Sau hàng loạt phương án để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như: Đổi giờ học giờ làm, làm cầu vượt nhẹ trên cao, di dời một số cơ quan, bộ ngành ra ngoại thành, đề xuất thu phí xe,… mới đây, Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội đã trình Bộ GTVT một phương án nhằm hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy, đó là nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe Túc Túc). Ngay sau khi Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội đưa ra đề xuất này, Đa số độc giả đã bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí phản ứng dữ dội và cho rằng đây là đề xuất ngược đời.
Cải tiến hay cải… lùi?
Nhìn bề ngoài, xe Túc Túc chẳng khác nào xe lam, xe 3 bánh… đã được cấm sử dụng từ năm 2008, theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Theo Nghị quyết, lý do cấm được đưa ra là do không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, chở hàng hóa cồng kềnh gây ùn tắc giao thông… Bạn đọc tại địa chỉ email boo_00...@yahoo.com.vn đã viết: Đây là đề xuất lạ lùng và ngược đời nhất từ trước tới giờ. “Mãi mới cấm được xe ba bánh, giờ lại định cho lưu hành mấy loại xe Túc Túc. Thử hỏi xe Túc Túc chở được mấy người, kềnh càng như cái ô tô. Và liệu đi xe này có rẻ hơn taxi không, hay nhập thêm xe để làm thành phố trở nên bát nháo hơn. Tại sao không giảm lượng ô tô cá nhân và xe công. Hơn nữa, phương tiện này của các nước khác chính là nét văn hóa rồi, sao phải lấy văn hóa xứ người về làm đường xá Việt Nam thêm lộn xộn? Thật lạ cho những suy nghĩ này”.
Bạn đọc tại địa chỉ vuabanhmi...@yahoo.com cũng cho rằng sẽ là sai lầm lớn khi đưa xe Túc Túc vào sử dụng: “Ngày trước xe xích lô bị cấm với lý do là cồng kềnh và gây ùn tắc giao thông (đặc biệt là trong phố cổ). Sau đó hạn chế xích lô đến mức giờ những người làm nghề đó phải chuyển sang chạy xe ôm hoặc về quê làm ruộng. Giờ lại đi nhập một loại xe giống kiểu xe lam và lại cồng kềnh hơn xe xích lô về để giảm thiểu ách tắc là sao? Người có xe máy rồi thì liệu có để xe máy ở nhà để đi xe Túc Túc hay không? Theo tôi nếu đồng ý cho nhập xe này về nữa thì sẽ là một sai lầm lớn của Bộ GTVT và đường đã tắc thì sẽ lại càng tắc hơn".
Đa số độc giả cho rằng: Đề xuất đưa xe Túc Túc vào sử dụng là một "tối kiến" (Ảnh minh họa)
Từ góc độ một người đã từng đi xe Túc Túc ở Thái Lan, bạn đọc tại địa chỉ trieu...@yahoo.com chia sẻ: “Tôi đã đi xe Túc Túc ở Bangkok, lái xe không tuân theo luật lệ gì cả, phóng nhanh vượt ẩu. Đi một lần sợ mãi không dám đi nữa. Sao Hiệp hội Vận tải Hà Nội không phát triển hệ thống xe buýt cho dân nhờ lại đi cải lùi như thế? Ai sẽ là người hưởng lợi từ sáng kiến cải lùi này? Cứ xe đi xe buýt là tiện lợi, sạch sẽ và văn minh nhất".
Bạn đọc tại địa chỉ longhhn...@yahoo.com phân tích 4 cái bất lợi khi nhập khẩu và cho lưu hành xe Túc Túc: Thứ nhất: Tốn một lượng ngoại tệ để nhập xe, làm giàu cho nước ngoài, làm nghèo cho đất nước vì hạn chế xe máy: "bỏ thì vương mà thương thì tội"; Thứ hai: Ô nhiễm môi trường vì tăng cường khói xe trên trục giao thông; Thứ ba: Đến giờ tan tầm hàng loạt các loại xe taxi, xe máy, xe con, xe buýt, nay lại thêm xe Túc Túc khiến đường xá kẹt cứng; Thứ tư: Ngồi xe Túc Túc vừa nóng vừa hít khói mà cũng không nhanh được là bao. "Đề nghị trước khi đưa ra ý kiến nên suy nghĩ thật kỹ, không lại giống quy định ngực lép không được đi xe máy. Người dân sẽ nghĩ gì về người đưa ra những đề xuất kỳ cục này".
“Giao thông Việt Nam lâu nay đã quá phức tạp nhưng cũng đừng vì như vậy mà làm cho nó thêm phức tạp hơn. Nếu có thay đổi thì hãy hướng tới những cái thật sự mới mẻ, không cần phải học và bắt chước các nước khác”, bạn đọc tại địa chỉ ducminh...@gmail.com chia sẻ.
“Tôi thấy Hiệp hội Vận tải Hà Nội có ý tưởng này 30 năm về trước thì dân ta sẽ đồng tình ủng hộ. Hiện đại hóa-Công nghiệp hóa đất nước mà đưa ra những ý tưởng như thế này là không có tính xây dựng, thật trì trệ cả trong suy nghĩ.”, bạn đọc tại địa chỉ nam...@yahoo.com bức xúc.
Hãy giải quyết gốc gác vấn đề
Đa số độc giả cho rằng, vấn đề quan trọng của giao thông không phải là số lượng xe máy mà xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là tổng thể quy hoạch hệ thống đường sá, không gian sinh hoạt và ý thức chấp hành của người dân... Yếu tố xe cộ chỉ là một nguyên nhân nhỏ mà thôi”.
Bạn đọc tại địa chỉ hieubh...@gmail.com cho rằng: “Cơ sở hạ tầng tồi tệ của Việt Nam chỉ thích hợp cho xe máy, đó là quy luật mà tại sao xe máy lại thông dụng đến vậy. Bản thân người đi xe máy cũng không thích xe máy vì môi trường quá bẩn, nhưng không thể thay bằng phương tiện gì khả thi. Chỉ cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng đúng đắn, được dùng một cách hiệu quả nhất thì tự người tham gia giao thông sẽ điều chỉnh cho phù hợp, đừng đưa ra những ý tưởng tiêu tiền của dân để thử nghiệm nữa”.
“Tại sao chúng chúng ta không nghĩ cách cải thiện cơ sở hạ tầng, lại nghĩ ra cách bổ sung thêm một loại phương tiện và cấm thêm một loại phương tiện. Mà cứ đà xăng tăng thế này thì không cần cấm, lượng xe lưu thông trên đường cũng sẽ giảm thôi”, bạn đọc tại địa chỉ nguyendat...@gmail.com bình luận.
Bạn đọc tại địa chỉ tranminh...@yahoo.com.vn thắc mắc: “Xã hội ngày một tiến bộ, người ta đang tính bầu trời năm 2050 đầy máy bay? Nước mình thì hạn chế xe ô tô, thật vô lý! Sao không mở rộng, cải thiện đường xá, đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà cứ nghĩ xoáy vào các loại phí, thuế, rồi lại đề xuất chạy xe Túc Túc".
Một số bạn đọc cho rằng: Muốn giảm phương tiện cá nhân, trước nhất phải có hạ tầng thật tốt, phương tiện giao thông công cộng cũng phải thật tốt, thì mới hướng người dân có ý thức tốt được. Cần xem lại hệ thống xe buýt Thủ đô đã đáp ứng như thế nào cho nhu cầu người tham gia giao thông? Tình trạng của chúng thế nào? Cần gì để hoàn thiện chúng. Nếu xe buýt đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, về thái độ phục vụ, về giờ giấc hoạt động,... thì người dân sống tại Thủ đô sẽ thích đi xe buýt hơn. Điều đó sẽ góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc.