cái sao mà bất hiếu quá”. 

Thở dài, vị chủ tọa nói: “Trong cuộc sống gia đình, có bao nhiêu mâu thuẫn xảy ra, những người liên quan phải tự tìm cách giải quyết một cách êm đẹp nhất. Vợ có cách hành xử không đúng thì chồng phải khuyên nhủ để vợ sửa sai. Thế nhưng, làm chồng mà anh lại im lặng nhìn mâu thuẫn kéo dài. Trong khi đó, bị cáo là bậc làm cha, phải khuyên nhủ để các con thấy được cái đúng, cái sai. Thế mà, chính bị cáo lại tìm cách không hay nhất để giải quyết mâu thuẫn”. Người cha cúi đầu rưng rưng, người con trai òa khóc, đưa tay gạt nước mắt. Trở về chỗ ngồi, anh len lén nhìn bóng lưng cha nơi vành móng ngựa rồi cúi đầu trầm mặc.

Trong phiên tòa hôm đó, người con dâu không đến. Có lẽ, nếu con dâu đến và biết suy nghĩ, khi nhìn thấy cảnh bố chồng đứng trước vành móng ngựa với chiếc đôi tay bị còng, chồng lại cố giấu nước mắt nhìn cha thì cô cũng sẽ hối hận vì mình chính là lý do gây nên mọi chuyện. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán, còn sự thực, cô vẫn không đến, bỏ mặc bố chồng với những lời lí nhí cầu khẩn giảm tội.

HĐXX nhận định đây là vụ án “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” do bị cáo Lê Văn Chấn trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội nên cần phải xử lý nghiêm mình. Tuy nhiên, bị hại cũng có một phần sai phạm, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có cha là liệt sĩ… nên HĐXX xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo một phần mức án, tuyên phạt bị cáo 7 năm về tội “Giết người”, 2 năm về tội “Hủy hoại tài sản”, tổng cộng hình phạt là 9 năm tù giam.

Ông Chấn lê từng bước nặng nề theo chân công an viên dẫn ra bít bùng chờ ngày thi hành án mà đôi mắt nhìn xa xăm. Đứng phía sau, anh con trai đưa mắt dõi theo, cố lấy tay áo lau vội dòng nước mắt đang rơi. Có lẽ, anh đang khóc cho 9 năm dài đằng đẵng tiếp theo của cha mình ở trong trại giam và cũng khóc cho chính sự nhu nhược của chính mình.