Như đã đưa tin, theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội dự kiến đưa "xe bus phụ nữ" vào hoạt động thí điểm từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, cơ quan này cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu thực trạng hành vi quấy rối trên xe buýt đã đến mức cần thiết đưa "xe buýt phụ nữ" vào hoạt động hay chưa.
Trước đó, trong cuộc họp về vấn đề giao thông Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm một số tuyến xe buýt phục vụ riêng cho nữ giới. Theo đó, vào giờ cao điểm tại một số khu vực đông công nhân nữ và học sinh, sinh viên nữ đi lại bằng xe buýt, Transerco sẽ thí điểm một số tuyến riêng cho họ.
Đây là một trong những chủ trương được đưa ra sau khi một tổ chức xã hội công bố "tại Việt Nam, có đến hơn 30% phụ nữ từng bị quấy rối trên xe buýt". Chủ trương của Hà Nội nhằm ngăn ngừa hành vi hành vi quấy rối.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, cơ quan này cùng các ban ngành khác đang xem xét lại việc này có thực sự cần thiết hay không.
Theo ông Hải, có thể có hiện tượng quấy rối tình dục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng và phổ biến như đánh giá của tổ chức xã hội nào đó mới đây công bố.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp rà soát. Đến thời điểm nào đó thấy cần thiết, chúng tôi sẽ triển khai" - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, hệ thống mạng lưới xe buýt Hà Nội vẫn hoạt động khá hiệu quả. Về cơ bản, nhiều người đánh giá xe buýt Hà Nội an toàn và đã khá thân thiện với hành khách.
"30% người bị quấy rối chưa phải là con số đáng tin cậy. Để đánh giá một vấn đề xã hội, cần có sự nghiên cứu toàn diện, nhiều góc độ" - ông Hải nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, cơ quan này đề xuất các cơ quan liên quan cùng phối hợp tiếp tục kiểm tra thêm. Nếu có hiện tượng quấy rối, các cơ quan giao thông có thể đề nghị công an vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
Ông Hải cũng nói thêm, triển khai xe buýt cho phụ nữ là việc làm không khó. Mọi cơ sở vật chất đã có sẵn, khi thấy cần thiết, Hà Nội sẽ triển khai được ngay, không phải đầu tư gì thêm.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội) cũng cho hay, Sở đã được thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu về dự án này và hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu.
"Không phải là Sở lùi thời gian thí điểm mà là đang nghiên cứu. Nếu thấy cần thiết, Sở mới cho triển khai" - ông Linh nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho hay, thành phố chỉ mới giao sở, ban, ngành tìm hiểu, đánh giá để thí điểm "xe buýt phụ nữ" chứ chưa có quyết định, chủ trương nào.
"Sau khi khảo sát, họ sẽ báo cáo lên thành phố. Nếu các cơ quan thấy không cần thiết thì cho thí điểm. Nếu không cần thiết thì thôi" - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, không có chuyện phụ nữ bị quấy rối phổ biến đến mức như số liệu do tổ chức xã hội nào đó công bố.
Theo ông Long, hiện nay phần đông người đi xe buýt là nữ giới và ở độ tuổi khá trẻ, thường là học sinh, sinh viên. Lứa tuổi này rất nhạy cảm với chuyện bị "đụng chạm" nơi công cộng.
"Nếu thực tế như số liệu công bố, chắc không cô gái nào còn dám đi xe buýt", ông Long nói.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo, trước con số được công bố, Hà Nội chỉ yêu cầu kiểm tra, rà soát lại thực tế chứ chưa phải là cho thực hiện “xe buýt phụ nữ” ngay.