Lý giải cái chết của bò tót gây náo loạn sân bay Phú Bài

Mặc dù đã được 3 chuyên gia cứu hộ từ Sài Gòn đến sân bay quốc tế Phú Bài để hỗ trợ, song chú bò tót cũng đã chết sau khi dẫn độ về trại voi.

Sáng 25/7, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra thông cáo báo chí kết luận bước đầu về vụ việc cứu bò tót tại sân bay quốc tế Phú Bài. Ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: “Nguyên nhân bò tót chết, do bò tót là loài hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong hoàn cảnh hoàn toàn không phù hợp với loài này nên sức khỏe của con thú đã suy kiệt rất nghiêm trọng.

Đặc biệt bò tót là loài rất háo nước, khả năng nhịn nước rất kém, nhất là các con trưởng thành có trọng lượng cơ thể lớn như cá thể bò tót này, trong khi đó khu vực sân bay thiếu nguồn nước, nhiệt độ ngoài trời cao, thời tiết trong thời điểm cứu hộ rất hanh khô, bê tông sân bay hấp thu nhiệt khiến khu vực sân bay càng nóng hơn, thiếu thức ăn lại bị truy đuổi, không được nghỉ ngơi, bị stress nghiêm trọng do tiếng ồn của động cơ và có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem xung quang hàng rào sân bay nên khả năng suy kiệt con vật càng nghiêm trọng”.

Về bệnh lý: con bò tót này bên ngoài không có vết tích, bụng chướng hơi, dưới da không bị xung huyết, lá lách bình thường; thận bình thường phổi có xung huyết, khí quản có xung huyết, tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim và vành mở cơ tim; gan, mật bị xưng, ruột non, ruột già xuất huyết và bên trong có máu;  manh tràng có xuất huyết, hạc màng treo ruột sưng.

Theo ông Hoạch, ngay sau khi nhận được tin báo,Chi Cục kiểm lâm  và các chuyên gia đã đến hiện trường và bước đầu xác định, đây là cá thể bò tót (Bos gaurus), con đực đã trưởng thành, đây là loài động vật thuộc nhóm IB, được quy định tại nghị định số 32 của Chính phủ về danh mục các loài động, thực vật quý hiếm.

Trước yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, hàng không, sớm đưa sân bay hoạt động trở lại bình thường. Phía UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm phối hợp với cảng vụ hàng không phú bài và UBND thị xã Hương Thủy tiến hành các biện pháp khu trú bò tót ở các lùm cây ngay trong khu vực cất, hạ cánh để bảo vệ an toàn cho con thú này, bảo vệ người dân khu vực lân cận và đảm bảo an ninh hàng không trong khi chờ phương án xử lý tốt nhất. Và sau khi được sự chỉ đạo của tỉnh và Tổng Cục lâm nghiệp cùng các chuyên gia, chúng tôi lựa chọn phương án bắn thuốc mê để đưa cá thể này về trai nuôi nhốt, nhưng nhưng, cuối cùng bò tót đã chết và đã được tiêu hủy đêm qua.

Tuy nhiên, khả năng vì đánh thuốc mê có quá liều hay không mà làm bò chết thì chưa được xem xét vì cần phải xét nghiệm các thông số trong máu mới biết được? Bên cạnh đó, theo nhận xét của một số người dân thì công tác vây bắt bò quá lâu (Chi Cục kiểm lâm nhận được tin báo bò xuất hiện ở sân bay Phú Bài từ lúc 9h30 ngày 23/7 nhận tin báo nhưng đến 16h ngày 24/7 mới hạ gục được bò tót). Từ lúc có đội cứu hộ từ TP. HCM ra Huế vào buổi sáng thì phải gần 10 tiếng đồng hồ mới đánh thuốc mê con bò tót được trong khi phạm vi của sân bay Phú Bài - nơi mà con bò bị bao vây từ tối qua không phải là quá lớn(cách đường băng 500m). Dư luận cũng đang đặt ra có hay không cơ quan chức năng gặp phải một số lúng túng khi đã lâu rồi mới xử lý một cá thể quý hiếm là bò tót với sức mạnh, sự hung hãn khi sống ở thiên nhiên quá lâu?

Nguyên nhân dẫn đến cái chết đáng tiếc của 1 con vật được liệt vào Sách Đỏ Việt Nam hiện đang tồn tại rất ít tại nước ta vẫn đang chờ kết luận cuối cùng. 

Phóng viên đặt câu hỏi dư luận đang quan tâm, nhiều người cho rằng có phải do chúng ta bắn thuốc gây mê quá liều nên bò tót chết?

Nhưng ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh TT. Huế: đã từ chối trả lời và cho rằng tất cả chúng tôi đã trả lời trong thông cáo báo chí. Tuy nhiên, có một điều là trong thông cáo báo chí không hề đề cập đến việc bắn bao nhiêu mũi, và liều lượng bao nhiêu? Thì chưa được làm rõ.