“Luật” bỏ tiền triệu mua chỗ ngồi ăn xin

Nghề ăn xin hóa ra cũng công phu và tốn kém nhiều chi phí. Một trong những “phí” đắt đỏ nhất đối với đội quân “cái bang” chính là tiền thuê chỗ ngồi.

Để có một “chân” ngả nón ăn xin ở các đền chùa, lễ hội, số tiền thuê chỗ trong một ngày; một số người “đóng cửa đi ăn mày” có khi phải trả bằng cả tháng lương của người đi làm công.

Tiền triệu thuê chỗ ngồi “phân lô”

Như một hình ảnh quen thuộc mỗi dịp đầu năm, đi một vòng các đền chùa hay lễ hội, đều dễ dàng bắt gặp một đội quân “cái bang” la liệt khắp nơi, người già có, trẻ nhỏ có, thậm chí không thiếu cả thanh niên trai tráng. Năm nay, do có nhiều tiên bộ trong khâu tổ chức ở một số địa điểm đi lễ, nên hình ảnh đội quân “ăn xin” không còn la liệt như mọi năm. Nhưng thực tế số lượng không giảm, trong khi đó tính “chuyên nghiệp” ngày càng cao. Họ ngồi có hàng lối, nhận cả đồ lộc bánh kẹo, hoa quả chứ không “kén chọn” chỉ xin tiền như trước.

Tại Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), dọc theo đường lên một số cụm chùa chính như Long Vân, Tuyết Sơn, Hinh Bồng, từ sáng sớm, những người ăn xin đã ra “xí” chỗ. Họ ngồi cả ngày đúng theo vị trí định sẵn, từ sáng đến khuya, ai chỗ nào vẫn nguyên chỗ ấy. Tuy nhiên, không phải cứ nhanh chân là có chỗ “làm ăn”. Một người ăn xin ở đây cho biết, phần lớn đều phải bỏ tiền thuê chỗ ngồi mới có thể ngả nón xin tiền.

Phí thuê chỗ ngồi “cái bang” vào khoảng 500 – 3 triệu đồng/ngày, áp dụng trong những ngày chính hội đông khách. Mức giá khủng nhưng chẳng lúc nào trống chỗ, ở nhiều địa phương đông du khách qua lại người nào muốn “ăn mày cửa phật” phải đặt tiền trước. Thông thường, từ trước khi lễ hội diễn ra, các chỗ ngồi đã được “phân lô” và định giá sẵn tùy theo địa thế đẹp xấu mà phù hợp với giá cả.

Địa thế “đắc địa” thường được dân trong nghề ưa chuộng là cổng chính dẫn vào các nơi lễ hội và những cụm đền chùa linh thiêng. Vị trí ngồi phải không xa nhưng cũng không quá sát gần so với mép đường đi của khách. Xa quá thì dễ bị “hụt ăn”, mà sát quá thì dễ phản cảm khiến khách “né”. Đẹp và dễ ăn nhất là cứ ngồi yên ở vị trí vừa ngay tầm người đi qua đưa tay thả tiền. Do đặc thù công việc có tính mùa vụ, tùy theo thời điểm, cũng như mức độ “ăn khách” của các địa điểm khác nhau, chỗ ngồi cũng được cho thuê ngắn hạn theo ngày hoặc tuần.

Qua tìm hiểu thêm, được biết việc cho thuê chỗ chủ yếu do người dân sống xung quanh khu vực chùa tự ý đặt ra. Những người hành khất tuy làm ăn riêng lẻ nhưng lại có tinh thần “đồng đội” khá cao, để tránh việc bị ban quản lý phát hiện, họ “bọc lót” cho nhau rất hiệu quả. Người ngồi ở ngoài canh chừng “đánh động” cho những người bên trong khi phát hiện lực lượng bảo vệ xuất hiện.

“Đầu tư” nhiều, thu nhập “khủng”

Tiền bố thí thường chỉ là một vài nghìn đồng, nhưng với lực lượng khách đi chùa đông kín và tâm lý “phát lộc làm thiện”. Thu nhập từ việc ăn xin trước cổng chùa được tính bằng tiền triệu mỗi ngày. Không hiếm trường hợp gặp được du khách hào phóng bố thí tiền chẵn mệnh giá 5 – hàng chục ngàn đồng thì thu nhập hôm đấy cao hơn thường lệ. Không những thế, tiền xin được chủ yếu là tiền lẻ loại mới cứng, loại tiền này sẽ được các “đệ tử cái bang” gom bán lại cho những hàng kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ, lấy thêm tiền chênh lệch.

Ở những lễ hội có số lượng khách tham quan lễ bái đông như chùa Hương, việc mỗi người ăn xin kiếm một ngày vài triệu không phải quá khó. Phải như thế họ mới đủ chi trả phí thuê chỗ ngồi và ăn uống… Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong khoảng thời gian một buổi sáng của ngày chính hội, chưa đến 13h chiều, một người ăn xin khu vực đền Mẫu (chùa Hương) không dưới 10 lần bốc nắm tiền bố thí đựng đầy trong mũ để cất vào túi. Người này cho biết thêm, nếu chịu khó ngồi cả ngày thì tiền xin được trừ đi các khoản chi phí vẫn còn “kha khá”. Trong cái nghề này, càng quen mặt càng khó “làm ăn”. Do vậy mọi người thường bám trụ đến cùng, đói thì ăn thức ăn mang theo, hoặc “xơi” lộc mà khách cúng xong vừa cho.

Hình ảnh không mấy đẹp tại các lễ hội 

Đến chiều muộn khi khách đã vãn, ít người qua lại, những người ăn xin mới lục tục đứng dậy, thu gom đồ nghề rời vị trí. Một số người ban ngày ốm yếu quoặt quẹo, thậm chí nói phều phào không ra hơi, bây giờ đi lại khỏe mạnh vui vẻ. Họ tìm chỗ vắng bỏ tiền xin được ra đếm, có khi trên người vẫn còn dính lủng lẳng băng gạch hóa trang.

Luật “cái bang”

Người ăn xin chủ yếu hành nghề đơn lẻ, “ai làm người nấy ăn”, nhưng nhiều nơi tụ tập thành nhóm, cùng hợp sức đi xin, mỗi khi có khách du lịch đi qua là cả hội đồng loạt rộ lên những lời van xin khiến du khách ngẩn ngơ. Đối với những người ăn xin nằm ngồi la liệt thành “cụm” như vậy, thường khách phải cho đều, hiếm khi có người cho có cớ bỏ sót ai thì họ chủ động chìa nón ra để “nhắc nhở”. Người tham gia các nhóm ăn xin cũng tỏ ra khá “biết điều”, ai đã nhận được tiền hoặc lộc bố thí thì sẽ rụt nón về, nhường cho người khác, không lấy thừa. Việc ngồi tập trung và ăn xin tập thể còn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh giữa các băng nhóm “cái bang”.

Chùa Hương từ lâu đã được mệnh danh là “cảnh tiên nơi hạ giới”, hệ thống chùa chiền ở đây cũng chiếm số lượng lớn khiến khách tham quan khó có thể nhớ và phân biệt được hết các điểm thờ cúng. Lợi dụng điều này, một số người dân sống quanh khu vực tự ý lập ra các miếu và khu thờ tự “ăn theo”, chủ yếu là kết hợp với xin tiền để trục lợi cá nhân. Các miếu giả lại kéo theo không ít người ăn xin nằm ngồi xin khách “rủ lòng thương”. Tất nhiên giá thành thuê chỗ ở những điểm này sẽ “mềm” hơn rất nhềiu so với các điểm chùa chính, thậm chí là miễn phí.

Ngày đầu năm, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ được tổ chức, người đi chùa ai cũng có tâm lý tích cực thoải mái, cùng với suy nghĩ đi chùa làm việc thiện cầu mong một năm may mắn, phần lớn mọi người đều coi việc bố thí là tích đức nơi cửa phật. Dựa vào tâm lý đó, đội quân hành khất trong những dịp này nở rộ vô cùng đông đảo với nhiều hình thức ăn xin khác nhau. Một cán bộ thuộc Ban công đức chùa Hương cho biết, vì đặc điểm các chùa ở đây tập trung thành từng cụm hoặc cách xa nhau, đường lên chủ yếu là đường núi khá dài và khó khăn, nên rất khó để kiểm soát triệt để việc người dân tự lập ra miếu, hay mánh khóe khác để xin tiền thực khách, trục lợi cá nhân. Đội ngũ “cái bang” này còn có cả đường dây tổ chức, cảnh giới, khi phát hiện bảo vệ họ thông báo cho nhau “rút quân”, nên việc ngăn chặn ăn xin tại các điểm lễ hội dường như là một việc làm “ném đá ao bèo”.