Cụ thể, theo Nghị định của Chính phủ vừa ban hành, mức lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp vùng 1 là 3.100.000 đồng/tháng; vùng 2 là 2.750.000 đồng/tháng; vùng 3 là 2.400.000 đồng/tháng; vùng 4 là 2.150.000 đồng/tháng.
Đối tượng áp dụng bao gồm các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại hoặc chưa chuyển đổi theo quy định); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Ngoài ra còn có cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động…
Cũng trong chiều nay 10/11, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, sẽ điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp cho một số đối tượng từ 1/2015. Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống), thực hiện từ 1/1/2015.