Lúng túng xử phạt mũ bảo hiểm

Hôm nay 1/7, cơ quan chức năng sẽ đồng loạt kiểm tra, xử lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt tiêu chuẩn.

Hà Nội: Ban an toàn giao thông muốn xử, CSGT kêu khó

Theo ghi nhận của PV vào ngày 30/6 tại nhiều tuyến phố như Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đào Duy Anh (Đống Đa), đường Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Ngọc Lâm (Long Biên)… các tiểu thương bày bán tràn lan loại mũ bào hiểm có giá từ 30 đến 200.000 đồng đều được dán tem CR (hợp chuẩn) như những chiếc có trị giá từ 200.000 đồng trở lên.

Chúng tôi dừng chân tại khu vực đầu phố Khâm Thiên, một người phụ nữ chạc 50 tuổi giới thiệu nhiều loại MBH khác nhau với giá từ 30 đến 200.000 đồng. Người phụ nữ chỉ cho chúng tôi MBH dán tem CR được cho là hợp chuẩn là loại mũ có 3 lớp theo quy định bao gồm lớp nhựa bên ngoài, lớp xốp và lớp vải với giá 150.000 đồng.

Chúng tôi đưa sang phía đối diện, hỏi viên quản lý thị trường thì được người này sờ mó, nắn bóp xem xét một hồi rồi quả quyết, chiếc mũ đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Tiếp tục cầm chiếc MBH đến khu vực ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt để hỏi lực lượng CSGT xem nó có đạt tiêu chuẩn hay không? Hai chiến sỹ CSGT cầm chiếc mũ soi xét một hồi rồi phán, chiếc mũ không đảm bảo theo quy định.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội– Ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2014, Phòng CSGT Hà Nội sẽ ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội MBH, đội MBH không cài quai đúng quy cách, đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Lực lượng chức năng nếu phát hiện các trường hợp vận chuyển mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe máy sẽ bị kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ để bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, MBH cho người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đủ các tính năng: Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp hoặc được dán lên MBH bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Đối với MBH có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai không quá 70mm, mũ có lưỡi trai cứng, lưỡi trai không được lớn hơn 50mm, đối với mũ có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng PC67 – Công an Hà Nội nói, nếu người tham gia giao thông đang chấp hành tốt luật giao thông đường bộ thì lực lượng CSGT không có lý do gì để kiểm tra, xử lý về MBH.

Phải tập trung xử lý các hành vi vi phạm khi đi xe mô tô, xe gắn máy hoặc xe đạp điện không đội MBH, đội mũ nhưng không cài quai, không tôn trọng pháp luật về an toàn giao thông.

Trước mắt, trong những ngày đầu tháng 7, chỉ phạt các hành vi vi phạm rõ ràng, riêng trường hợp không đội MBH hoặc mũ không đạt chuẩn chủ yếu các đồng chí lập biên bản ghi nhận lại và nhắc nhở các trường hợp đó để cho nhân dân biết, hiểu và sửa chữa. Nếu lần sau tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. 

TPHCM: Như mối tơ vò

Sáng 30/6, MBH vẫn được bày bán tràn lan trên nhiều tuyến đường tại TPHCM như Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội, (quận 9), Quốc lộ 22 (Hóc Môn), Quốc lộ 1 (Thủ Đức). Mũ bày bán trên lề đường hay trong các cửa hàng có điểm chung là … đầy đủ nhãn hiệu, tem CR, tem bảo hiểm và người bán cam kết sản phẩm đạt chuẩn nhưng có giá khá “mềm”, chỉ từ 80 -250 nghìn đồng/sản phẩm.

Nhiều người tìm mua MBH đạt chuẩn thừa nhận không biết sản phẩm nào đạt chuẩn. Ông Hưng (công nhân Công ty giày Thái Bình, quận Thủ Đức) băn khoăn: Sản phẩm nào cũng có nhãn hiệu, dán đủ tem CR, bảo hiểm. Đọc báo thấy công an bắt mấy vụ làm tem giả. Mình không được hướng dẫn cụ thể cách phân biệt tem giả nên không biết phải chọn thế nào cho đúng.

Theo bà Trịnh Tố Oanh, Giám đốc Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu VN, kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới trong 200 mẫu MBH mới, có tem đạt chuẩn được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn năm thành phố lớn ở Việt Nam thì chỉ có 39,5% đạt yêu cầu về độ hấp thụ xung động (lực va đập vào MBH).

Trong 800 mẫu MBH đang sử dụng được đưa đi kiểm tra thì chỉ có 15,8% đạt yêu cầu, chứng tỏ trên thị trường đang tồn tại lượng MBH không đạt chất lượng khá lớn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cho biết, hiện rất lúng túng trong kiểm tra, xử lý MBH không đạt chất lượng.

Trao đổi với Pv , nhiều người dân ở TPHCM cho biết, ủng hộ chủ trương bắt buộc người đi xe máy, xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn để hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, xét cho cùng, nhiều người sử dụng MBH rởm cũng là nạn nhân. Vì vậy, trước khi xử phạt, cần phải kiên quyết dẹp bỏ tình trạng sản xuất, mua bán MBH giả, kém chất lượng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể cho người dân cách phân biệt hàng thật – hàng giả.

Chỗ bán nào cũng sẵn sàng cấp hóa đơn. Tem bảo hiểm, CR bị làm giả tràn lan. Thậm chí, Công ty Duyên Lành – đơn vị cung cấp sản phẩm cho một nhà phân phối trong chương trình “đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn” ở TPHCM mới đây cũng bị phát hiện sản xuất tàng trữ cả kho MBH rởm, thu giữ hàng chục ký tem giả. Vì sao không hướng dẫn cho người dân cách phân biệt tem thật, tem giả đã xử phạt?” – ông Hưng thắc mắc.

Theo thượng úy Cao Đức Thịnh, cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông rất khó xác định MBH có đạt chất lượng hay không.

MBH của họ cũng có vỏ mũ, có lớp đệm hấp thu xung động, có tem... nhưng bằng mắt thường làm sao biết được có đạt chất lượng hay không” - ông Thịnh nói.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), hiện nay, người dân không thể phân biệt được thật – rởm vì chưa chắc mũ đắt tiền đã đạt chuẩn, rẻ tiền là hàng rởm. Để tình trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay không phải là lỗi từ phía người dân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để ngăn chặn và dẹp bỏ tình trạng buôn bán MBH rởm trên địa bàn thành phố, vừa qua, Chi cục đã triển khai một chuyên đề về MBH.

Kết quả, đã hạn chế tối đa tình trạng buôn bán MBH rởm trên địa bàn thành phố và được Ủy ban ATGTQG đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc buôn bán MBH rởm thoắt ẩn, thoắt hiện, chủ yếu được vận chuyển bằng xe đạp và bày bán ở vỉa hè, lòng đường nên khó khăn trong xử lý.